Một biển báo theo kiểu "núp lùm" tại đường song hành xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Vô tình vi phạm luật
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại một số điểm trên các con đường như Đặng Văn Bi (gần đoạn giao với đường Võ Văn Ngân), quốc lộ 1 (đoạn từ cầu vượt Trạm 2 đến Trường đại học Nông lâm TP.HCM), đường song hành xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức),… có nhiều biển báo giao thông bị cây xanh, biển quảng cáo che khuất.
Đơn cử, tại quốc lộ 1 (đoạn rẽ vào Đại học Quốc gia TP.HCM), biển báo cấm dừng xe và đỗ xe từ 6 - 22h gần như bị che khuất hết bởi biển quảng cáo và cây xanh. Một số tài xế xe container phản ánh việc biển báo bị che khuất khiến không ít người vô tình vi phạm luật giao thông.
Đó cũng là tình trạng chung của biển báo cấm rẽ phải trên đường song hành xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức). Biển báo này cũng bị tán cây che khuất, rất khó để nhận diện, nhất là khi đông xe hoặc thời tiết xấu.
Còn tại giao lộ đường Đỗ Xuân Hợp và xa lộ Hà Nội, biển báo cấm các loại xe 3 bánh và xe thô sơ 4 bánh theo khung giờ quy định cũng khiến nhiều tài xế bối rối. Dù có chạy xe tới sát biển báo cấm, người đi đường cũng khó mà đọc được vì chữ quá nhỏ và mờ tịt.
Biển báo cấm các loại xe 3 bánh và xe thô sơ 4 bánh theo khung giờ... mờ tịt - Ảnh: CHÂU TUẤN
Ngoài ra, một số cột biển báo giao thông đang trở thành nơi để dán tờ rơi, treo thông tin tuyển nhân viên, quảng cáo… gây mất mỹ quan đô thị.
Anh Nguyễn Trung Hiếu (ngụ tỉnh Đồng Nai) bức xúc cho biết nhiều biển tên đường cũng được đặt chưa hợp lý, nằm khuất sau bức tường. Nhiều lúc phải "rà xi nhan" đi rất chậm để tìm đường gây ảnh hưởng cho những xe đi phía sau.
"Tình trạng biển báo núp lùm đã vô tình trở thành cái bẫy cho người đi đường. Tôi thắc mắc sao cơ quan chức năng không bố trí các biển báo ở chỗ thoáng hơn, hoặc gắn biển báo ở cả hai bên đường để người dân dễ quan sát?" - anh Hiếu chia sẻ.
Biến báo cấm dừng đỗ xe tại quốc lộ 1 bị che khuất bởi biển quảng cáo và cây xanh - Ảnh: CHÂU TUẤN
Nên lắp biển báo cả hai bên đường?
Trước những phản ánh của người dân về việc nên lắp biển báo giao thông ở cả hai bên đường (đặc biệt tại các đường lớn, nhiều làn, khuất tầm nhìn), Bộ Giao thông vận tải cho biết các nội dung này đã được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ về "Vị trí đặt biển báo theo chiều dọc và chiều ngang đường".
Theo đó, biển báo hiệu phải đặt ở vị trí để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy và có đủ thời gian để chuẩn bị đề phòng, thay đổi tốc độ hoặc thay đổi hướng nhưng không được làm cản trở tầm nhìn và sự đi lại.
Trường hợp không xác định cự ly nhìn thấy biển, những nơi vị trí biển báo bị khuất thì cho phép khoảng cách đảm bảo nhìn thấy biển báo hiệu là 150m trên những đường xe chạy với tốc độ cao và có nhiều làn đường, 100m trên những đường ngoài khu đông dân cư và 50m trên những đường trong khu đông dân cư.
Biển sẽ được đặt về phía tay phải (trừ các trường hợp bất khả kháng) và mặt biển vuông góc với chiều đi. Trong các trường hợp cần thiết khi phần đường xe chạy rộng thì phải lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều giao thông đi tới để nhắc lại biển đã lắp đặt phía bên phải, vị trí biển nhắc lại phải ngang bằng với biển bên phải.
Ngoài ra, biển báo có thể đặt trên cột (trụ chiếu sáng, trụ điện) thì khoảng cách của mép biển báo phải cách phần đường tối thiểu là 0,5m và tối đa là 1,7m. Trường hợp khuất tầm nhìn và các trường hợp đặc biệt khác được phép điều chỉnh hoặc treo biển trên giá long môn, cột cần vươn nhưng phải đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật.
Treo biển báo trên giá long môn tại quốc lộ 1 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Theo Bộ Giao thông vận tải, thực tế một số tuyến đường hiện nay, do lịch sử và điều kiện kinh tế, hoặc một số lý do khác vẫn còn chưa lắp đặt được các giá đỡ, treo biển báo, hoặc chưa có biển bên trái đối với các tuyến đường rộng.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục quản lý đường bộ và các sở giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh để bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin nhất cho người dân tham gia giao thông, đồng thời phát huy tác dụng điều tiết giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận