Tình trạng hải âu "ly hôn" diễn ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu - Ảnh: TOGETHER BEYOND ANIMAL HEALTH
Theo báo New York Times, chim hải âu có thể sống trong nhiều thập kỷ trên đại dương để tìm kiếm thức ăn và chỉ quay lại đất liền để sinh sản. Các cặp gắn bó với nhau vì thói quen và để nuôi con.
Trong suốt vòng đời của chim, trung bình chỉ khoảng 1-3% các cặp hải âu chia tay bạn tình để tìm bạn tình mới.
Tuy nhiên, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society được thực hiện trên hơn 15.000 cặp hải âu trong suốt 15 năm ở quần đảo Falkland, Nam Đại Tây Dương chỉ ra rằng tỉ lệ này tăng lên đến 8% vào những năm nhiệt độ nước biển ấm hơn mức trung bình.
Ông Francesco Ventura, nhà sinh vật học bảo tồn tại ĐH Lisbon (Bồ Đào Nha), cho biết nhiệt độ nước biển tăng đồng nghĩa với việc số lượng thực vật phù du và nhiều sinh vật trong chuỗi thức ăn biển giảm đi, khiến hải âu đực phải di chuyển xa hơn và vất vả hơn để tìm đủ thức ăn.
Trong nhiều trường hợp, hải âu đực bay quá xa và không kịp trở về vào mùa sinh sản hoặc trở về trong tình trạng ốm yếu và kém hấp dẫn, hải âu cái sẽ chủ động “ly hôn" và tìm đối tượng mới.
“Hơn nữa, nhiệt độ khắc nghiệt có thể đã khiến lượng hormone căng thẳng tăng bất thường ở chim. Chúng tôi tin rằng hải âu cái quyết định 'chia tay' vì chúng cho rằng tình trạng căng thẳng này bắt nguồn từ sự kém cỏi của con đực”, ông Ventura, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thêm.
Theo báo The Guardian, quần đảo Falkland là nơi số lượng hải âu vẫn còn dồi dào và việc các cặp hải âu thường xuyên “ly hôn” chưa phải là thảm họa. Chúng vẫn dễ dàng tìm được bạn tình khác sau khi chia tay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận