30/09/2015 09:09 GMT+7

Nhiệt điện than: Kẻ "giết người hàng loạt"

CẦM VĂN KÌNH (dangdv@tuoitre.com.vn)
CẦM VĂN KÌNH ([email protected])

TT - Qua thống kê các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm, nhóm nghiên cứu đã tách ra số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở VN là 4.300 người mỗi năm.

Người dân xóm 7, thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã từng phản ứng do khói bụi thải ra từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2Ảnh: MINH TRÂN
Người dân xóm 7, thôn Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã từng phản ứng do khói bụi thải ra từ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 - Ảnh: Minh Trân

Khói thải từ nhiệt điện than có thể bay hàng trăm kilômet, tạo bụi siêu nhỏ - liên quan đến hàng ngàn cái chết ở VN, chưa kể những ảnh hưởng đến chất lượng đất, mùa màng nhiều nơi...

Đó là những kết quả được công bố tại hội thảo do Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID- thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức sáng 29-9.

Tại đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard cũng lần đầu tiên công bố kết quả nghiên cứu về “các tác động liên quan tới sức khỏe do gia tăng phát thải từ than” ở khu vực Đông Nam Á và tại VN với nhiều con số ám ảnh.

Chỉ một Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã thải ra 4.400 tấn tro và xỉ than/ngày, giải pháp để quản lý thế nào? Trong khi ở Vĩnh Tân sắp tới sẽ có tới bốn nhà máy, với tổng công suất trên 5.000 MW

Ông HỒ TRUNG PHƯỚC 
(giám đốc Sở Khoa học - công nghệ Bình Thuận)

Những lớp sương mù độc hại từ điện than

Ông Lauri Myllyvirta, thành viên nhóm nghiên cứu Đại học Harvard, dẫn báo cáo cả khu vực Đông Nam Á và VN cho biết qua thống kê các loại bệnh liên quan đến ô nhiễm, nhóm nghiên cứu đã tách ra số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở VN là 4.300 người mỗi năm.

Nếu các dự án nhiệt điện than đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành, con số này sẽ có thể tăng lên đến 25.000 người chết yểu/năm.

Ông Lauri Myllyvirta cho biết nhiệt điện than có thể tạo những hạt vật chất siêu nhỏ, khi vào phổi nó gây nhiều bệnh như: phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ, bệnh tim thiếu máu, ung thư phổi...

GreenID cũng cho biết nhiều loại khí do nhiệt điện than thải ra, như khí ozon khi phản ứng với các phân tử khác trong không khí dưới điều kiện ánh sáng mặt trời tạo thành những lớp sương mù độc hại. Việc hít phải loại sương này sẽ dần gây ra các triệu chứng tức ngực, ho và khó thở.

Đây cũng chính là căn nguyên của bệnh hen suyễn, lâu ngày sẽ dẫn đến viêm phổi mãn tính. Ngoài ra, có những sản phẩm do đốt than như muội than chứa các hạt bụi nhỏ li ti với thành phần là các kim loại, chất hóa học.

Với kích thước siêu nhỏ, những hạt bụi này có thể thâm nhập sâu vào phổi của con người, thậm chí đi vào các mạch máu, gây đau tim, rối loạn nhịp tim, tổn thương phổi...

Ông Myllyvirta cảnh báo nếu cứ phát triển nhiệt điện than, VN cũng ô nhiễm không khí như Bắc Kinh, khi ra đường có thể không thấy mặt nhau.

Trong khi đó bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc GreenID, dẫn một nghiên cứu cho thấy có sự tác động của khí thải, chất thải từ các nhà máy nhiệt điện than tới chất lượng đất đai, cây trồng.

Điều đáng lo ngại, theo bà Khanh, VN hiện đã có 12 nhà máy nhiệt điện than phân bổ cả nước, sắp tới sẽ có khoảng 50 nhà máy được xây dựng, tập trung chủ yếu ở trung tâm hoặc ngay sát khu vực đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL... sẽ gây tác động lớn đến môi trường cũng như sản xuất nông nghiệp.

Bà Donna Lisenby, Chương trình năng lượng sạch và an toàn - Liên minh Waterkeeper, cũng khẳng định các chất thải từ đốt than sẽ vào không khí, ngấm vào nước, đất, tác động đến nông nghiệp.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã từng gây ô nhiễm môi trường buộc người dân phải phản đối - Ảnh: M.Trân

Đặc biệt, nhiều ý kiến lo ngại chất lượng nhiều nhà máy điện than do Trung Quốc làm tổng thầu, mà theo nhận định của GreenID, “các nhà máy nhiệt điện đốt than ở VN chủ yếu sử dụng nhiệt điện ngưng hơi, lò hơi tuần hoàn tự nhiên, công suất thấp, không đáp ứng yêu cầu về môi trường”.

Các nhà máy này lại chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn cùng với công nghệ lạc hậu đã và đang gây áp lực không nhỏ lên môi trường không khí của các khu vực này.

Cái giá phải trả không rẻ!

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết theo quy hoạch điện 7 đã được Thủ tướng phê duyệt, nhiệt điện than chiếm vai trò rất quan trọng bởi sau khi hoàn thành thủy điện Lai Châu, tới đây VN sẽ không còn thủy điện lớn nào có thể khai thác nữa, trong khi thủy điện nhỏ thì gây nhiều vấn đề về môi trường, như phá rừng. Do đó, chỉ có phát triển điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời và điện than.

Điện hạt nhân VN đang xúc tiến, điện gió, điện mặt trời thì đắt, chưa kể mặt trời chỉ có 12 tiếng/ngày và gió không phải lúc nào cũng lớn, nếu không dự phòng sẽ phải cắt điện khi thời tiết không thuận. Đây là những lý do để phát triển nhiệt điện than.

Tuy nhiên, bà Ngụy Thị Khanh cho rằng nếu tính cả chi phí sức khỏe, y tế, môi trường... nhiệt điện than không hề rẻ, chưa kể tới đây phải nhập khẩu than. Sau năm 2020 sẽ phải nhập lượng than rất lớn, cả trăm triệu tấn/năm. Hơn nữa, nguồn than không dễ có được hợp đồng dài hạn, nên sẽ ảnh hưởng an ninh năng lượng...

Dẫn thông tin Tập đoàn Than - khoáng sản vừa ký với một công ty Úc để thử nghiệm khai thác than đồng bằng sông Hồng bằng công nghệ khí hóa than, bà Khanh cho biết chính công ty này ở Úc đang bị kiện về vấn đề họ đang làm...

Ngoài ra, bà Khanh cũng cảnh báo việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu của nhà thầu Trung Quốc, trong khi giám sát, chế tài về môi trường ở VN còn yếu.

“Cần quy hoạch cân bằng hơn, loại bỏ những nhà máy điện than có tác động lớn tới môi trường, hiệu quả thấp; rà soát cập nhật nhu cầu sử dụng điện cho sát thực tế, không phải cao như hiện nay, dẫn tới nhu cầu làm nhiều nhà máy. Ngoài ra, cần xác định công nghệ thích hợp để tăng hiệu suất, giảm phát thải...” - bà Khanh nói.

Chuyên gia Lauri Myllyvirta cũng cho rằng việc quy hoạch phát triển điện than là đi ngược với xu hướng thế giới.

“Các nhà hoạch định chính sách VN nên lưu ý để có hướng đi thích hợp hơn” - ông Myllyvirta nói, đồng thời đề nghị VN cần lắp đặt các thiết bị quản lý phát thải tốt hơn, cập nhật các tiêu chuẩn về phát thải của các nước, cần đánh giá lại các nguồn điện trên cơ sở xem xét đầy đủ tác động đến sức khỏe, chi phí xã hội...

Bà Donna Lisenby cho biết với việc phát triển nhiệt điện than từ thế kỷ 19, Mỹ hiện đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người.

“Hi vọng VN sẽ rút kinh nghiệm của Mỹ” - bà Donna Lisenby nói và nhấn mạnh từ năm 2008, giá của những tấm pin mặt trời đã giảm 75%. Nhiều khu vực trên thế giới điện mặt trời đã đạt mức “ngang giá”, tức bằng nhiệt điện than.

Ô nhiễm vượt mức cho phép

Ông Đặng Ngọc Vinh, phó giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, công bố kết quả kèm video khảo sát cho thấy nhiều chỉ tiêu ô nhiễm ở Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đã vượt mức cho phép, trong khi nhà máy này được đặt cạnh sông Diễn Vọng đưa nước thẳng ra vịnh Hạ Long.

Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nước mặt, nước ngầm, nước ven vịnh Hạ Long để phân tích cho thấy tại khu vực tiếp nhận nước thải của nhiệt điện Quảng Ninh và nước tràn từ hồ thải xỉ (chất tạo thành sau đốt than) bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hàm lượng các chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, đặc biệt là dầu mỡ, kim loại nặng như crôm, sắt, mangan... đều vượt mức cho phép.

Theo ông Vinh, các chất kim loại nặng này ra môi trường sẽ ảnh hưởng nguồn nước, biến dạng một số loài thủy sinh, tiêu hủy nhiều vi sinh vật, làm nguồn nước ô nhiễm...

Đồ họa: Vĩ Cường
Đồ họa: Vĩ Cường
CẦM VĂN KÌNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp