10/04/2024 13:23 GMT+7

Nhiều cơ quan, đơn vị gửi đơn xin giảm nhẹ cho ông Ca

Theo thông báo từ chủ tọa, ngoài một số cơ quan nơi ông Đỗ Hữu Ca từng công tác, sinh sống gửi đơn xin giảm nhẹ thì còn có nhiều người dân đi đến tòa gửi đơn xin giảm trách nhiệm hình sự cho cựu giám đốc Công an Hải Phòng.

Cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca tại phiên tòa - Ảnh: TIẾN THẮNG

Cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca tại phiên tòa - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trưa 10-4, sau khi viện kiểm sát công bố cáo trạng, phiên tòa xét xử ông Đỗ Hữu Ca (cựu giám đốc Công an Hải Phòng) bắt đầu phần thẩm vấn.

Trước khi xét hỏi, thẩm phán Bùi Văn Tuấn - chủ tọa phiên tòa - thông báo Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã nhận được đơn của nhiều cơ quan xin giảm nhẹ cho ông Đỗ Hữu Ca.

Theo thông báo từ chủ tọa, một số cơ quan nơi ông Ca từng công tác như Công an TP Hải Phòng, Hội Luật gia TP Hải Phòng… gửi đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo.

Chính quyền địa phương nơi ông Ca sinh sống như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thủy Nguyên, xã Kênh Giang… cũng có đơn xin giảm nhẹ cho ông Đỗ Hữu Ca.

Đáng chú ý, chủ tọa cho biết trước khi phiên xét xử diễn ra, "có rất đông người dân đi ô tô đến tòa gửi đơn xin giảm nhẹ cho ông Đỗ Hữu Ca".

Theo nội dung đơn của Hội Luật gia TP Hải Phòng gửi đến tòa, ông Đỗ Hữu Ca từng có hơn 2 nhiệm kỳ làm phó chủ tịch hội này. Ông có nhiều đóng góp cho hoạt động và công tác phát triển hội, được nhiều bằng khen của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, bằng khen của UBND TP Hải Phòng.

"Toàn bộ thiệt hại do hành vi sai phạm của ông Ca gây ra đã được khắc phục. Hiện nay hoàn cảnh gia đình ông gặp nhiều khó khăn, vợ ông bị bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện trong thời gian dài", đơn của Hội Luật gia TP Hải Phòng cho biết và đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ để "ông Đỗ Hữu Ca sớm trở về đoàn tụ với gia đình".

Trong đơn gửi đến tòa, Công an TP Hải Phòng cho biết ông Đỗ Hữu Ca khi còn công tác đã đạt nhiều thành tích như triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, "được nhân dân yêu quý và tin tưởng".

Trong đơn, Công an Hải Phòng cũng liệt kê ông Đỗ Hữu Ca đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen của Thủ tướng, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng… Từ đó Công an Hải Phòng đề nghị tòa "xem xét giảm trách nhiệm hình sự đối với ông Ca".

Thành lập 26 công ty để mua bán hóa đơn trái phép

Người đầu tiên tòa gọi lên thẩm vấn là ông Trương Xuân Đước, giám đốc Công ty Thái Bình Dương.

Ông Đước được coi là "trùm" mua bán hóa đơn ở khu vực Đông Bắc và có mối quan hệ thân thiết lâu năm với cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca.

Tại Hải Phòng, ông Đước từng được gán biệt danh Đước "Ca".

Trước bục khai báo, ông Đước nói "bị cáo bị bắt ba tháng, bị cáo xúc động và bị điếc một bên tai".

Bị cáo Trương Xuân Đước tại phiên tòa - Ảnh: TIẾN THẮNG

Bị cáo Trương Xuân Đước tại phiên tòa - Ảnh: TIẾN THẮNG

Bị cáo Đước thừa nhận bắt đầu buôn bán hóa đơn trái phép kiếm lời từ năm 2005 khi thành lập Công ty cổ phần Khánh Dung. Sau đó ông Đước thành lập và điều hành 26 công ty cũng với mục đích mua bán hóa đơn trái phép.

Khi chủ tọa yêu cầu trình bày về quá trình mua bán hóa đơn trái phép thì hai lần ông Đước nói "không nhớ".

Chủ tọa phải đọc lại nội dung cáo trạng thể hiện ông Đước cùng vợ mình là Nguyễn Thị Ngọc Anh dùng nhiều thủ đoạn mua bán trái phép hơn 21.000 hóa đơn.

Tổng số tiền vợ chồng ông Đước bị cáo buộc thu lời bất chính từ việc mua bán hóa đơn trái phép là hơn 41 tỉ.

Sau khi nghe tòa công bố nội dung trên, ông Đước xác nhận "cáo trạng truy tố là chính xác và không có ý kiến gì".

Ngoài hành vi trên, ông Đước còn bị đưa ra xét xử về tội đưa hối lộ.

Theo cáo trạng, để việc mua bán hóa đơn trái phép không bị phát hiện, Đước đã tìm đến ông Nguyễn Đình Đương, chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, nhờ "giúp đỡ".

Ông Đương và cấp dưới của mình là Đỗ Thanh Hoài đã hướng dẫn cho vợ chồng Đước "cách thức" kê khai thuế, để không bị cơ quan chức năng phát hiện hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Mỗi doanh nghiệp thành lập mới để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn tại huyện Cát Hải thì vợ chồng Đước phải chi phí số tiền là 50 triệu đồng cho cán bộ thuế.

Ngoài ra mỗi tháng, bị cáo phải chi phí tiền "ăn chia" cho Đương và Hoài theo tỉ lệ 3 triệu/1 tỉ đồng giá trị giao dịch hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).

Kết quả điều tra xác định trong thời gian từ tháng 8-2021 đến tháng 8-2022, vợ chồng Đước đã đưa tổng cộng 362 triệu đồng cho Nguyễn Đình Đương, Đỗ Thanh Hoài.

Khi bị Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, vợ chồng Đước đã 4 lần đến nhà ông Đỗ Hữu Ca đưa tổng cộng 35 tỉ để nhờ "chạy án".

Tuy nhiên, đầu tháng 2-2023 hai vợ chồng Đước đều bị cơ quan điều tra bắt giữ. Đến giữa tháng 2 thì ông Đỗ Hữu Ca bị bắt tạm giam.

Theo cáo trạng, tại cơ quan điều tra, ông Ca thừa nhận vợ chồng Đước có mang 35 tỉ đồng đến nhà để ở phòng khách và phòng ngủ tầng 1, song không thừa nhận cầm tiền chạy án vì "đã nghỉ hưu từ lâu, các mối quan hệ không nhiều, không còn khả năng chạy tội".

Ông Ca khẳng định chưa tác động, chưa dùng 35 tỉ đồng để lo "chạy tội" cho vợ chồng Đước.

Chùm ảnh phiên tòa xét xử ông Đỗ Hữu CaChùm ảnh phiên tòa xét xử ông Đỗ Hữu Ca

Sáng nay khai mạc phiên xử ông Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc công an TP. Hải Phòng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Viện kiểm sát đang công bố cáo trạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp