Phóng to |
Cổ đông phát biểu tại đại hội cổ đông năm 2014 của Sacombank - Ảnh: Thanh Đạm |
Buổi thảo luận chỉ vỏn vẹn 30 phút nhưng không khí đã nóng lên ngay từ phút đầu khi nhiều cổ đông đồng loạt phản đối phương án trả lời chất vấn bằng văn bản, thay vào đó họ yêu cầu lãnh đạo NH phải trả lời chất vấn trực tiếp những vấn đề liên quan đến việc sáp nhập hai NH.
Chỉ NH Phương Nam được lợi
“Tại sao phải sáp nhập NH Phương Nam vào Sacombank? Sau khi sáp nhập Sacombank sẽ đi về đâu?” - bà Lê Thị Kim Cúc (P.2, Q.11), một trong những cổ đông mua cổ phiếu của Sacombank từ những ngày đầu tiên, đặt câu hỏi.
Ông Kiều Hữu Dũng, tân chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank, đã trả lời bà Cúc rằng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì sáp nhập là cách để NH tăng cường quy mô, mạng lưới nhằm nâng cao tiềm lực.
“Bất cứ cuộc sáp nhập nào cũng có thuận lợi và khó khăn. Qua nghiên cứu, ban lãnh đạo NH thấy NH Phương Nam là một trong những NH có những điểm tương đồng và có thể sáp nhập được, qua đó giúp Sacombank mở rộng quy mô, giành được thị phần lớn hơn” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên, câu trả lời của ông Dũng không thể xoa dịu được bức xúc của cổ đông. Liền sau đó, hàng loạt cổ đông tiếp tục đặt các câu hỏi xoáy vào cuộc “hôn nhân” giữa hai NH.
“Tôi không đồng ý với ý kiến của lãnh đạo NH, vì trong cuộc sáp nhập này chỉ có NH Phương Nam là có lợi, còn Sacombank không có lợi gì, thay vào đó còn bị “vướng chân vướng tay”.
Nếu không sáp nhập thì Sacombank sẽ vững mạnh hơn vì không phải gồng gánh thêm một NH khác” - một cổ đông nói.
Bà Nguyễn Thị Thìn, một cổ đông 64 tuổi tại Q.Gò Vấp, lại có lo lắng khác. “Tôi là cổ đông của cả hai NH. Tôi đã bỏ 500 triệu đồng mua cổ phiếu của NH Phương Nam nhưng nhiều năm qua chưa nhận được đồng cổ tức nào. Nếu sáp nhập vào Sacombank thì có bán được cổ phiếu lấy lại vốn hay không?” - bà Thìn băn khoăn.
NH Nhà nước không ép
Phóng to |
Cổ đông bỏ phiếu thông qua các báo cáo và các tờ trình tại đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Sacombank - Ảnh: Thanh Đạm |
Trả lời các câu hỏi này, ông Kiều Hữu Dũng nói chỉ xin cổ đông thông qua về chủ trương, còn để đi đến sáp nhập chính thức là cả một hành trình dài.
HĐQT NH phải xem xét cẩn trọng, qua nhiều quy trình, nhiều cơ quan cũng như nghiên cứu nhiều mặt rồi mới tiến hành. “Việc sáp nhập này, theo chúng tôi là rất có lợi cho Sacombank. Xin các cổ đông an tâm và chấp thuận đề nghị này” - ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT triển khai nghiên cứu xây dựng đề án khả thi và thực hiện các thủ tục cần thiết để xin phép các cơ quan chức năng, cũng như quyết định các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập này.
Sau khi đề án sáp nhập được các cơ quan chức năng chấp thuận, HĐQT sẽ trình đại hội xem xét, quyết định. Thời gian thực hiện đề án và triển khai ngay trong năm 2014.
Tuy còn nhiều ý kiến phản đối nhưng cuối cùng vẫn có 97,31% số cổ đông đồng ý thông qua phương án sáp nhập NH Phương Nam vào Sacombank.
Đại hội cổ đông cũng thông qua tất cả tờ trình về kết quả năm 2013, tờ trình về kế hoạch chia cổ phiếu quỹ và cổ phiếu thưởng kế hoạch tăng vốn điều lệ; việc đăng ký niêm yết bổ sung cổ phần phát hành thêm trong năm 2014; kế hoạch sử dụng vốn năm 2014, thông qua tờ trình từ nhiệm của ông Phạm Hữu Phú, nguyên chủ tịch HĐQT...
Đại diện cho NH Nhà nước TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng - phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM - nói những băn khoăn của cổ đông là chính đáng và đều vì mục tiêu làm sao cho Sacombank hoạt động an toàn, hiệu quả. “Những lo lắng của cổ đông có thể hiểu được.
Thực tế việc sáp nhập của một số NH vừa qua ban đầu cũng vấp phải sự phản ứng của cổ đông. HĐQT NH phải lắng nghe và trả lời thỏa đáng sao cho cổ đông hiểu được và chia sẻ, ủng hộ. Về phía NH Nhà nước, chúng tôi ủng hộ chủ trương này và sẽ xem xét dựa trên quy định luật pháp chứ không gượng ép” - ông Dũng nói.
Chia thưởng xong rồi sáp nhập Các cổ đông cũng đòi Sacombank phải thực hiện xong việc chia thưởng trước khi sáp nhập. Theo các cổ đông, trước đây lãnh đạo NH hứa chia cổ phiếu thưởng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Cần phải thực hiện điều này trước khi sáp nhập để cổ đông không bị thiệt thòi. Ông Nguyễn Miên Tuấn, phó chủ tịch HĐQT Sacombank, nói năm 2011 NH dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 14% thực hiện trong năm 2012, nhưng thời điểm này NH Nhà nước thanh tra toàn diện Sacombank nên việc trả cổ tức 14% không thông qua. Cũng trong năm 2012, Sacombank phải trích lập dự phòng lớn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, lợi nhuận giảm. Ông Tuấn cho biết Sacombank đã thống nhất chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 10% từ cổ phiếu quỹ. Nếu thông qua, sẽ chi trả trong năm 2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận