Người dân Nhật Bản theo dõi bài phát biểu từ chức của Thủ tướng Abe Shinzo ngày 28-8 - Ảnh: AFP
Sự rút lui của ông Abe được dự báo sẽ kéo theo những tác động địa - chính trị vào thời điểm mà căng thẳng Trung - Mỹ đã tràn từ thương mại sang nhiều lĩnh vực khác.
Trung Quốc kiệm lời
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, khi được hỏi về việc ông Abe từ chức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã từ chối bình luận với lý do đây là "vấn đề nội bộ của Nhật Bản". "Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước láng giềng gần nhau, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Tokyo để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển quan hệ song phương".
Mối quan hệ thân thiết của ông Abe với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như hai người đồng cấp Scott Morrison ở Úc và Narendra Modi của Ấn Độ, về nhiều mặt đã khiến ông trở thành mấu chốt của Đối thoại an ninh bốn bên (còn được biết đến với tên gọi "Tứ giác kim cương") vốn là cái gai trong mắt Bắc Kinh.
Nền tảng cho các chính sách của ông Abe là sự trỗi dậy của Trung Quốc - đối tác kinh tế lớn nhất của Nhật Bản nhưng cũng là mối đe dọa rõ ràng nhất đối với lợi ích quốc gia của nước này.
Ở chiều ngược lại, mối quan tâm đặc biệt của Bắc Kinh là nỗ lực âm thầm hiện đại hóa quân đội của chính quyền Abe và mong muốn gỡ bỏ "vòng kim cô" hiến pháp hòa bình. Dù chưa thể làm được, chính quyền của ông cũng đã kịp quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc và tăng cường chống lại chiến thuật "vùng xám" của Bắc Kinh trên biển Hoa Đông.
Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao thuộc Viện nghiên cứu RAND (Mỹ), dự đoán: "Bối cảnh chính trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ có sự rung chuyển lớn. Các nước trong khu vực sẽ mất đi một người ủng hộ quan trọng các chính sách cạnh tranh và chống lại Trung Quốc. Người đó là Abe Shinzo".
Ông Grossman lập luận sự thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản có thể dẫn tới sự thay đổi hàng loạt của các nước khác.
Mỹ lo lắng
Cốt lõi trong chính sách đối ngoại của ông Abe là liên minh với Mỹ, vốn được củng cố mạnh mẽ bởi mối quan hệ thân thiết độc nhất vô nhị với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù ủng hộ chính sách của Mỹ, ông Abe "cũng không ngại tạo ra một vai trò lớn hơn và độc lập hơn cho Nhật Bản".
Tờ Foreign Policy thừa nhận người Mỹ đã quá quen sự ổn định chính trị hiếm thấy ở Nhật Bản đến nỗi họ đã ngạc nhiên khi hay tin ông Abe từ chức.
Mặc dù được coi là người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Abe hiểu rằng hợp tác với Washington vẫn quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của chính Nhật Bản. "Ông ấy luôn biết khi nào và làm thế nào để thuyết phục Tổng thống Trump tránh những bước đi sai lầm, dù là về ngoại giao với Triều Tiên hay Trung Quốc hay nhu cầu hỗ trợ các đối tác trong khu vực", nhà nghiên cứu Patrick Cronin thuộc Viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) nhận xét.
Bản thân Tổng thống Trump cũng bất ngờ trước quyết định từ chức của "người bạn cực tốt Abe", nhấn mạnh thủ tướng Nhật "có được sự tôn trọng cao nhất" của mình. Một trong những điểm quan trọng giúp ông Abe chiếm được niềm tin của ông Trump chính là ông Abe có thể tại vị trong thời gian dài.
"Việc Nhật Bản liên tục có thủ tướng mới đã khiến chính quyền Mỹ thất vọng khi phải liên tục tìm hiểu các gương mặt mới", giáo sư Tetsuo Kotani thuộc Đại học Meikai giải thích.
Sau khi ông Abe từ chức năm 2007, Nhật Bản đã trải qua 5 đời thủ tướng chỉ trong vòng 5 năm trước khi chứng kiến sự trở lại của ông Abe năm 2012. "Câu hỏi lớn nhất là liệu người kế nhiệm Abe có thể trụ lại lâu dài hay không. Đó sẽ là yếu tố quan trọng nhất cho mối quan hệ Mỹ - Nhật và liên minh", giáo sư Kotani nêu quan điểm.
Người kế nhiệm: kẻ tám lạng, người nửa cân
Theo nhận định của học giả Michael J. Green - phó giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á và Nhật Bản thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Shigeru Ishiba là người nổi lên trong các cuộc thăm dò dân chúng nhưng lại không được sự ủng hộ của những người cùng Đảng Dân chủ tự do (LDP); cựu ngoại trưởng Fumio Kishida được cho là nhân vật yêu thích của ông Abe nhưng không gần dân;
Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga chứng minh được năng lực khi phục vụ lâu dài nhưng không có kinh nghiệm đối ngoại; Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono - đại diện cho cánh tiến bộ của Đảng Dân chủ tự do - là gương mặt quen thuộc với các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận