Phóng to |
Ông Nguyễn Thành Hưng - Ảnh: P.Phương |
- Trong năm 2011 vừa qua, hàng hóa VN xuất khẩu sang Thái Lan tăng mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Số lượng các mặt hàng VN xuất khẩu sang Thái Lan khá phong phú, từ sắt cuốn nguội, cà phê, gia vị, nông sản, thủy sản, văn phòng phẩm, bánh kẹo, thực phẩm chế biến... Dù vẫn đang nhập siêu nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của VN sang thị trường này trong năm 2011 đạt tỉ lệ khá ấn tượng, với 51%, so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chỉ có 30%. Tuy nhiên, nếu biết tận dụng tốt các lợi thế, các DN VN có thể khai thác tốt hơn nữa về thị trường này...
* Các mặt hàng nào của VN được quan tâm nhiều tại Thái Lan, thưa ông?
- Nhiều mặt hàng VN đã vào Thái Lan như thực phẩm chế biến, bánh kẹo, hoa quả chế biến, lương thực, cá tươi, cá sấy khô, các mặt hàng vật liệu xây dựng như gạch ốp lát, sứ men hay gỗ chế biến...Hầu như các tỉnh phía bắc nước này, ngay cả những vùng quê hẻo lánh, đều có hàng VN. Một số mặt hàng VN như Vinamit, đồ sứ xây dựng, văn phòng phẩm của Thiên Long... rất được bà con Việt kiều tại khu vực này ưa chuộng.
Do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng bởi đợt lũ lụt lịch sử vừa qua, nhiều công ty của Thái Lan đã chuyển sang nhập khẩu hàng nước ngoài, trong đó có hàng VN, để đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như tái xuất sang các nước khác. Hiện Thái Lan quan tâm các mặt hàng nông sản, rau củ quả VN, đặc biệt su hào, nhãn, vải thiều... Nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại, hàng VN sẽ có nhiều cơ hội vào Thái Lan, nhờ lợi thế nhất định là thu hoạch không trùng với vụ thu hoạch của Thái Lan. Ngay cả các mặt hàng như linh kiện ôtô, xe máy, điện tử... cũng hoàn toàn có cơ hội xuất khẩu sang Thái Lan.
Có thể nói người tiêu dùng Thái Lan đánh giá hàng VN rất tốt nhờ chất lượng đảm bảo và ổn định hơn hàng Trung Quốc. Vì vậy, hàng VN có nhiều khả năng cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, mẫu mã và chủng loại cần quan tâm cải tiến để bắt mắt hơn với người tiêu dùng.
* DN VN cần chú ý gì khi xuất khẩu sang thị trường này?
- DN VN cần đánh giá và nhìn nhận thị trường Thái Lan là thị trường tiềm năng, là thị trường quốc tế chứ không hẳn hàng VN sang chỉ cạnh tranh với hàng Thái Lan. Các DN VN cần phải tích cực tham dự hội chợ triển lãm, đó là cơ hội để DN VN chào bán hàng không chỉ với thị trường Thái Lan mà còn có nhiều DN nước ngoài khác, thị trường Thái Lan chỉ là điểm hẹn thôi.
Một trong những vấn đề cần lưu ý là sự ổn định trong việc cung cấp hàng hóa. Các DN VN chào bán nhiều nhưng sự ổn định chưa có, đợt giao hàng thứ hai thường có xu hướng không đảm bảo về thời gian và số lượng, gây khó khăn cho nhà nhập khẩu. Ngoài ra, trong cùng mặt hàng các DN VN thiếu sự thống nhất, đặc biệt là việc thông tin trong một hiệp hội hoặc một cơ quan nào đó để xây dựng giá phù hợp.
Cụ thể, có DN VN chào bán với giá rẻ hơn và DN bạn chuyển sang mua sản phẩm này, từ đó không quan tâm đến chất lượng khi gặp hàng kém chất lượng khiến uy tín hàng VN giảm đi. Các DN VN cần có suy nghĩ nghiêm túc trong việc giữ bạn hàng nước ngoài, đặc biệt là những bạn hàng thường xuyên.
* Thái Lan làm rất tốt công tác phát triển sản phẩm và xuất khẩu hàng hóa, chúng ta có thể học hỏi gì từ họ không, thưa ông?
- VN có thể học tập kinh nghiệm từ Thái Lan trong nhiều lĩnh vực như chế biến nông sản, dịch vụ, lĩnh vực phát triển sản xuất hàng lưu niệm... Tôi lấy ví dụ, Thái Lan áp dụng chiến lược phát triển mỗi làng một sản phẩm và đã rất thành công nhờ các chính sách hỗ trợ kèm theo. Chẳng hạn, ngoài các chính sách khuyến khích và ưu đãi, họ còn xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, đồng thời các công chức nhà nước đều có trách nhiệm chào bán sản phẩm này... Một trong những chìa khóa để duy trì được mỗi làng một sản phẩm của Thái Lan là chính phủ hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận