Tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ - bà Louise Mushikiwabo - chào xã giao Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: N.BÌNH
Trong hai ngày 22 và 23-3, hơn 102 doanh nhân và chủ thể kinh tế quốc tế đến từ 24 quốc gia và chính phủ thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và hơn 420 doanh nghiệp Việt Nam đã gặp gỡ, thảo luận về các dự án kinh doanh, đầu tư, tập trung trong 3 lĩnh vực: nông nghiệp ‐ chế biến thực phẩm, năng lượng bền vững, hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của phái đoàn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ (MECA) tại Việt Nam lần này.
Bà Louise Mushikiwabo - tổng thư ký OIF - cho biết sự hiện diện của các ông chủ, nhà khởi nghiệp, tổ chức kinh tế đến từ 24 nước thành viên OIF tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng hợp tác, phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong tương lai.
MECA năm nay đã chọn TP.HCM là điểm dừng chân đầu tiên trước khi đến Hà Nội và Phnom Penh (Campuchia). Theo bà Louise Mushikiwabo, TP.HCM được chọn bởi đây là thành phố lớn nhất và là trái tim kinh tế của Việt Nam. Các doanh nghiệp có cơ hội thăm các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong ngành năng lượng, kỹ thuật cao để trao đổi, và hình thành các kết nối phát triển kinh doanh.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, một trong những định hướng của OIF là thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên và với nhiều quốc gia trên toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tìm thấy nhiều cơ hội đầu tư ở Việt Nam so với các nước khác trong OIF.
Các doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ đánh giá cao cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam - Ảnh: N.BÌNH
Ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá MECA với sự có mặt của đông đảo doanh nghiệp quốc tế đến TP.HCM ngay sau khi Việt Nam vừa mới mở cửa, là cơ hội tốt để các nền kinh tế, doanh nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ cùng kết nối và kiến tạo chuỗi cung ứng mới trong dòng chảy thương mại toàn cầu.
Cộng đồng doanh nghiệp của OIF có điều kiện thuận lợi khai thác đa dạng hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA)…
Hiện Việt Nam đang thuộc nhóm thành viên nòng cốt, có tiếng nói đối với việc hoạch định và triển khai các chiến lược hợp tác của cộng đồng Pháp ngữ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là hợp tác kinh tế.
Việt Nam hiện có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF. Nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm gạo, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy…
Ở lĩnh vực đầu tư, có 16/54 quốc gia thành viên OIF đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Tại TP.HCM và Hà Nội, chương trình dự kiến gồm Diễn đàn kinh tế cấp cao nhằm giới thiệu các định hướng chiến lược, cơ hội kinh doanh, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các cuộc gặp gỡ trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp theo hình thức B2B, các chuyến tham quan doanh nghiệp và các dạ tiệc giao lưu, kết nối...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận