21/05/2021 05:33 GMT+7

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ giao địa phương tổ chức thi tốt nghiệp

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Bộ Giáo dục - đào tạo nên giao quyền cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ đề xuất này của TP.HCM, xem đây như một 'sức bật để đổi mới' việc học, thi.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ giao địa phương tổ chức thi tốt nghiệp - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12A10 Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, TP.HCM trong giờ ôn thi môn văn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, thật ra đề xuất trên không mới. Vì từ năm 2016, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT xin thẩm định "Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP.HCM từ năm 2017". Trong đề án, TP.HCM kiến nghị được phép tự ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tốt nghiệp đối với học sinh học hết lớp 12 trên địa bàn.

Rất tiếc, đề án này đã không được phê duyệt.

Bộ không nên "ôm"

Theo các chuyên gia giáo dục, việc giao quyền cho các địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT là rất phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. TS Nguyễn Hà Thanh, khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích: "Khi được giao quyền, các tỉnh thành sẽ chủ động về ngày thi, đề thi… chứ không phải phụ thuộc vào ngày thi chung do Bộ GD-ĐT quy định. Những nơi chưa kiểm soát được dịch COVID-19 thì có thể dời ngày thi".

Song song với việc thực hiện đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông, từ thời bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông cũng đã "đặt hàng" với các nhà nghiên cứu về đổi mới thi.

PGS.TS Nguyễn Phương Nga (ĐH Quốc gia Hà Nội), chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu đề xuất phương án đánh giá xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới", cho biết nhóm đề tài này đã đưa ra phương án: các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh đã học xong chương trình THPT và đạt các điều kiện quy định của Bộ GD-ĐT.

Một phương án khác là các trường THPT tổ chức thi tại trường cho những học sinh đã học xong chương trình THPT theo các đề thi do trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của Bộ GD-ĐT thiết kế. Học sinh đạt điểm theo quy định sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.

Những học sinh có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, nếu có nhu cầu sẽ tham dự kỳ thi do sở GD-ĐT tổ chức tại các trung tâm khảo thí đặt ở tỉnh, TP để được cấp bằng tốt nghiệp THPT của sở GD-ĐT.

Kỳ thi THPT được tổ chức 2 lần/năm và có thể 3 lần/năm, do sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tổ chức thi. Thí sinh được lựa chọn thời điểm thi phù hợp kế hoạch cá nhân. Thí sinh chỉ phải thi 3 môn bắt buộc gồm: toán, ngữ văn và ngoại ngữ nằm trong chương trình lớp 12. Phương án này có thể áp dụng từ năm 2024.

Khi Luật giáo dục năm 2019 quy định việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh, nhiều ý kiến chuyên gia không còn đặt ra chuyện "bỏ thi" nhưng tiếp tục cho rằng nên đưa việc thi để xét tốt nghiệp về địa phương, Bộ GD-ĐT không thể "ôm" trách nhiệm tổ chức kỳ thi này nữa.

"Nếu xem kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá chất lượng, từ đó điều chỉnh chính sách đầu tư cho giáo dục, đưa ra giải pháp để khắc phục điểm yếu trong dạy học lại càng cần đưa kỳ thi về địa phương mới đánh giá sát và phù hợp với mục tiêu đổi mới của mỗi vùng miền" - một phó giám đốc sở GD-ĐT khu vực miền Bắc có ý kiến.

Việc "đưa kỳ thi về địa phương" không phải như hiện nay mà các chuyên gia cho rằng nên để các sở GD-ĐT chủ động hoàn toàn về lịch thi, đề thi, phương thức thi phù hợp với điều kiện, đối tượng học sinh.

Nếu không có quy định cụ thể mà giao cho 63 tỉnh thành tự tổ chức thi rất có thể sẽ có 63 dạng đề thi khó - dễ khác nhau; việc chấm thi cũng sẽ theo dạng lỏng - chặt khác nhau. Và như vậy việc dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH cần phải xem xét lại.

TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)

Sức bật để đổi mới

Ủng hộ giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương nhưng TS Nguyễn Hà Thanh lại tỏ ra thận trọng: "Chỉ nên cho TP.HCM thực hiện thí điểm trước về việc tổ chức và ra đề thi tốt nghiệp THPT. Theo dõi kết quả thi tốt nghiệp qua nhiều năm, tôi thấy kết quả thi ở TP.HCM rất ổn định.

Kể cả giai đoạn ông Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng Bộ GD-ĐT với quyết tâm thực hiện hai không: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với việc chạy theo thành tích", tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ở nhiều tỉnh thành bị hạ thấp rõ rệt trong khi TP.HCM vẫn giữ tỉ lệ ổn định cho đến bây giờ. Điều này làm cho tôi tin tưởng vào sự khách quan, công tâm cũng như năng lực tổ chức một kỳ thi nghiêm túc của Sở GD-ĐT TP.HCM".

Tương tự, TS Nguyễn Tùng Lâm, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo, cũng đề nghị: "Hãy cho những nơi mạnh dạn đổi mới như TP.HCM được thí điểm để có bài học thực tiễn cho cả nước".

"Tôi ủng hộ đề xuất của TP.HCM. Với kỳ thi THPT quốc gia như lâu nay, bộ muốn ổn định, các trường ĐH cũng vậy nhưng đó không phải là cách tốt để đánh giá đúng chất lượng. Vì bộ đang "bao cấp" cả khâu kiểm tra đầu ra của THPT lẫn khâu xét tuyển đầu vào của ĐH nên cả địa phương và cơ sở đào tạo đều ỷ lại và không chịu trách nhiệm rõ ràng.

Những địa phương như TP.HCM nếu được chủ động về kỳ thi đánh giá cuối cùng ở bậc THPT, có thể tạo được sức bật để thay đổi hướng dạy học" - ông Nguyễn Tùng Lâm nhận xét.

TS Nguyễn Hà Thanh phân tích: "Ngành GD-ĐT đang yêu cầu các nhà trường đổi mới cả phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong đó, TP.HCM đang chuyển rất nhanh và tích cực. Tuy nhiên, cách ra đề thi tốt nghiệp THPT chung cho học sinh cả nước của Bộ GD-ĐT có vẻ như chưa đáp ứng được sự đổi mới mạnh mẽ ở TP.HCM.

Vì vậy, việc giao quyền cho TP.HCM tự ra đề thi tốt nghiệp THPT cho phù hợp với tình hình dạy và học ở địa phương mang ý nghĩa rất quan trọng vì có tác dụng thúc đẩy đổi mới giáo dục ở một TP năng động nhất nước ta".

Được "tháo phanh" tất cả sẽ thi thật?

hanoi tuvantuyensinh 5 21052021 2(read-only)

Học sinh Hà Nội tìm hiểu thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021 của báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), thành viên tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới GD-ĐT - chia sẻ: Vấn đề này từng được đưa ra bàn ở các cuộc họp của ủy ban và ở một số hội nghị, hội thảo cũng có ý kiến đề xuất "đưa kỳ thi về địa phương", nhưng có một luồng ý kiến trái chiều khá mạnh của nhiều lãnh đạo cấp sở không ủng hộ.

"Tư tưởng ỷ lại bộ là có. Một số nơi muốn bộ lo vì ngại trách nhiệm, nhất là khâu đề thi vốn là khâu nhạy cảm. Nếu có sơ sẩy gì, bộ chịu trách nhiệm. TP.HCM từng có ý kiến này trong các cuộc bàn về đổi mới thi, những ý kiến phản biện cũng cho rằng TP.HCM muốn khẳng định sự vượt trội thì ở một kỳ thi chung vẫn có thể đạt được điều đó. Với thước đo chung sẽ dễ thấy ngay nơi nào chất lượng tốt, nơi nào không" - cô Nhiếp trao đổi.

Nhiều hiệu trưởng trường THPT tỏ ra lo lắng: "Giao quyền tự tổ chức, TP.HCM sẽ cố gắng thực hiện nghiêm túc, học sinh sẽ học thật - thi thật. Nhưng liệu các tỉnh thành khác có học thật - thi thật hay không?

Hiện còn tổ chức thi chung cho cả nước mà nhiều nơi còn gian lận đến mức cán bộ khảo thí phải ra tòa, chúng tôi rất lo lắng cho học sinh của mình, vì các em sẽ bị thiệt thòi khi điểm thi thấp hơn học sinh các địa phương khác. Như vậy, đường vào ĐH của học sinh TP.HCM cũng sẽ nhiều chông gai hơn" - một hiệu trưởng trường THPT ở TP.HCM chia sẻ ý kiến.

Quan trọng là "hậu kiểm"

Hầu hết các nhà giáo, các chuyên gia đều thống nhất rằng điều quan trọng nhất khi giao quyền tổ chức thi cho các địa phương chính là chế độ "hậu kiểm", đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, TP. Trong đó, Bộ GD-ĐT cần đánh giá chất lượng giáo dục các địa phương theo các chuẩn quốc tế như PISA, PASEC... và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

"Nếu tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT không tương đương với chất lượng giáo dục cần nghiêm túc xem xét lại việc tổ chức thi ở địa phương đó, cần thiết có thể chế tài để làm gương" - hiệu trưởng một trường THPT ở quận 10, TP.HCM, đề nghị.

Đăng ký xét tuyển học bạ, thí sinh ‘nhẹ nhõm’ chờ kỳ thi tốt nghiệp? Đăng ký xét tuyển học bạ, thí sinh ‘nhẹ nhõm’ chờ kỳ thi tốt nghiệp?

Ngày 11-5, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT (tức xét tuyển nguyện vọng) bằng phiếu đăng ký xét tuyển đã khép lại. Công việc tiếp theo dành cho các sĩ tử là kỳ thi tốt nghiệp dự kiến diễn ra vào tháng 7-2021.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp