Tên lửa Antares nổ tung tạo ra quả cầu lửa khổng lồ - Ảnh: Reuters |
Theo Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA), tên lửa Antares 14 tầng, do Orbital Sciences sản xuất, nổ tung và rơi xuống đất chỉ sáu giây sau khi rời bệ phóng tại Trung tâm Wallops Flight Facility ở Virginia sáng 29-10, giờ Việt Nam.
Theo AFP, rất may là không ai thương vong trong vụ tai nạn. Theo kế hoạch ban đầu của NASA, tên lửa Antares sẽ đưa tàu Cygnus chứa gần 2.300kg thực phẩm, hàng hóa và thiết bị khoa học lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Thiệt hại của vụ nổ vào khoảng 200 triệu USD.
Ðại diện NASA Mike Suffredini trấn an rằng vụ tai nạn này sẽ không ảnh hưởng đến cuộc sống của sáu phi hành gia Mỹ, châu Âu và Nga trên ISS. H
ọ có đủ thực phẩm và đồ dùng cần thiết để tồn tại trên ISS từ bốn đến sáu tháng tới. Tuy nhiên Trung tâm Wallops Flight Facility bị hư hại, do đó chương trình phóng tên lửa Antares sẽ bị đình hoãn trong thời gian tới.
Ðây là tai nạn đầu tiên kể từ khi NASA thuê hai công ty tư nhân Orbital Sciences và Space Exploration Technologies (SpaceX) vận chuyển hàng hóa lên ISS.
Lẽ ra đây là chuyến bay thứ ba trong tổng số chín chuyến Orbital Sciences thực hiện cho NASA theo hợp đồng 1,9 tỉ USD.
Trong khi đó SpaceX đang chuẩn bị cho chuyến bay thứ tư trong thỏa thuận trị giá 1,6 tỉ USD.
Orbital Sciences và NASA đã mở cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Báo chí Mỹ nhấn mạnh việc tên lửa Antares sử dụng động cơ AJ-26 do Công ty Aerojet Rocketdyne (Nga) sản xuất.
Hồi tháng 5, một động cơ AJ-26 cũng nổ trong cuộc thử nghiệm ở Trung tâm không gian Stennis của NASA tại Mississippi. Cả Orbital Sciences và Aerojet đều không tiết lộ nguyên nhân vụ nổ.
“Chúng tôi sẽ điều tra toàn diện để xác minh động cơ có phải là một yếu tố gây tai nạn hay không” - Reuters dẫn lời phó chủ tịch Orbital Sciences Frank Culbertson. Dư luận Mỹ cũng đặt vấn đề liệu NASA đã làm tất cả để đảm bảo sự an toàn của các chuyến bay khi sử dụng dịch vụ không gian tư nhân hay chưa.
NASA từng khẳng định việc sử dụng dịch vụ vận chuyển tư nhân giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp không gian thương mại.
Tháng trước, NASA cũng ký hợp đồng với SpaceX và Boeing để thực hiện dịch vụ đưa phi hành gia lên ISS từ năm 2017.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận