10/12/2023 09:04 GMT+7

Nhiều 'bí kíp' ở lớp học nấu phở

MAI VINH
và 1 tác giả khác

Chiều 9-12, lớp học nấu phở dành cho các cán bộ nhân viên, sinh viên của Trường đại học Đà Lạt đã diễn ra trong sự sôi động bởi hàng loạt kiến thức bổ ích về phở từ chia sẻ của các chủ quán.

Du khách tìm hiểu về phở của thương hiệu Phở Atiso Đà Lạt - Ảnh: DUYÊN PHAN

Du khách tìm hiểu về phở của thương hiệu Phở Atiso Đà Lạt - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đồng thời, lớp học cũng truyền cảm hứng và tình yêu về phở - một món ăn tinh hoa của ẩm thực Việt.

Nhân bảy năm Ngày của phở 12-12, báo Tuổi Trẻ tổ chức hoạt động cộng đồng "Phở về với trẻ vùng cao" tại Trường đại học Đà Lạt từ ngày 9 đến 10-12, với sự đồng hành của Acecook Việt Nam.

Biết thêm nhiều cách nấu phở ngon

Từ hơn 14h, không khí trở nên sôi động sau màn đặt câu hỏi liên quan đến Ngày của phở. Những câu hỏi đơn giản như Ngày của phở là ngày mấy, tổ chức lần đầu tiên vào năm nào, địa điểm tổ chức lần đầu ở đâu được một số sinh viên biết và giơ tay trả lời. Mỗi câu trả lời đúng đều được phần quà của ban tổ chức.

Hào hứng trả lời câu hỏi đố vui, Nguyễn Tuyết Băng (sinh viên ngành du lịch Trường đại học Đà Lạt) chia sẻ em rất thích ăn phở bò tái nạm. Không chỉ thích, Băng còn biết nấu phở do học từ mẹ. "Em thường nấu đãi cả nhà mỗi lần có dịp về thăm quê.

Nấu cơ bản thôi nhưng khi tham gia lớp nấu phở này xong, lần sau em sẽ nấu theo cách mới học được", Băng nói.

Cũng yêu thích món ăn bản sắc của Việt Nam, nên khi nghe có chương trình dạy nấu phở tại trường, cậu sinh viên Hoài Bảo (ngành ngôn ngữ Anh) liền rủ bạn đến xem, giao lưu và học hỏi.

Bảo thích phở tái nạm, thường chọn ăn vào những ngày lạnh cho ấm bụng. Bảo cho hay phở ở Đà Lạt có vị nhạt hơn quê mình nên mỗi lần ăn thường cho thêm xì dầu, kèm đủ các loại rau để "ăn cho đã".

"Trước đó em có tìm hiểu về phở, biết cách nấu cơ bản nhưng chưa nấu bao giờ. Có cơ hội em sẽ thử nấu", Bảo cho biết.

Vừa chăm chú nghe "bài giảng", vừa dùng điện thoại quay clip lại để về mở lên nghe, bà Nguyễn Thị Hoa Lài (nhân viên bếp ăn tập thể của Trường phổ thông Dân tộc nội trú ở Đà Lạt) nói rằng mình đến đây nghe chia sẻ để lấy kinh nghiệm từ những quán phở nổi tiếng rồi đúc kết lại, sau này có thể đổi vị cho những bữa ăn của học sinh hoặc nấu cho gia đình thưởng thức.

"Tôi xem học hỏi và biến tấu cho phù hợp ẩm thực xứ lạnh, có thể kết hợp mỗi cách một tí thành nồi phở của riêng mình", bà Lài vui vẻ nói.

Tương tự, cô Đào Thị Hiếu (giảng viên ngành xã hội học Trường đại học Đà Lạt) tỏ ra khá tâm đắc với những chia sẻ của các chủ quán phở trong chương trình. Theo cô Hiếu, phở ở phố núi này khác với những nơi khác ở chỗ được ăn cùng xà lách và rau cô rôn. Ở các quán phở cũng có ớt và tỏi xắt lát ngâm giấm khá đặc trưng.

Phở là món ăn ưa thích của cả gia đình cô Hiếu bởi nhiều công dụng cho sức khỏe lẫn tinh thần, tạo cảm giác dễ chịu, có nhiều năng lượng làm việc. Và cô cũng đúc kết cho mình nhiều cái hay sau sự kiện.

"Sau khi tham gia lớp học này xong, tôi sẽ thay đổi thứ nhất là cách thức chọn nguyên liệu do trước đây còn có sự nhầm lẫn nhất định, chưa chuẩn bị những nguyên liệu chủ đạo để tạo nên một tô phở ngon cho gia đình", cô Hiếu chia sẻ rằng hồi trước nấu phở chỉ bỏ gừng xắt lát, nhưng hôm nay tới lớp học mới biết "bí kíp" là nên nướng gừng 3 - 5 phút để tạo vị thơm nồng cho phở, rồi thời gian ninh thịt, ninh xương sao cho chuẩn.

Kim Ngân, hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam 2022, học tráng phở tại tiệm phở Hai Thiền - Ảnh: DUYÊN PHAN

Kim Ngân, hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam 2022, học tráng phở tại tiệm phở Hai Thiền - Ảnh: DUYÊN PHAN

Không có gia vị số 1, chỉ có món ngon tạo bởi nhiều gia vị

Lớp học của phở tại Đà Lạt lần này khác biệt với các lớp học trong chương trình Ngày của phở trước đó nhờ có sự tham gia của chị Bùi Thị Kim Thành, chủ quán Phở Atisô Đà Lạt. Trước sự háo hức của nhiều bà nội trợ, sinh viên, chị Thành không giấu giếm công thức để làm nên món phở đã trở thành đặc sản Đà Lạt.

Chị giãi bày cách hình thành món phở atisô: "Việc kết hợp sản vật địa phương với phở vừa là sự sáng tạo, phá cách trên nền tiếp nối truyền thống. Atisô là sản vật địa phương, bao đời nay người Đà Lạt đã sử dụng trong các món ăn của mình không chỉ xử lý cái chuyện đói - no mà còn nâng cao sức khỏe. Chúng tôi kết hợp công thức nấu phở với cách hầm atisô đặc trưng để Đà Lạt có thêm một đặc sản: vừa lạ vừa rất quen. Phở rất quen, atisô rất quen nhưng phở atisô thì lạ".

Còn chị Uông Lâm Bích Hoàng, chủ Phở Dậu (quận 3, TP.HCM), chia sẻ trước khi vào chương trình lớp học nấu phở rằng chị muốn từ câu chuyện của phở, hướng dẫn cho những người thích ăn ngon cách cân bằng vị trong quá trình nấu nướng.

Khi nhận được câu hỏi từ giảnh viên Trường đại học Đà Lạt, chị như khơi được cảm hứng để chia sẻ: "Vấn đề của một tô phở ngon luôn bằng đầu tư nguyên liệu ngon. Nguyên liệu ngon không phải tươi là ngon mà nguyên liệu được sử dụng đúng thời điểm vàng của nó.

Ví dụ thịt bò sau khi được mua từ một địa điểm tin cậy thì cần được làm mát vài giờ trước khi mang ra chế biến.

Xương để nấu nước dùng cũng vậy. Đối với gia vị, phải đi tìm sự cân bằng khi sử dụng. Không để gia vị này lấn át sự đặc biệt của gia vị khác. Từ chỗ này, tôi muốn nói đến những món ăn khác, mình xử lý cho cân bằng thì sẽ có một bữa ăn ngon.

Thực sự không có gia vị nào là số 1 hết, chỉ có món ăn ngon được tạo nên từ sự phối hợp của nhiều gia vị để tôn lên hương vị của thực phẩm chính".

Tiết trời se lạnh về đêm của phố núi dường như góp phần đưa hương phở lan tỏa mạnh hơn trong không gian. Ngoài lớp dạy nấu phở, bên ánh lửa bập bùng trong buổi tối, các đầu bếp cũng đã thể hiện tình yêu và niềm đam mê với phở khi chăm chút cho nồi nước dùng thật ngon ngọt để mang đến những suất phở thật đậm đà cho hàng trăm trẻ em kém may mắn ở vùng cao nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sáng nay 10-12, các em sẽ được thưởng thức những tô phở ngon do chính những đầu bếp giỏi đến từ những quán phở nổi tiếng đứng nấu, phục vụ.

Học nấu phở, mang ra bữa ra ăn, vào công việc

Lớp học nấu phở thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người - Ảnh: DUYÊN PHAN

Lớp học nấu phở thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người - Ảnh: DUYÊN PHAN

Có mặt trong đêm nổi lửa nấu phở phục vụ cộng đồng, hoa hậu Việt Nam 2010 kiêm nhà thiết kế thời trang Đặng Thị Ngọc Hân hào hứng xắn tay tham gia cùng nghệ sĩ khác.

"Phở, với Hân là ký ức, hiện tại và chắc chắn là tương lai. Ngọc Hân người Hà Nội nên món ăn gần gũi nhất là phở. Và ký ức Ngọc Hân gắn liền với món ăn này. Phở quen lắm, quen tới mức mình không còn nghĩ về món ăn ấy nữa. Nhưng đi công tác xa nhà, không ăn quán phở quen vài hôm là tự dưng có nỗi nhớ mỗi khi bụng đói".

Sau khi nói chuyện với các nghệ nhân nấu phở, cô chia sẻ với những người quan tâm đến phở: "Chuyện Ngọc Hân thấy được ở phở ngon là chuyện cân bằng. Hân nhận ra mỗi người nấu phở ngon đều có cách xử lý trong quá trình nấu để đạt đến sự cân bằng. Hân học chuyện của cô chú nấu phở và mang nó ra ngoài bữa ăn, đưa vào công việc".

Nhiều 'bí kíp' ở lớp học nấu phở- Ảnh 4.

11.000 tô phở được chuẩn bị xuyên đêm phục vụ thực khách phố núi Đà Lạt11.000 tô phở được chuẩn bị xuyên đêm phục vụ thực khách phố núi Đà Lạt

Sáng 10-12, chương trình cộng đồng nhân Ngày của Phở 12-12 đã chính thức bắt đầu bên trong khuôn viên Trường đại học Đà Lạt. Ban tổ chức đã chuẩn bị 11.000 tô phở phục vụ thực khách phố Đà Lạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp