01/01/2025 13:53 GMT+7

Nhiều chính sách mới, đổi mới trong đào tạo y tế

Nâng cao chất lượng y tế, nhân lực phải "đồng bộ". Ngành y tập trung nâng cao chất lượng nhân lực y tế trong năm 2025 thế nào?

Nhiều chính sách mới, đổi mới trong đào tạo - Ảnh 1.

Các y bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại một bệnh viện - Ảnh: NAM TRẦN

Các giải pháp nâng cao chất lượng nhân viên y tế, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt đề xuất chính sách dành cho sinh viên…

Đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực ngành y

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định bộ đang đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực ngành y, đào tạo dựa trên chuẩn năng lực đảm bảo nguồn nhân lực đủ cả về số lượng và tốt về mặt chất lượng.

Trong đó, Bộ Y tế đã thực hiện bước đầu đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế. Xây dựng và thực hiện các chuẩn năng lực đào tạo, quy định về đào tạo chuyên khoa đặc thù. Mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế tiếp tục phát triển cả công lập và ngoài công lập, mở rộng các chuyên ngành đào tạo.

Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 - 2030, định hướng 2050, nhằm phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức. Từ đó nâng cao năng lực chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.

Cần nhân lực chất lượng cao

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Hữu Tú - hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội - cho hay: "Vấn đề rất cần quan tâm là chất lượng nguồn nhân lực y tế. Với quy hoạch mạng lưới mới thì sẽ có rất nhiều bệnh viện trở thành bệnh viện chuyên khoa sâu, bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Vì vậy cần phải có nhân lực chất lượng cao làm việc tại những bệnh viện này, ngoài những yếu tố cơ sở vật chất, máy móc hiện đại.

Nhân lực chất lượng cao của ngành y tế không tự nhiên hình thành mà phải từ cái "gốc" chính là đào tạo tại các trường đại học có chất lượng, sau đó mới hoàn thiện dần.

Để xây dựng hệ thống y tế tốt hơn, việc đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học là vô cùng quan trọng, cấp thiết và nên đi trước một bước, đặc biệt đối với các trường trọng điểm quốc gia, "máy cái" của hệ thống đào tạo. Nếu những "máy cái" đào tạo nguồn nhân lực y tế không khỏe thì không thể đảm bảo sự thành công của cả hệ thống.

Hiện nay việc đồng thời mở rộng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo đang gặp nhiều khó khăn khi các trường đại học phải thực hiện tự chủ, đầu tư cơ sở vật chất thường xuyên, trong khi nguồn lực hạn chế".

Nhiều chính sách mới, đổi mới trong đào tạo - Ảnh 2.

Nhân viên y tế làm việc vất vả, thu nhập chưa cao - Ảnh: NAM TRẦN

Cần đầu tư đồng bộ

Cùng quan điểm với GS Tú, ông Trần Văn Thiện, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội - Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng để nâng cao năng lực đào tạo nhân lực ngành y cần có sự đầu tư đồng bộ.

Theo ông Thiện, đào tạo ngành y khoa có đặc thù không chỉ là chữa bệnh mà là "chữa người bệnh". Cùng một bệnh nhưng trên những người bệnh khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị cá biệt. Vì vậy song song với đào tạo về lý thuyết, việc thực hành đối với sinh viên y khoa rất quan trọng.

"Hiện việc thực hành của sinh viên ngành y tại các trường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều trường không có đủ cơ sở thực hành, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả cho các trường đào tạo và bệnh viện, trừ một số trường có bệnh viện trực thuộc", ông Thiện cho hay.

Trước đó, cuối năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong 18 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hai trường thuộc lĩnh vực sức khỏe gồm Trường đại học Y Hà Nội và Trường đại học Y Dược TP.HCM.

Bốn trường được quy hoạch là đại học vùng, bên cạnh Đại học Thái Nguyên, gồm Trường đại học Vinh, Trường đại học Nha Trang, Trường đại học Tây Nguyên, Trường đại học Cần Thơ.

Đề xuất chính sách hỗ trợ sinh viên ngành y như ngành sư phạm

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 18 tháng (từ ngày 1-1-2021 đến 30-6-2022) trên cả nước đã có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Bộ Y tế cũng chỉ ra bốn nguyên nhân viên chức y tế thôi việc, bỏ việc.

Một là do áp lực công việc, tình trạng quá tải trong công việc kèm theo cường độ làm việc cao trong thời gian dài, không có ngày nghỉ.

Hai là do thu nhập thấp và cùng với đó là sự thu hút, đãi ngộ bởi các cơ sở y tế tư nhân cao hơn cơ sở y tế công lập.

Ba là do áp lực về thiếu trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất để thực hiện nghiệp vụ chuyên môn. Điều này đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế.

Bốn là do áp lực của xã hội, gia đình, người thân, thậm chí còn có cả áp lực đến từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Mới đây Bộ Y tế đề xuất Chính phủ quan tâm, ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y tế. Trong đó bộ đề xuất nghiên cứu một số chính sách hỗ trợ sinh viên ngành y tương đương với ngành sư phạm.

Trong đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y.

Chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành sư phạm, như sinh viên ngành y, dược được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Ông Trần Văn Thiện cũng cho rằng việc hỗ trợ sẽ thu hút được sinh viên theo học ngành y. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách về đổi mới chế độ tiền lương, phụ cấp cho nhân viên y tế nói chung và cho y tế cơ sở, khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… để thu hút nhân lực y tế gắn bó với cơ sở.

Mong Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí

Là một bác sĩ đã tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, anh Giàng A Chính (30 tuổi, đang làm việc cho một bệnh viện tại Hà Nội) cho rằng đề xuất này sẽ giúp thu hút được người tài, hỗ trợ cho sinh viên ngành y khoa.

"Bố mẹ tôi đã bán trâu, bò, cố gắng để nuôi tôi ăn học. May mắn tôi cũng xin được một số học bổng để trang trải thêm. Thực tế, ngành sư phạm hay công an, quân đội đều nhận được chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, đào tạo ngành y rất khắc nghiệt, thời gian học kéo dài, ra trường mức lương cũng như các bậc học khác. Vì vậy cần có thêm hỗ trợ để thu hút được nhân lực ngành y trong tương lai", anh Chính bày tỏ.

Nâng chất lượng đào tạo, kiểm tra chứng chỉ hành nghề

Báo cáo công tác ngành y năm 2024, Bộ Y tế nhận định chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa tăng cường bổ sung chính sách đặc thù cho đào tạo nhân lực y tế.

Số sinh viên, học viên sau đại học y tăng lên nhiều lần, tuy nhiên số lượng bệnh viện thực hành hầu như không tăng. Cơ hội cho sinh viên, học viên tiếp xúc với bệnh nhân giảm đi rõ rệt.

GS Nguyễn Hữu Tú, hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, cho rằng ngoài ra hệ thống bệnh viện thực hành của các cơ sở đào tạo truyền thống cũng đang bị quá tải do nhiều trường mới, chương trình mới mở ra nhưng không có cơ sở thực hành riêng. Tình trạng này đang ảnh hưởng đến chất lượng của cả cơ sở đào tạo truyền thống và cơ sở đào tạo mới.

Các trường đại học đang rất cần thêm những cơ chế chính sách để có thể làm tốt hơn tự chủ đại học, phát huy tối đa nguồn lực, như cơ chế chuyển giao và phát triển sản phẩm công nghệ.

Để có thể vừa tăng quy mô, vừa tăng chất lượng đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao phục vụ cho giai đoạn phát triển mới, Chính phủ quan tâm, tập trung đầu tư phát triển các trường trọng điểm "máy cái" để các trường tăng cường năng lực gấp nhiều lần hiện có, bứt phá đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao bền vững và đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động các nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo (bao gồm cả đào tạo lý thuyết và đào tạo thực hành) của các trường đại học khối ngành sức khỏe.

Bên cạnh đó, triển khai tổ chức thi đánh giá năng lực của người hành nghề thông qua Hội đồng Y khoa quốc gia. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức y khoa, kỹ năng và nghiệp vụ cho cán bộ y tế.

Nhiều chính sách mới, đổi mới trong đào tạo - Ảnh 3.Làm gì để nâng chất lượng y tế? - Kỳ 1: Thiếu hụt điều dưỡng trầm trọng

Nhân lực điều dưỡng đang thiếu trầm trọng. Số điều dưỡng thiếu hụt gấp đôi bác sĩ. Năm 2024, tại Việt Nam tỉ lệ điều dưỡng ước tính đạt 18/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình trên thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp