Stephen Rivers (người Mỹ) từng làm người tư vấn sửa xe. Công việc của ông là chào hỏi và cập nhật cho khách hàng về các loại dịch vụ sửa xe cũng như xử lý các giao dịch sau khi hoàn tất. Nay là tay viết cho Carscoops, ông đã viết một bài với tựa đề “Lời thú tội của một cựu tư vấn sửa xe”, trong đó hé mở một vài bí mật trong ngành này.
Rất nhiều tiệm sửa xe mờ ám
Gian lận có thể xuất hiện trong mọi ngành nghề, nhưng đặc biệt khó xử lý trong thế giới sửa xe, vì hầu hết mọi người không thể xác định mình có bị lừa hay không. Bất kể mang xe đến đại lý chính hãng hay cửa hàng bên thứ ba, “mập mờ đánh lận con đen” đều có thể xảy ra.
Stephen Rivers kể, một khách hàng mang đến bảng kê dịch vụ từ một tiệm sửa xe, trong đó viết rằng chiếc xe cần thay thanh giằng, thanh thăng bằng giữ ổn định cho xe, giảm xóc và lốp. Tổng chi phí sửa chữa là 2.500 USD (gần 60 triệu đồng).
Khách mang đến để nhờ Rivers tư vấn. Ông không tìm được vấn đề nào ngoài một chút trục trặc với thanh giữ thăng bằng. Ngoài Rivers, ba kỹ thuật viên khác có hơn 10 năm kinh nghiệm cũng đưa ra kết luận tương tự.
“Tiệm sửa xe kia đã cố gắng bán cho người này (cũng như nhiều người khác mà tôi đã gặp) những bộ phận không cần thiết”, ông viết.
Dấu hiệu của một cửa hàng sửa xe tốt
Vậy làm thế nào để tìm được một cửa hàng sửa xe tốt khi chuyển đến một nơi mới hay cửa hàng cũ đã đóng cửa? Stephen Rivers tiết lộ một vài bí quyết.
Đầu tiên, cửa hàng sửa xe có sạch sẽ không? Một cửa hàng sạch cho thấy ở đây có một đội thợ siêng năng và người quản lý tốt. Điều đó cho thấy họ có khả năng báo đúng giá và hoàn thành việc sửa chữa nhanh nhất trong thời gian có thể.
Thứ hai, nếu cửa hàng sửa xe báo giá cao thì sao? Vậy thì phải xem mức độ cởi mở trong việc chỉ ra vấn đề cụ thể.
“Trong thời đại này, không có lý do gì mà một cửa hàng sửa xe uy tín lại không thể gửi ảnh hay video về những vấn đề họ phát hiện ra. Đó là dấu hiệu cho thấy họ không có gì để che giấu. Còn nếu trong trường hợp họ quá tự tin, tiếp tục gian lận, thì đây chính là bằng chứng để chủ xe có thể quy kết trách nhiệm", Rivers nhận định.
Thứ ba, cách thức họ đối xử với khách như thế nào? "Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng sự quan tâm, tử tế và thẳng thắn ngày càng hiếm. Các cửa hàng muốn bịp bợm sẽ chỉ muốn qua loa và đẩy khách về càng nhanh càng tốt. Điều đó cũng là dấu hiệu cho thấy họ ít có khả năng đối xử tử tế với chiếc xe”, Stephen Rivers viết.
“Đừng nói dối”
Stephen Rivers khuyên những người có thắc mắc đừng bao giờ nói dối người tư vấn. Một số người nói dối chỉ vì họ cảm thấy ngại khi phải tiết lộ lý do thực sự của việc mang xe đi sửa. Cũng có người nói dối vì sợ hóa đơn thực tế còn cao hơn nữa. “Nhưng dù nguyên nhân là gì, nói dối người tư vấn là lựa chọn hết sức tồi tệ”, Rivers nói.
Đầu tiên, rất có thể cửa hàng sửa xe sẽ bóc trần những lời dối trá của chủ xe. Bằng chứng về những gì xảy ra với chiếc xe thường rất rõ ràng. Càng cố giấu, nhân viên cửa hàng sửa xe càng bắt bí chủ xe và càng có khả năng tăng chi phí sửa chữa.
Thứ hai, trong những trường hợp hiếm hoi mà những người như Rivers không thể “bắt bệnh” chính xác cho chiếc xe, thì rất có thể đã có điều quan trọng bị bỏ qua. “Chỉ cần thành thật với người tư vấn, bạn sẽ nhận được dịch vụ tốt nhất với giá tốt nhất”, Rivers viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận