11/03/2014 09:05 GMT+7

Nhiều câu hỏi quanh bộ tranh "Đại lễ phục thời Nguyễn"

TRỊNH BÁCH (người đã phục chế bộ trang phục triều Nguyễn hiện đang trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế)
TRỊNH BÁCH (người đã phục chế bộ trang phục triều Nguyễn hiện đang trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế)

TT - Cuốn sách Đại lễ phục VN thời Nguyễn 1802-1945 của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vừa ra mắt đã nhận được một số ý kiến nghi ngờ về tính chính xác của bộ tranh 54 bức được cho là trang phục đại triều (tức trang phục trong các đại lễ) của triều Nguyễn được công bố trong sách.

Vì vậy, bộ tranh vẽ của Nguyễn Văn Nhân - có thể xem là tài liệu “chính xác và đầy đủ” để giới nghiên cứu lịch sử, điện ảnh, sân khấu, thời trang... phục chế và ứng dụng như nhận định của tác giả cuốn sách hay không? Xét thấy vấn đề cần được quan tâm, Tuổi Trẻ trích đăng hai ý kiến khác nhau để bạn đọc cùng tham khảo.

Triều phục của triều đình có luật lệ chặt chẽ

Tôi xem các bộ đại triều phục trong bộ tranh này thấy quá nhiều chi tiết không chính xác. Căn cứ theo các quy định về màu sắc vải áo và nhất là các biểu tượng, hoa văn trang trí trên áo, thì các tranh vẽ này không đúng với đại triều phục triều Nguyễn.

TzYdUvYL.jpg
Đại triều phục của hoàng đế - tranh của Nguyễn Văn Nhân (hình trái) và Long bào hoàng đế màu chính hoàng với hoa văn thủy ba (sóng nước) ở bụng tay áo (hiện vật gốc hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử ở TP.HCM) (hình phải) - Ảnh: Trịnh Bách

Các cấp bậc của quan lại trong triều Nguyễn được phân biệt qua màu sắc áo và các chi tiết hoa văn trên áo, đai, bổ tử và mão (mũ). Ngay như hình dạng và chất liệu hoa văn trang trí trên cánh chuồn chiếc mũ của từng cấp cũng được quy định nghiêm ngặt.

Vua triều Nguyễn không đi hia màu vàng

Bức tranh đầu tiên vẽ một vị vua với bốn vị quan đứng chầu được chú thích là “Hoàng đế nước Đại Nam với đại triều phục”. Phía trong các áo bào của hoàng đế triều Nguyễn chỉ có xiêm và áo dài chứ không có lớp áo nào nữa để có lớp tay áo màu đỏ bên trong lộ ra như áo này. Vải lót áo bào vua phải là sắc vàng. Đầu tay áo cũng như bụng tay áo của triều phục VN từ vua đến quan không có cột thủy (các sọc nhiều màu) như trong bức tranh, mà chỉ có thủy ba (hoa văn hình sóng nước). Hoàng đế triều Nguyễn không đi hia vàng mà đi hia đen có thêu kim tuyến vàng và đính kim sa vàng.

Hai vị quan ngự tiền thị vệ cầm kiếm đứng hai bên vua mặc áo màu hỏa hoàng của bậc thân vương. Triều phục của bá quan triều Nguyễn không được có cột thủy ở gấu áo, vì hoa văn cột thủy được dành riêng cho hoàng gia, các quan từ nhất phẩm trở xuống không được dùng. Cũng trong bức tranh này, có hai người mặc loại áo thường triều màu lá cây, sao lại được đứng cạnh vua trong buổi đại triều? Hai người này đội loại mão gì đó không có trong trang phục các triều đại ở VN.

Trang phục hậu - phi giống như của sân khấu

Trong bức tranh Phẩm phục hậu - phi (trang phục của hoàng hậu, cung phi), người ngồi giữa được chú thích là hoàng hậu, mặc áo bàn lĩnh năm thân (hoàng bào, trong trường hợp này là nữ bào) nhưng lại có các dải viền cổ tay ngũ sắc của áo trực lĩnh tứ thân (hay còn gọi là áo mệnh phụ). Mão (mũ) vẽ na ná theo kiểu mão thất phụng, nhưng lại có cái kim bác vòng trước trán của mão kim khôi, giống như mão của vai kim đồng trong vở múa lục cúng hoa đăng ở Huế hiện nay. Đai của trang phục bàn lĩnh đại triều của triều Nguyễn thắt chặt thẳng ngang ngay dưới lồng ngực. Còn đai đeo vòng lên từ bụng trong các bức tranh này chỉ có ở kinh kịch Trung Quốc hay tranh tượng dân gian.

jFE55uzN.jpg
Phẩm phục hậu - phi - tranh của Nguyễn Văn Nhân (hình trái) và Áo bàn lĩnh đại triều của thái phi triều Nguyễn. Ảnh chụp tại tư gia hoàng thái hậu, Từ cung, 79 Phan Đình Phùng, Huế (hình phải) - Ảnh: Trịnh Bách

Hai người hai bên được chú thích thứ phi và tam phi. Trong đại lễ phục triều Nguyễn, các phi tần không mặc trang phục những màu này. Cổ và vai áo triều phục triều Nguyễn không có phủ vân kiên, không có cái tay áo lót trong dài ra khỏi tay áo ngoài. Xin nhắc lại là nhà Nguyễn không có lệ mặc áo lót tay rộng bên trong áo bào. Cổ tay áo của triều phục VN cũng không có viền hoa theo phong cách sân khấu như hai bức tranh vừa nói. Đây lại là dấu hiệu cho thấy các tranh vẽ này có hơi hướng giống với các trang phục sân khấu. Và nữa, theo điển lệ triều Nguyễn, khi mặc đại triều phục thì không ai, nam cũng như nữ, được phép cầm quạt.

Triều phục của một triều đình trang nghiêm có luật lệ, chi tiết rất quy củ chặt chẽ chứ không tùy tiện được. Theo các tài liệu của triều Nguyễn, chiếc hoàng bào thời vua Thiệu Trị cho đến Đồng Khánh không hề thay đổi. Đến thời Khải Định, vua có tự vẽ hoàng bào cho mình nhưng cũng theo đúng quy cách, màu sắc, hoa văn như quy định trong điển lệ, vì mỗi chi tiết trên trang phục đều bao hàm nhiều ý nghĩa, biểu tượng nhất định. Hiện nay hiện vật chứng nguyên gốc của triều phục VN thời Nguyễn vẫn còn khá đầy đủ ở trong và ngoài nước. Tôi xin đưa ra ở đây một vài ảnh chụp hiện vật gốc đại triều phục triều Nguyễn để đối chiếu.

--------------------------

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: Nhiều vua tự ý vượt qua quy định

* Đã có ý kiến dựa trên bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (gọi tắt là Hội điển) để chỉ ra những chỗ trong tranh Nguyễn Văn Nhân vẽ không giống Hội điển, ông nghĩ sao về điều này?

- Ông Trần Đình Sơn: Tôi thấy không phải đến bây giờ mới có ý kiến về tranh vẽ hay hiện vật khác với Hội điển. Trong quyển sách Ngàn năm áo mũ (NNAM), tác giả Trần Quang Đức cũng từng chỉ ra nhiều trường hợp áo mũ lễ phục sai khác so với Hội điển.

Chẳng hạn, trong NNAM có nhiều chỗ ghi nhận thế này: “Từ thời vua Đồng Khánh, Khải Định về sau, trang phục trong triều đã không còn được tuân thủ nghiêm ngặt như trước” (tr.278); “Vua Khải Định mặc trang phục cổn miện, song thay vì thắt tế tất ở phía trước, ông lại thắt đại thụ vốn là phục sức che phía sau. Cách phối hợp như vậy không hợp quy chế” (tr.283); “vào thời vua Khải Định, phần lớn trang phục của vua đều do vua tự vẽ kiểu, thiết kế, ngay trang phục cổn miện tế trời cũng bị phá cách”...

wlLjvGqr.jpgPhóng to
Đại triều phục tước Quận công - Tranh của Nguyễn Văn Nhân. Trong bức tranh “Đại triều phục tước Quận công”, vị quận công bên trái mặc áo tế Giao, đội loại mũ kiểu “tứ phương bình đính” với bốn giải ở bốn góc như các tượng phán quan âm phủ ở các đền chùa phía Bắc. Không hiểu cái tế tất (dải vải thả trước bụng) khổ hẹp đeo mấy thứ gì đó trước bụng lấy ở đâu ra. Còn vị quận công mặc áo đỏ thì mặc rất lộn xộn. Áo mầu đại hồng này chỉ dành cho cấp bậc hoàng tử, có cột thủy bên dưới. Và các hoa văn thủy ba phải là mầu xanh lam đậm. Nhưng trong trường hợp đó, phải là áo mãng bào, với chín con mãng (giống long nhưng chỉ có 4 móng), không phải áo tứ linh (long, ly, quy, phụng) như áo này. Các hoàng tử mặc áo đỏ hay thân vương mặc áo đại triều thì trên đầu phải đội mão bình đính, trong khi vị quận công trong tranh này lại đội mão “phương phác đầu” của quan võ chức nhỏ.
HRBcO04O.jpgPhóng to
Tùng Thiện Vương mặc mãng bào mầu da cam (hỏa hoàng) của bậc thân vương. Đầu đội mão bình đính - Ảnh: Trịnh Bách
pTGlF7MW.jpgPhóng to
O6KM3Qvt.jpg
Võ phục vua Thành Thái (trái) và võ phục vua Khải Định - Ảnh: Tư liệu của Trần Đình Sơn,
hYGtI9z8.jpgPhóng to
Hình Mũ Miện tế Giao không giống như Hội điển mô tả Ảnh tư liệu của Trần Đình Sơn

Đặc biệt phải kể đến việc vua kết hợp áo bào hẹp tay, xẻ bốn vạt sử dụng trong dịp cày ruộng tịch điền với bộ quân phục châu Âu, đồng thời phối hợp với nón hoặc khăn xếp, tạo ra một trong những loại quân trang vô tiền khoáng hậu” (tr.297).

Với những ghi nhận ấy, trang phục trong thực tế khác với quy định trong Hội điển là điều có thực. Ngay cả với chiếc mũ cửu long là mũ quan trọng bậc nhất của vua, mà Trần Quang Đức cũng từng ghi nhận thế này: “Qua một số ảnh chụp các vị vua Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, có thể thấy lối trang sức trên mũ cửu long của các vị vua này không hoàn toàn đồng nhất” (NNAM, tr.290). Như thế đủ thấy các quy định trong Hội điển đã bị nhiều vị vua tự ý “vượt qua” hoặc làm khác đi.

Cũng tương tự như vậy, tôi thấy có người chụp hình các “chân áo” bảo là hiện vật để so sánh với tranh vẽ “chân áo” của Nguyễn Văn Nhân. Tôi nghĩ vấn đề hiện vật được đem đối sánh ấy là của triều nào? Nếu đúng là phẩm phục triều Thành Thái thì nên ghi rõ, vì như vậy hiện vật này sẽ là tư liệu chân xác hơn tranh của Nguyễn Văn Nhân. Nhưng nếu đó là hiện vật vào triều vua khác, thì cũng lại là những sai biệt như Trần Quang Đức đã nói trên đây.

Tôi mong rằng nếu ai có tư liệu thì công bố cho tôi được biết thêm.

* Trịnh Bách: Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ trực tiếp?

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, tác giả bộ tranh tên Nguyễn Văn Nhân, làm quan dưới triều Thành Thái với chức vụ biên tu hàn lâm viện, thời điểm vẽ tranh là năm 1902 (Thành Thái thứ 14) là lúc ông đã nghỉ hưu. Thường thì các chức vụ cấp thấp như hàn lâm viện biên tu, hàn lâm viện điển lệ (thất, bát phẩm) như cụ Nguyễn Văn Nhân thì làm sao có dịp gặp trực tiếp các hoàng đế, nhất là hậu và phi, để mà vẽ được. Trước thời Bảo Đại, luật lệ trong cung rất nghiêm ngặt, ngay các đại quan cũng không được có dịp gặp các phi tần trong nội cung. Nếu trường hợp cụ đúng là họa sĩ của triều đình thì chúng ta đã phải được nghe đến danh cụ rồi.

* Trần Đình Sơn: Nguyễn Văn Nhân không phải thợ vẽ tầm thường

Xung quanh bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, tôi cho rằng cần làm rõ thêm về vị trí và tầm vóc của ông. Theo tư liệu có được, Nguyễn Văn Nhân làm việc ở tòa Khâm sứ Huế vào triều Đồng Khánh, đến năm 1895 ông phụng mệnh vẽ chân dung hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ - lúc này đang là Tăng cang Quốc tự Giác hoàng, đứng đầu tăng sĩ cả nước. Như vậy là Nguyễn Văn Nhân được mời vẽ chân dung nhân vật quan trọng chứ không phải thợ vẽ tầm thường. Và theo bút pháp bức chân dung hòa thượng Hải Toàn Linh Cơ này, nhìn lại bức vẽ chân dung vua Đồng Khánh, tôi đồng ý với ý kiến của tác giả Nghi Thủy trên tập san Liễu Quán (số 1, NXB Thuận Hóa, tháng 1-2014) khi cho rằng cả hai bức chân dung có cùng bút pháp.

Bức chân dung vua Đồng Khánh vẽ năm 1885, trên tranh có ngự bút của vua Đồng Khánh, tiết lộ chi tiết tranh này do một họa quan vẽ. Theo Nghi Thủy, vì nguyên tắc tranh vẽ chân dung vua nên lạc khoản không thể ghi tên họa sĩ, nhưng “dấu ấn của họa sĩ (tức Nguyễn Văn Nhân - TĐS) cũng hiển lộ rõ ràng khó chối cãi”. Đến năm 1902, bộ tranh 54 bức của Nguyễn Văn Nhân vẽ từ vua đến hoàng tộc, các chức quan... đầy đủ nhất cho đến thời đó, và đây là một bộ tranh lễ phục trọn vẹn duy nhất. Từ đó có thể đoán: Triều đình đã sai Nguyễn Văn Nhân vẽ; hoặc Nguyễn Văn Nhân vẽ theo chỉ đạo của tòa Khâm sứ, để làm tư liệu cho Pháp. Với những lý do này, họa sĩ không thể vẽ tùy tiện được.

TRỊNH BÁCH (người đã phục chế bộ trang phục triều Nguyễn hiện đang trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp