31/10/2012 06:33 GMT+7

Nhiều bệnh viện rỗng ruột

THÁI LŨY
THÁI LŨY

TT - Đó là các bệnh viện quận, huyện ở TP Cần Thơ. Các bệnh viện này được xây mới thật hoành tráng với mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

tjVja1gD.jpgPhóng to

Như nhiều bệnh viện quận, huyện khác ở TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai chỉ đông đúc ở khu vực khám bệnh, còn các khu khác rất ít bệnh nhân do thiếu máy móc và bác sĩ - Ảnh: Thái Lũy

Tuy nhiên, đây là những bệnh viện có vỏ nhưng không có ruột, thiếu từ máy móc đến bác sĩ khiến cơ sở vật chất bệnh viện bỏ không rất lãng phí.

Thiếu bác sĩ và trang thiết bị

Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền được xây mới với quy mô 120 giường bệnh, đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng hiện chỉ hoạt động với quy mô 50 giường bệnh nội trú và công suất hoạt động hiện tại đạt 70-80%. Nhìn bên ngoài quy mô bệnh viện xây dựng khá khang trang nhưng bên trong chỉ nhộn nhịp ở khu vực khám bệnh, các khu vực cấp cứu, hồi sức cấp cứu và một số khoa điều trị lèo tèo vài bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nành, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phong Điền, cho biết bệnh viện chỉ có một số trang thiết bị cơ bản để khám bệnh. Khoa hồi sức cấp cứu không có máy thở, phòng mổ mới có bàn mổ và đèn mổ..., thiếu từ bác sĩ chuyên khoa lẫn máy móc nên lượng bệnh nội trú thấp, phải chuyển lên tuyến trên khá nhiều.

Bệnh viện Đa khoa Q.Cái Răng cách trung tâm TP chưa đến 10km nhưng được xây với quy mô 100 giường, hiện hoạt động 50 giường với công suất sử dụng chỉ đạt trên 50%. Ngoài khu vực khám bệnh, các khu vực khoa phòng khác vắng tanh. Nhiều dãy phòng rộng thênh thang đang bỏ trống, bụi bặm phủ một lớp dày.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, phó giám đốc bệnh viện, do bệnh viện mới dọn về đây nên còn nhiều bề bộn, hầu hết máy móc trang thiết bị, giường bệnh chuyển từ chỗ cũ qua và hư hỏng gần hết, gần đây được bổ sung giường bệnh và tủ, bàn ghế mới. Còn lại phần lớn trang thiết bị quan trọng cho khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, cận lâm sàng... vẫn đang chờ. Riêng trang thiết bị phòng mổ dự kiến đến năm 2013 mới đầu tư và khi đó sẽ cử bác sĩ đi học. Hiện bệnh viện chủ yếu khám thông thường, trên 200 lượt bệnh nhân/ngày.

Lãng phí

Bệnh viện các huyện Phong Điền, Thới Lai và Q.Cái Răng... đều có quy mô xây dựng trên 100 giường với kinh phí xây dựng mỗi bệnh viện hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên với hoạt động hiện tại, hầu hết bệnh viện này đều chưa phát huy được hiệu quả giảm tải cho tuyến trên.

Bác sĩ Nguyễn Hiếu Hiệp, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thới Lai, cho rằng có nhiều hạng mục không cần thiết nhưng được đầu tư quá mức gây lãng phí, trong khi trang thiết bị chuyên môn không có. Chẳng hạn khu nhà xác bệnh viện đầu tư trên 800 triệu đồng, hai nhà xe mái che có laphông tĩnh điện trị giá trên 1 tỉ đồng nhưng vị trí không phù hợp, khu vực mái che hành lang cũng làm cột cừ bêtông và đổ bêtông nóc bằng... Trong khi đó, máy móc đều từ bệnh viện cũ đem qua hoạt động tạm, mỗi ngày có 600-800 lượt bệnh nhân đến khám nhưng toàn bệnh viện chỉ có 15 bác sĩ. Thiếu bác sĩ trầm trọng nhưng không tuyển mới được do nhiều bác sĩ trẻ chê bệnh viện rỗng ruột. Khoa hồi sức cấp cứu chỉ có máy khí dung, bình oxy. Khoa khám bệnh có máy siêu âm trắng đen, X-quang, xét nghiệm thông thường, chẳng khác gì cơ sở của một phòng khám khu vực, nhưng hoạt động trong cái vỏ của bệnh viện 100 giường! Bệnh viện mới đề nghị đầu tư trang thiết bị cơ bản, Sở Y tế đồng ý nhưng Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện nói “hết tiền”...

Tiến sĩ Đặng Quang Tâm, giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho rằng việc đầu tư bệnh viện quận huyện không thể dàn trải, phải quy hoạch phù hợp với tình hình địa phương, vị trí địa lý, mô hình bệnh tật... “Không chỉ có cái vỏ khang trang bên ngoài, mà phải đồng bộ từ con người đến máy móc. Ngay từ khi đầu tư xây dựng phải có kế hoạch tuyển nhân sự, đưa đi học bài bản, mua sắm trang thiết bị. Chứ nếu xây xong bỏ trống thì không có ý nghĩa giảm tải cho tuyến trên mà còn gây lãng phí. Theo tôi, nên đầu tư trọng điểm triển khai các kỹ thuật thông thường như mổ cấp cứu hoặc thiết bị nội soi chẩn đoán cho bệnh viện tuyến huyện thuộc vùng sâu, vùng xa. Nếu đủ trang thiết bị và con người, có thể yêu cầu tuyến trên hỗ trợ về kỹ thuật” - ông Tâm nói.

Một trong những khó khăn của bệnh viện tuyến dưới là chưa có được lòng tin của bệnh nhân do thiếu bác sĩ có tay nghề. Vừa qua, tại hội thảo về nhân lực y tế ĐBSCL, ông Lê Hùng Dũng, phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ, rất băn khoăn khi tuyến quận huyện hiện nay thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ có chuyên môn. Hiện nay còn năm bệnh viện quận, huyện ở Cần Thơ không thu hút được bác sĩ hệ chính quy về làm việc, chủ yếu dựa vào lực lượng tại chỗ đưa đi học nâng cao.

THÁI LŨY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp