Phóng to |
Trẻ em chơi ở những ao nước của công trình đang thi công (ảnh chụp trưa 10-9 tại đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: H.T.VÂN |
Đây là sản phẩm do việc thi công dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài tạo nên. Những ao này thuộc phân đoạn thi công cầu vượt qua ngã tư Bình Triệu. Chị Lê Thị Diễm Thúy (hẻm 486, KP 9, P.Hiệp Bình Chánh) bán cà phê sát một cái ao lớn, cho biết những cái ao xuất hiện gần cả tháng nay do đơn vị thi công móc đất làm đường tạo nên.
“Trước đây khu vực này có một con rạch thông với bờ sông cầu Gò Dưa, khi thủy triều lên cũng gây ngập nhưng nước thoát rất nhanh. Từ khi đơn vị thi công công trình con rạch biến mất, thay vào đó là những cái ao lớn nằm liền kề nhau chứa đầy nước. Mỗi khi mưa hay thủy triều lên gây ngập úng nhiều ngày vì nước thoát không được” - chị Thúy bức xúc nói và cho biết thêm khu vực này có nhiều trẻ con hiếu động, nếu những ao nước này không sớm lấp sẽ rất nguy hiểm.
Đi dọc đoạn đường Kha Vạn Cân nói trên chúng tôi đếm được khoảng 17 ao lớn nhỏ nằm liền kề nhau và được ngăn cách bởi các con đường mà đơn vị thi công để lại cho người dân lưu thông. Theo quan sát của chúng tôi, ao lớn nhất rộng hơn cả ngàn mét vuông, ao nhỏ cũng hơn 500m2 đều ngập nước mênh mông.
Anh Nguyễn Văn Bông, nhà số 420 sát một ao lớn, cho biết các ao này có độ sâu khoảng 0,5m, có đoạn còn sâu hơn. Tuy các đơn vị thi công khi móc đất có dành đường để người dân đi lại nhưng đường hẹp khó đi, mưa thì ngập úng, nắng thì mù mịt bụi đất.
Điều đáng nói, có nhiều ao đơn vị thi công chỉ cho che chắn phía ngoài mặt đường Kha Vạn Cân, riêng bờ ao phía khu dân cư không được che chắn. Người dân từ nhà bước ra đường là gặp ngay ao, điều này rất nguy hiểm nếu trẻ con hiếu động ra ao chơi khi vắng người lớn.
Theo chị Thúy, nhiều lần các hộ dân đã kiến nghị với chính quyền địa phương có ý kiến với các đơn vị thi công, nhà thầu sớm lấp ao để giải thoát cho người dân khỏi tình trạng ngập úng và bụi bặm. Tuy nhiên, gần cả tháng nay tình trạng này vẫn không có gì thay đổi.
Ông Vũ Kiến Thiết - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 TP.HCM, đơn vị quản lý địa bàn - cho biết đã có văn bản nhắc nhở chủ đầu tư dự án là Công ty GS (Hàn Quốc). Với những phản ảnh của người dân về các ao nước trước mặt nhà không rào chắn gây nguy hiểm, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 sẽ cho kiểm tra và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án chấn chỉnh đơn vị thi công. Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo đội 5 thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã cử thanh tra đến hiện trường và lập biên bản nhà thầu thi công - Công ty TNHH xây dựng Thành Phát Lợi đã không rào chắn công trường thi công trước mặt nhà dân. Ông Lê Văn Tuấn - đội trưởng đội 5 thanh tra sở - cho biết đã yêu cầu nhà thầu này trong vòng ba ngày phải rào chắn đảm bảo an toàn cho người dân, nếu không sẽ bị phạt tiền hoặc đình chỉ thi công để khắc phục. * Nhà văn hóa Thanh niên thu phí giữ xe theo ca. Bãi giữ xe gắn máy Nhà văn hóa Thanh niên (4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) thu phí giữ xe theo ba ca trực mỗi ngày. Ca 1 từ 6g-11g30, ca 2 từ 11g30-17g và ca 3 từ 17g-21g. Theo đó, xe gắn máy thu 2.000 đồng/lượt/ca, xe đạp thu 1.000 đồng/lượt/ca. Tuy nhiên, nếu gửi xe vào bãi từ ca trước sang ca sau sẽ bị thu phí gấp đôi. Nghĩa là nếu khách gửi xe gắn máy vào thời điểm thuộc ca 1 rồi lấy xe vào ca 2 sẽ bị thu 4.000 đồng/xe và rơi vào ca 3 sẽ bị thu 6.000 đồng/xe. Tương tự như thế đối với xe đạp. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Mai Sinh - trưởng phòng tổ chức hành chính Nhà văn hóa Thanh niên - cho biết mặt bằng bãi giữ xe có hạn nhưng lại nằm ở khu vực có rất nhiều khách vãng lai vào gửi xe và thường gửi với thời gian khá lâu. Quy định trên được áp dụng từ đầu năm 2011 nhằm hạn chế việc gửi xe không đúng đối tượng như các trường hợp khách bên ngoài này. “Bãi giữ xe của chúng tôi nhằm giải quyết cho đoàn viên, thanh niên và quần chúng đến học tập, sinh hoạt, tham gia chương trình tại Nhà văn hóa Thanh niên. Phần lớn họ là những đối tượng chỉ có nhu cầu gửi xe trong thời gian một ca” - ông Sinh nói. (QUỐC NGỌC) * Lại mất nắp hố cáp. Trên đường Hà Huy Giáp (đoạn dưới chân cầu Ba Thôn), P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM có một hố cáp ngầm bị mất nắp (ảnh). Quan sát của chúng tôi vào chiều 9-9, miệng hố cáp lộ thiên nói trên có diện tích khoảng 1m2, sâu hơn 2m. Phía dưới hố có nhiều dây cáp, dây điện bùng nhùng. Theo một người dân, đoạn đường này có nhiều người đi tập thể dục vào buổi sáng nên sẽ rất nguy hiểm nếu lỡ lọt xuống hố. Chiều cùng ngày, một cán bộ UBND phường cho biết sẽ sớm liên hệ với đơn vị liên quan để có hướng khắc phục kịp thời. (Mậu Trường)
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận