Theo Bộ GD-ĐT, tổ chức xét tuyển tập trung sẽ giải quyết những vướng mắc trong tuyển sinh như đã xảy ra năm 2015. Trong ảnh: thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM |
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hôm nay 11-5 Bộ GD-ĐT có buổi làm việc với hai nhà cung cấp dịch vụ là Viettel và FPT - hai đơn vị cạnh tranh trong việc cung cấp phần mềm xét tuyển chung.
Sau đó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục sẽ quyết định chọn sử dụng phần mềm của nhà cung cấp nào để thực hiện việc xét tuyển chung cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016.
Trước hết phải sửa quy chế tuyển sinh
Nhiều trường ĐH đang rất lo ngại về thay đổi bất ngờ này của Bộ GD-ĐT, khi kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn vài tuần nữa. Không chỉ cập rập về mặt thời gian, yếu tố kỹ thuật (phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin...) cũng đang là mối lo của các trường.
“Là đơn vị khởi xướng và chịu trách nhiệm kỹ thuật cho nhóm GX (nhóm các trường ĐH tuyển sinh chung - PV) thực hiện phương án tuyển sinh theo nhóm trường, tôi đánh giá việc có thể triển khai xét tuyển chung là tốt. Có thể sau khi hình thành nhóm GX, bộ đã nhìn thấy lợi ích, nhất là việc giảm ảo, của phương thức xét tuyển chung. Nếu thực hiện được như bộ dự kiến thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ” - ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết.
Thế nhưng ông Điền cho rằng thay đổi này đòi hỏi bộ sẽ phải sửa quy chế tuyển sinh 2016 vừa ban hành thì mới đủ căn cứ để thực hiện.
“Nếu vẫn để thí sinh đăng ký bốn nguyện vọng và phương thức xét tuyển như trong quy chế đã ban hành thì tình trạng thí sinh ảo vẫn vậy, không khắc phục được. Muốn có hiệu quả giảm ảo khi xét tuyển chung, sẽ phải cho thí sinh được sắp xếp bốn nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, trúng tuyển nguyện vọng này thì không được xét tiếp” - ông Điền lý giải.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Kim - hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi - cho biết trường sẵn sàng hưởng ứng việc xét tuyển chung, nhưng bộ cần phải điều chỉnh quy chế tuyển sinh cho phù hợp.
“Chắc chắn phải yêu cầu thí sinh xếp thứ tự ưu tiên bốn nguyện vọng, chứ không thể để xét đồng thời và tùy chọn trường vào học trong số các nguyện vọng trúng tuyển, như quy định trong quy chế đã ban hành” - ông Kim phân tích.
Cũng theo ông Kim, việc xét tuyển chung cũng cần tính kỹ cả quy định có bắt buộc các trường cứ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia là phải tham gia, không được xét tuyển riêng hay không.
Cán bộ quản lý một số trường ĐH phía Bắc chia sẻ đã rất bất ngờ với phương án này của bộ. “Chúng tôi không được hỏi ý kiến, trao đổi gì về chủ trương này. Nay nếu bộ ra quy định bắt buộc các trường dùng kết quả thi THPT quốc gia phải tham gia là không đúng với quy chế tuyển sinh bộ vừa mới chỉnh sửa, vừa vi phạm quyền tự chủ của các trường”.
Giải quyết được vấn đề thí sinh ảo không?
TS Nguyễn Quốc Chính, trưởng ban đại học và sau đại học ĐHQG TP.HCM, cho rằng nếu thực hiện xét tuyển chung mà có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì đây là cách làm tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề:
Thứ nhất là quyền tự chủ của các trường ĐH. Với cách xét tuyển chung, nếu được thực hiện thì Bộ GD-ĐT xây dựng một hệ thống và các trường sẽ tham gia, không phải bắt buộc. Bộ phải làm sao để các trường thấy rằng đây là cách làm tốt, nếu tham gia thì tốt. Như vậy mới đảm bảo được tính tự chủ và tuân thủ đúng Luật giáo dục ĐH.
Thứ hai, là phải có sự chuẩn bị rất kỹ về mọi mặt rồi mới triển khai.
Thứ ba, đối với những trường giả sử không muốn tham gia hệ thống đó, vẫn được chia sẻ những dữ liệu điểm thi của thí sinh.
Cũng theo ông Chính, việc xét tuyển chung này đã được nhiều nước như Anh, Thái Lan, Malaysia... làm. Theo đó, có một hệ thống chung, thí sinh đăng ký xét tuyển vào hệ thống đó, và từ đó phân bố cho các trường.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong các phương thức tuyển sinh, như Thái Lan bên cạnh xét tuyển chung, các trường ĐH được quyền lựa chọn có tham gia hay không. Nếu tham gia thì trường sẽ tuyển bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu theo phương thức đó. Đồng thời các trường cũng được tuyển sinh riêng.
Trong khi đó, nhiều trường đã bày tỏ lo lắng nếu không tham gia liệu có gặp khó khăn khi tiếp cận với dữ liệu điểm thi THPT quốc gia?
Đồng thời, một lo ngại chung của nhiều trường là phần mềm của bộ có đảm bảo việc thực hiện xét tuyển đồng thời cho cả trăm trường.
Ông Phạm Thành Công, phó phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhận định: “Xét tuyển chung chỉ có tác dụng giảm ảo chứ không giải quyết được vấn đề ảo. Tỉ lệ ảo sẽ dồn xuống các trường tốp dưới. Nếu muốn đối phó với ảo, chúng tôi sẽ phải gọi ngay từ đầu vượt quá chỉ tiêu, có ngành cần gọi đến 200-300% mới tuyển được đủ chỉ tiêu, nhưng phần mềm xét tuyển chung của bộ có cho phép thực hiện như vậy không?”.
Do hiện nay chưa có thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT về việc này, nên các trường đều chưa biết phương thức xét tuyển này sẽ được thực hiện cụ thể ra sao. Hầu hết các chuyên gia đều nghĩ rằng với phương thức này, thay vì các trường thực hiện việc xét tuyển như trước đây, thì nay trường chỉ nhập dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để bộ xét tuyển chung.
ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cũng băn khoăn: “Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày 1 đến 12-8. Hiện nay Bộ GD-ĐT nắm dữ liệu của tất cả thí sinh thì sẽ thuận lợi. Lúc xét tuyển dựa vào nguyện vọng của thí sinh, khi thí sinh trúng tuyển hai trường với cách xét tuyển chung này, việc dự kiến mức độ ảo sẽ thế nào, phần mềm có giải quyết được việc này không? Trong tình huống này bộ có xử lý theo hướng cắt cơ học một nguyện vọng của thí sinh?”.
Ông Tuấn đề xuất nếu thực hiện phương thức xét tuyển chung này, quy chế tuyển sinh phải cho một tỉ lệ ảo dự phòng để đảm bảo các trường tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, với phương thức xét tuyển chung Bộ GD-ĐT muốn thí sinh xét tuyển online để chuyển dữ liệu về bộ, từ đó bộ xét tuyển rồi chuyển dữ liệu về các trường.
“Với dữ liệu của tất cả thí sinh tập trung về thì server mạng máy tính của bộ có chịu đựng được hay không, đặc biệt là những ngày cuối của đợt xét tuyển. Với cách xét tuyển chung này tôi cho rằng không thể giảm thí sinh ảo được” - ông Hùng nhận định.
Còn TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho rằng mỗi trường có một đặc thù riêng, nên trong xét tuyển cũng có đặc thù riêng (một số ngành xét tuyển có điều kiện kèm theo: điểm TOEFL, IELTS...).
“Nếu thực hiện việc xét tuyển chung, phần mềm phải thỏa mãn các điều kiện đặc thù của mỗi trường. Khi đó sẽ có lợi cho thí sinh. Còn nếu phần mềm không giải quyết được việc này thì phải xem lại” - ông Hạ nói.
Giải quyết những vướng mắc trong tuyển sinh Về phía Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - cho rằng: tổ chức xét tuyển tập trung đối với các trường ĐH sẽ là giải pháp giải quyết một cách căn bản những vướng mắc trong tuyển sinh như đã từng xảy ra năm 2015, và cả vấn đề thí sinh ảo cho các trường. Do bốn nguyện vọng của thí sinh được xét đồng thời khi xét tuyển tập trung thay cho việc hai nguyện vọng được xét tuyển ở mỗi trường, nên cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ được nâng cao. Mặt khác, phương thức xét tuyển này đảm bảo công tác tuyển sinh công bằng, minh bạch, đảm bảo chất lượng tuyển sinh dựa trên nguồn lực thực tế của trường... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận