04/10/2016 09:23 GMT+7

Nhiệt điện than "bao vây" đồng bằng: Lay lắt điện sạch

NGUYỄN NAM - TRUNG TÂN
NGUYỄN NAM - TRUNG TÂN

TTO - Nhiệt điện than gây ô nhiễm, thế nhưng nhiều dự án điện sạch (dùng sức gió và năng lượng mặt trời) được nhiều doanh nghiệp quan tâm lại đang gặp khó.

*** Error ***
Dự án điện gió của Công ty Trung Nam tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận vẫn còn ngổn ngang dù đạt mục tiêu hoàn thành trong năm 2017 - Ảnh: TIẾN THÀNH

Hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận được quy hoạch nhiều dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời. Ninh Thuận có mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia nhưng đến nay, theo UBND tỉnh Ninh Thuận, các mục tiêu về năng lực sản xuất trong quy hoạch đều không đạt.

Điện gió khó đủ đường

Tại dự án Nhà máy điện gió Trung Nam (do Công ty cổ phần Trung Nam, TP.HCM làm chủ đầu tư), con đường bêtông mới được xây dựng dẫn vào nhà máy (ở khu vực giáp ranh hai xã Lợi Hải và Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) vẫn vắng vẻ.

Tại đây mới có một số trạm biến áp với dòng chữ “phấn đấu phát điện vào năm 2017”. Tuy nhiên, khu nhà hành chính chỉ có vài bảo vệ trông coi. Theo lời nhân viên tại đây thì “công trình chưa triển khi gì cả, đang chờ máy móc vật tư”.

UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận tính đến tháng 7-2016, tỉnh chỉ thu hút được 13 dự án điện gió với tổng công suất gần 1.100MW, tổng vốn đầu tư hơn 40.500 tỉ đồng. Nhưng mới có hai dự án khởi công (điện gió Mũi Dinh và Trung Nam) nên “so với mục tiêu quy hoạch về công suất lắp đặt và sản lượng điện phát đều không đạt”.

Hai dự án có tổng vốn khá lớn (Điện gió Trung Nam vốn đầu tư 3.965 tỉ đồng, Điện gió Mũi Dinh 1.472 tỉ đồng) dù khẳng định quyết tâm đầu tư nhưng cũng chỉ đang tiến hành các bước ban đầu.

Nguyên nhân được UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết là do vốn đầu tư vào các dự án điện gió khá lớn, lãi suất cho vay cao nhưng giá mua điện gió hiện hành còn thấp (7,8 cent/kWh - khoảng 1.600 đồng/kWh). Hơn nữa, đầu tư các dự án điện gió rủi ro cao nên quá trình tìm kiếm nguồn vốn vay, đàm phán về lãi suất và thời gian trả nợ rất khó khăn.

Ngoài ra, trong số chín dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư, có hai dự án (An Phong và Phước Hải) chồng lấn với các dự án khai thác titan nên không thể triển khai thực hiện được.

Ông Phạm Văn Hậu - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - công nhận điện gió dù khó khăn nhưng đã có quy hoạch của Bộ Công thương, tỉnh đã kêu gọi đầu tư và đến nay đã có 13 dự án. Về điện mặt trời tình hình còn khó hơn, bởi ông Hậu cho biết dù đã có nhiều doanh nghiệp (trong và ngoài nước) đăng ký đầu tư nhưng hiện Chính phủ chưa ban hành giá điện năng lượng mặt trời và tỉnh cũng chưa có quy hoạch nên chưa công bố dự án được.

“Theo dự kiến, trong tháng 10-2016 tỉnh hoàn thành quy hoạch và nếu Bộ Công thương thống nhất trình Chính phủ quyết định sẽ bắt đầu triển khai các dự án” - ông Hậu thông tin.

Với Bình Thuận, ông Dương Tấn Long - trưởng phòng quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận) - nêu ra hàng loạt vấn đề mà chủ đầu tư dự án điện gió gặp phải ngoài chuyện giá mua điện và vốn vay.

Đó là nhà đầu tư thiếu những nguồn tin cậy về tiềm năng gió, do đó họ thường phải lắp đặt các cột đo gió riêng tại từng dự án. Chưa kể thiếu chuyên gia, thiếu quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện gió, hạ tầng cũng chưa đáp ứng được việc vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng của điện gió.

Việc đền bù giải tỏa cũng gặp khó khăn do nhiều hộ dân không đồng ý việc nhà đầu tư điện gió chỉ đền bù, thu hồi đất ở khu vực móng trụ, trạm điện, đường dây... mà yêu cầu đền bù toàn bộ khu đất.

Cần hỗ trợ giai đoạn đầu

Ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió tỉnh Bình Thuận, giám đốc Công ty CP phong điện Thuận Bình (dự án Phú Lạc) - nhìn nhận giá mua điện gió theo quy định hiện nay dù đã được Chính phủ trợ giá nhưng vẫn thuộc diện thấp nhất thế giới.

Ông Thịnh nêu số liệu ở các nước khác như Đức (12,3 cent/kWh), Nhật Bản (29), Philippines (14), Thái Lan (20), Trung Quốc (8,5-10), còn ở VN chỉ 7,8 cent/kWh.

“Với giá 7,8 cent như hiện nay, để dự án đạt hiệu quả tài chính, lãi suất nguồn vốn vay phải thấp hơn hoặc bằng 1,1%/năm nhưng các nhà đầu tư rất khó tiếp cận với nguồn vốn này. Với giá đầu ra như hiện nay, việc vay vốn để triển khai các dự án điện gió tại VN rất khó khăn” - ông Thịnh phân tích.

Ông Dương Tấn Long nêu quyết định 37 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra giá mua điện gió là 7,8 cent/kWh là thấp so với giá thành đầu tư nhưng sau năm năm ban hành vẫn chưa thay đổi. Vì vậy, các tổ chức tín dụng khó cho vay vốn dẫn đến các nhà đầu tư điện gió thực hiện dự án cầm chừng, kéo dài tiến độ dự án.

“Chính phủ cần có lộ trình tăng giá mua điện gió từ mức 7,8 cent/kWh hiện nay lên mức trên 12 cent/kWh sau năm 2017. Bởi chú trọng phát triển điện gió không những góp phần đáp ứng nhu cầu điện mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường” - ông Thịnh kiến nghị.

Ông Đỗ Minh Kính - giám đốc Sở Công thương Bình Thuận - cho hay tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tăng giá mua điện các dự án điện gió để thúc đẩy đầu tư, cũng như có những chính sách định hướng các nguồn vốn ưu đãi cho các dự án điện gió. Ông Kính tiết lộ hiện Bộ Công thương đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giá mua điện gió lên 9,6 cent/kWh.

Theo nhìn nhận của ông Đỗ Minh Kính, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm đẩy mạnh sản xuất điện từ các nguồn năng lượng mới nhưng còn mang tính định hướng, chưa đi vào cụ thể. Do đó cần sớm có khung chính sách pháp lý riêng cho năng lượng tái tạo.

Cụ thể với điện gió, những năm đầu tiên của dự án cần có cơ chế giá mua điện cao. Đến giai đoạn các năm cuối của dự án sẽ giảm giá mua khi nhà đầu tư đã thu hồi vốn và bắt đầu có lợi nhuận.

Hàng chục dự án điện gió “án binh bất động”

Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Bộ Công thương tái lập bản đồ năng lượng gió cho VN, theo đó Bình Thuận và Ninh Thuận có điều kiện đặc biệt tốt để phát triển điện gió và điện mặt trời. Căn cứ tiềm năng gió ở độ cao 80m, VN có thể khai thác tới 10.000MW (tương đương 9-10 nhà máy nhiệt điện than sẽ xây dựng ở ĐBSCL).

Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận nêu tỉnh mới có hai nhà máy điện gió được xây dựng, còn lại hơn chục dự án bị bỏ dở hoặc nhà đầu tư “án binh bất động”. Đáng lưu ý, những dự án đã vận hành hiện cũng gặp khó khăn như Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình ngày 9-9-2016 đã đưa 12 tuôcbin hòa vào lưới điện quốc gia nhưng theo lãnh đạo công ty, giá mua điện vẫn đang là bài toán khó với nhà đầu tư.

Trung Hà

NGUYỄN NAM - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp