16/04/2022 08:56 GMT+7

Nhiều câu hỏi vụ soái hạm Nga bị chìm

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Giới chuyên gia quân sự cho rằng có khoảng 70% khả năng tuần dương hạm Moskva của Nga - soái hạm của hạm đội Biển Đen - đã bị tên lửa diệt hạm Neptune của Ukraine bắn trúng. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần bằng chứng xác minh.

Nhiều câu hỏi vụ soái hạm Nga bị chìm - Ảnh 1.

Ảnh: CREATIVE COMMONS

Nếu anh có trong tay một vài loại vũ khí, anh sẽ luôn có cảm giác bị cám dỗ sử dụng thử chúng. Ngay cả khi không thành công, nó cũng sẽ buộc đối phương phải cân nhắc lại các mối đe dọa từ anh.

Nhà nghiên cứu Douglas Barrie (Viện Quốc tế về nghiên cứu chiến lược, Anh) nhận định về việc Ukraine sử dụng tên lửa Neptune.

Trong thông báo cuối ngày 14-4, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận tuần dương hạm Moskva đã bị chìm vì lỗ thủng trên thân tàu do "vụ nổ kho đạn một ngày trước đó gây ra và bão lớn".

Trúng tên lửa hay nổ kho đạn?

Việc mất tuần dương hạm Moskva là một thiệt hại lớn với hải quân Nga tại biển Đen, còn Ukraine xem như một chiến thắng lớn, có ý nghĩa quan trọng nhất kể từ đầu cuộc chiến. Trên thực tế, việc xác minh các tuyên bố từ cả Nga lẫn Ukraine là vô cùng khó và phức tạp vào thời điểm hiện tại.

Quy mô thiệt hại của con tàu không thể xác minh được bằng mắt thường. Trong thông báo đầu tiên ngày 13-4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã sơ tán thủy thủ đoàn. Đây là một chỉ dấu quan trọng cho thấy mức độ thiệt hại của tàu Moskva sau vụ nổ đã ở mức mọi nỗ lực cứu tàu của thủy thủ đoàn đều vô ích.

Tuyên bố tàu chìm do thời tiết xấu cũng không thực sự thuyết phục khi các dữ liệu thủy văn cho thấy chỉ có một chút mưa, gió nhẹ ở biển Đen.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Thế Phương, giảng viên khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM, nhận định Nga dường như đã biết chắc được tàu Moskva sẽ bị chìm nên đã thừa nhận nổ kho đạn, bởi không có sự cố nào ở những bộ phận khác đủ sức làm chìm con tàu lớn như vậy.

Giới chuyên gia quân sự cho rằng kể cả khi tàu Moskva thực sự bị trúng tên lửa diệt hạm Neptune của Ukraine, Nga sẽ không bao giờ thừa nhận điều này. Con tàu được cho là vẫn có thể trụ vững kể cả khi trúng 4 hay 5 tên lửa vào gần như mọi vị trí trên tàu, ngoại trừ kho đạn.

"Phần lớn ý kiến đều đang nghiêng về khả năng con tàu đã bị trúng tên lửa của Ukraine, khoảng 70-80% là có khả năng này dựa trên những thông tin từ cả hai phía và các nguồn mở khác. Vấn đề là Ukraine cần đưa ra bằng chứng cho thấy họ đã thực sự đánh chìm soái hạm Nga bằng tên lửa", ông Phương nhận định.

Theo những gì mà quan chức Ukraine tuyên bố, quân đội nước này đã sử dụng tên lửa Neptune được phát triển và sản xuất trong nước để "tiêu diệt" chiến hạm Nga. Một tuyên bố khác là Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) TB2 Bayraktar để quấy nhiễu tàu Moskva, khiến hệ thống phòng thủ của nó bị rối loạn để tạo thời cơ cho tên lửa đánh trúng.

Khoan bàn đến mức độ khả tín của những tuyên bố này, theo ông Phương, nếu Ukraine đã nói sử dụng UAV, Kiev cần trưng ra các bằng chứng mạnh như đoạn video quay lại cảnh tiếp cận tàu Moskva hay khoảnh khắc nó bị tên lửa đánh trúng.

Nhiều câu hỏi vụ soái hạm Nga bị chìm - Ảnh 3.

Dữ liệu: DUY LINH - Nguồn: WALL STREET JOURNAL, IHS JANES, NAVAL NEWS - Đồ họa: N.KH.

Nga đã chủ quan?

Nếu quả thực Ukraine đã sử dụng tên lửa Neptune để tấn công tàu Moskva, đây sẽ là một diễn biến có phần ngạc nhiên. Loại tên lửa nội địa này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng khi chiến sự nổ ra vào ngày 24-2 vừa qua.

Với việc giao tranh khiến tổ hợp công nghiệp quốc phòng trở thành mục tiêu đánh phá của Nga, một số người cho rằng sẽ còn mất một thời gian nữa các hệ thống Neptune đầu tiên mới đi vào trực chiến.

Tình báo Nga có lẽ cũng đã đánh giá như vậy và không cập nhật những tin tức mới về hệ thống Neptune, bao gồm tốc độ thử nghiệm và sản xuất hàng loạt cũng như vị trí triển khai loại tên lửa này.

Việc thiếu thông tin tình báo cộng với sự chủ quan đã dẫn tới kết cục không thể tránh khỏi của tàu Moskva. Phần lớn thời gian từ đầu xung đột con tàu hoạt động ngoài khơi thành phố Odessa, một vài ngày trở về Sevastopol. Ngày 12-4, con tàu được nhìn thấy phía đông đảo Rắn như những lần trước đó.

Sau khi kiểm soát được đảo Rắn có vai trò như tiền đồn của Ukraine trong thu thập tin tình báo về các hoạt động hải quân của Nga, các tàu chiến của hạm đội Biển Đen - trong đó có tuần dương hạm Moskva - đã thoải mái hoạt động trong khu vực và tạo ra tâm lý chủ quan.

"Sự chủ quan của Nga đã dẫn đến việc họ triển khai tuần dương hạm Moskva một mình và đi gần bờ biển Ukraine, nằm ngay trong tầm bắn của tên lửa Neptune.

Việc để cho tàu Moskva "đơn thương độc mã" cho đến nay vẫn còn gây khó hiểu, xét tới việc Moskva là soái hạm của hạm đội nên rất cần sự hộ tống từ các tàu khác", thạc sĩ Phương nêu nhận định.

Những vấn đề để ngỏ

Đối với Ukraine, ý nghĩa lớn nhất của việc đánh chìm tuần dương hạm Moskva như chính họ tuyên bố có thể khích lệ sĩ khí của quân dân Ukraine lên một tầng cao hơn, giữa lúc họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến được dự báo sẽ khốc liệt ở vùng Donbass.

Còn với nước Nga, thiệt hại này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của các binh sĩ và các nhà lãnh đạo Nga sẽ cần phải tìm lời giải thích hợp lý cho mất mát này.

Trong mắt của các nhà quan sát quân sự, sự kiện này sẽ làm giảm phần nào các hoạt động của hải quân Nga tại khu vực, xét đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa eo biển Bosphorus nối biển Đen và Địa Trung Hải với các tàu quân sự.

Điều này đồng nghĩa Nga sẽ không thể bổ sung chiến hạm cho hạm đội Biển Đen và 2 tàu "chị em" với tàu Moskva là tuần dương hạm Varyag và đô đốc Ustinov vẫn phải ở lại Địa Trung Hải.

Với lượng giãn nước hơn 12.000 tấn, đây có thể là chiến hạm lớn nhất bị đánh chìm trong một cuộc chiến kể từ Thế chiến thứ II. Điều này sẽ làm nổi bật hơn nữa chiến lược tác chiến phi đối xứng mà Ukraine và các nước nhỏ hơn, có tiềm lực quốc phòng khiêm tốn đang hướng tới.

"Việc phát triển và sử dụng tên lửa diệt hạm rõ ràng tốn ít tiền hơn việc đóng mới một tàu chiến. Ngày nay không phải chỉ quân đội mạnh là có thể thắng, miễn là ở phía ngược lại chọn đúng loại vũ khí khắc chế và gây thiệt hại lớn cho bên tấn công", giảng viên Phương nhận xét.

Chuyện gì đã xảy ra với soái hạm Nga bị chìm ở Biển Đen? Chuyện gì đã xảy ra với soái hạm Nga bị chìm ở Biển Đen?

TTO - Tàu tuần dương Moskva được hạ thủy vào năm 1979 từ một xưởng đóng tàu ở Ukraine, khi đó là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Hiện tại phía Nga không thừa nhận con tàu này bị trúng tên lửa Ukraine ở Biển Đen.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp