Theo Daily Mail, nếu bạn từng bắt gặp một cặp đôi người yêu và không thể phân biệt họ là người yêu hay anh em ruột, đừng quá ngạc nhiên.
Một nghiên cứu mới khá thú vị của tiến sĩ Karen Wu, phó giáo sư ngành tâm lý học tại Đại học Bang California (Mỹ), cho thấy con người thường có xu hướng chọn bạn đời có ngoại hình giống mình.
Hiện tượng đặc biệt này thu hút sự chú ý đến mức một trò chơi mang tên "Siblings or Dating" (Anh em ruột hay người yêu?) đã xuất hiện trên mạng xã hội một số nước. Người chơi được yêu cầu nhìn vào ảnh của hai người có vẻ ngoài rất giống nhau và đoán xem họ là người thân hay đang hẹn hò.
Nhiều cặp đôi nổi tiếng cũng là minh chứng cho hiện tượng này. Brad Pitt và Gwyneth Paltrow, từng hẹn hò từ năm 1994 đến 1997, có những nét tương đồng rõ rệt như mái tóc vàng, đôi mắt xanh, gò má cao và khuôn hàm sắc nét.
Nữ diễn viên Keira Knightley và chồng cô - nhạc sĩ người Anh James Righton - cũng được nhận xét là có ngoại hình giống nhau, từ đôi mắt sâu, má lúm đến mái tóc nâu.
Vậy tại sao con người lại có xu hướng chọn người yêu có nét tương đồng với… chính mình?
Theo tiến sĩ Wu, một trong những lý do quan trọng là thiên vị nhóm (in-group bias). Trong một bài viết trên Psychology Today, bà cho biết con người có xu hướng bị thu hút bởi những người cùng nhóm sinh lý với mình, chẳng hạn như cùng chủng tộc hoặc độ tuổi.
"Tại Mỹ, thiên vị nhóm trong hẹn hò xuất hiện ở nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, bao gồm người da trắng, người da đen, người Latin và người châu Á", tiến sĩ Wu viết.
Điều này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm mong muốn nhận được sự chấp thuận từ cộng đồng xã hội, cảm giác tương đồng và sự hấp dẫn ngoại hình.
Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng con người có xu hướng bị hấp dẫn bởi những gương mặt có pha trộn đường nét của chính họ.
Trong một thí nghiệm, bức ảnh có 22% đặc điểm khuôn mặt của người tham gia được đánh giá là hấp dẫn nhất, dù họ không hề nhận ra nét quen thuộc này.
Hiện tượng này liên quan đến một yếu tố tâm lý khác là "chủ nghĩa tự tôn ngầm" (implicit egotism) - tức xu hướng vô thức thích những thứ giống với chính mình.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Wu cho rằng "hiệu ứng quen thuộc" (familiarity effect) cũng đóng vai trò quan trọng.
"Khi chúng ta tiếp xúc với một kích thích nào đó nhiều lần, não bộ sẽ có xu hướng yêu thích nó hơn vì dễ dàng xử lý. Đối với não bộ, cái gì dễ tiếp nhận thì sẽ dễ chịu hơn", bà giải thích.
Mà còn gì quen thuộc hơn gương mặt của chính mình? Vì vậy, không có gì lạ khi con người thường bị thu hút bởi những người có đặc điểm tương đồng với họ.
Nhiều người yêu còn hao hao giống… cha mẹ
Không dừng lại ở đó, nhiều người còn bị hấp dẫn bởi người có những nét tương đồng với cha mẹ của họ - một hiện tượng gọi là "dấu ấn giới tính" (sexual imprinting).
Theo nghiên cứu, từ khi còn nhỏ, con người đã bắt đầu hình thành hình mẫu về một người bạn đời lý tưởng dựa trên diện mạo của cha mẹ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có xu hướng này. Theo tiến sĩ Wu, mức độ gần gũi về mặt cảm xúc với cha mẹ cũng ảnh hưởng đến việc một người có bị thu hút bởi những người có ngoại hình giống cha mẹ họ hay không.
Không chỉ gương mặt, nhiều người còn tìm kiếm bạn đời có vóc dáng tương đồng với mình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng vợ chồng thường có chỉ số khối cơ thể (BMI), cân nặng và chiều cao tương tự nhau. Đặc biệt, khi xét đến BMI, cân nặng và thể trạng, sự giống nhau này có thể xuất phát từ những thói quen sinh hoạt chung.
Daily Mail kết luận tất cả những điều này đều đi ngược lại quan niệm lâu đời rằng "trái dấu hút nhau". Theo các chuyên gia, rất ít nghiên cứu thực sự chứng minh điều này đúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận