Chỉ xử lý về mặt Đảng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Thanh tra TP cho biết có những vụ việc sai phạm đã xảy ra hàng chục năm trước. Đến khi có kết luận thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra rất khó khăn trong việc xử lý thu hồi tài sản và xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức vi phạm.
Việc tổ chức thực hiện các đề xuất xử lý liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển đổi vị trí công tác, chuyển nơi cư trú... gặp nhiều khó khăn. Với những cán bộ, công chức là đảng viên có thể xử lý về mặt Đảng.
Trường hợp cán bộ, công chức chuyển công tác trong nội bộ TP còn dễ dàng xử lý. Còn trường hợp cán bộ, công chức đó chuyển công tác tỉnh, thành khác, việc xử lý sẽ bị khó khăn, mất nhiều thời gian hơn.
"Còn với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc thì vô cùng khó khăn để xử lý họ, bởi không còn xử lý kỷ luật được nữa" - vị lãnh đạo thanh tra này cho biết.
Trong khi đó, với những sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm hình sự, Thanh tra chuyển cho cơ quan điều tra, cơ quan điều tra thường đặt vấn đề là hành vi vi phạm thuộc điều khoản nào của Bộ luật hình sự, trong khi cơ quan thanh tra không đủ điều kiện làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Những vụ việc chuyển cơ quan điều tra theo kết luận chỉ đạo của UBND TP, khi cơ quan điều tra kết luận không đủ cơ sở khởi tố hình sự và gửi trả hồ sơ cho cơ quan thanh tra để xem xét xử lý hành chính, hầu hết vụ việc đều không còn thời hiệu xử lý.
Đa số các vụ việc sai phạm qua phát hiện của thanh tra có liên quan đến trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức đều không xử lý kỷ luật được do "đã hết thời hiệu 24 tháng". Thực tế, tại TP.HCM chỉ xử lý về mặt Đảng (đối với những trường hợp cán bộ, công chức là đảng viên).
Về thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ công chức theo quy định tại Luật cán bộ công chức và nghị định 34/2011, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng thời hiệu này nên được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Vì những hành vi này thường được che giấu, cũng phải qua thời gian mới phát hiện được, có khi là sau 24 tháng mới phát hiện.
Tỉ lệ thu hồi sau thanh tra ngày càng tăng
Quá trình thanh tra, các đoàn thanh tra của Thanh tra TP đã phát hiện sai phạm về quản lý, sử dụng tài chính tại một số đơn vị, kịp thời ban hành quyết định thu hồi.
Theo báo cáo của UBND TP, công tác giám sát, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra thời gian qua đạt được nhiều chuyển biến tích cực, nhất là kết quả thu hồi sau thanh tra đạt tỉ lệ ngày càng tăng.
Trong năm 2016, tỉ lệ thu hồi sau thanh tra đạt 100% (với tổng số tiền gần 51,8 tỉ đồng). Đồng thời, đã thu hồi được 4,224/5,28 tỉ đồng - là khoản tiền phải thu hồi trong các năm 2008-2015, đạt tỉ lệ 80%.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ thu hồi sau thanh tra đạt 98% (kiến nghị thu hồi hơn 349,8 tỉ đồng, đã thu hồi và thực nộp vào tài khoản tạm giữ Thanh tra TP hơn 344,3 tỉ đồng).
Công khai kết luận thanh tra
Trước nay, kết luận thanh tra của Thanh tra TP chỉ được công khai tại cuộc họp cho đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. UBND TP đánh giá đây là một hạn chế. Thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hình thức công khai các kết luận này, tạo điều kiện cho việc giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và người dân.
Trong khi đó, kết luận thanh tra của sở ngành, quận huyện hiện được công khai bằng 3 hình thức: Tại cuộc họp công bố cho đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân liên quan; đăng trên trang thông tin điện tử nội bộ của sở, niêm yết tại trụ sở của quận, huyện; giao đối tượng thanh tra niêm yết công khai tại trụ sở làm việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận