24/02/2016 11:40 GMT+7

Nhiệm vụ đầu tiên

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Đó là chương trình huấn luyện đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Họ biết mình đi còn để tìm hiểu cơ cấu của LHQ để báo cáo về nước nên có một chương trình đặc biệt này so với các nước khác thêm một tuần.

Trung tá Trần Nam Ngạn (thứ hai từ phải) trên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: nhân vật cung cấp
Trung tá Trần Nam Ngạn (thứ hai từ phải) trên đường làm nhiệm vụ - Ảnh: nhân vật cung cấp

Suốt một tuần đầu tiên ở Juba, hai sĩ quan liên lạc người Việt Nam được huấn luyện những công việc cụ thể: cách báo cáo tình hình sau khi đi tuần tra, cách dùng hệ định vị toàn cầu GPS, dùng tời kéo xe, sử dụng thiết bị liên lạc, các đầu mối liên lạc, các mã liên lạc (quân sự, an ninh, cảnh sát...), cách thức liên lạc...

Những ngày “học việc”

Trung tá Mạc Đức Trọng cho biết: “Vì chúng tôi là hai người VN đầu tiên nên ngoài thực tập nhiệm vụ cụ thể, LHQ còn cho thực tập tại các phòng ban tham mưu (phòng nhân sự, tình báo, tác chiến, kế hoạch, huấn luyện, hậu cần, thông tin, phòng quan hệ quân dân sự).

Đó là chương trình huấn luyện đặc biệt của LHQ. Họ biết mình đi còn để tìm hiểu cơ cấu của LHQ để báo cáo về nước nên có một chương trình đặc biệt này so với các nước khác thêm một tuần”.

“Mấy hôm đầu chúng tôi ở trong một container chung với hai người châu Phi - trung tá Ngạn kể - Hôm sau lại đổi người nước khác. Họ cứ ra vô liên tục.

Họ ở tạm đó một tuần để đi các nhóm khác ở vùng khác. Giường cá nhân như giường bộ đội ở Việt Nam. May mà chiếm được cái giường, chứ sau này có lúc phải chui vào túi ngủ dưới sàn. Đợt tôi sang đúng lúc đang có dịch sốt rét. Bao nhiêu người sốt rét quay đơ ra hết.

Một đồng nghiệp trong nhóm tôi ở Juba bị sốt rét, phải về nước rồi hủy luôn không sang được nữa. Anh này về phép 30 ngày thì 30 ngày nằm viện, bảo sẽ sang muộn một tuần. Một tuần sau báo: đất nước tôi xin hủy nhiệm vụ...”.

Nhiệm vụ đầu tiên mà hai sĩ quan Việt Nam được giao không phải là tham gia một chiến dịch cứu dân thường mà là... đi tìm một chiếc xe công trình bị sa lầy. Đó là chiếc xe của Ấn Độ, được dùng để cứu kéo, sửa chữa các xe. Trong quá trình vận chuyển, chiếc xe nặng hàng chục tấn này bị lật.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là đến khu vực đó đưa xe về. Địa điểm cách căn cứ 80km, đường đất rất xấu, lầy lội. Mặt đường toàn vũng nước to gấp hai, ba cái miệng giếng đầy nước lũm chũm. 80km nhưng đi một ngày mới tới nơi” - trung tá Trần Nam Ngạn nhớ lại.

Thông thường khi đi làm nhiệm vụ, một nhóm chỉ có hai người: một sĩ quan liên lạc là trưởng nhóm và một sĩ quan bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho sĩ quan liên lạc. Nhưng vì hai sĩ quan Việt Nam mới sang nên đi theo kiểu học việc.

Trưởng nhóm là một sĩ quan liên lạc cũ - người sẽ hướng dẫn hai trung tá người Việt làm việc. Nhóm còn có người đội trưởng đội bảo vệ để bảo vệ cả nhóm khi đi công tác và thêm một sĩ quan liên lạc của quân đội địa phương.

“Nhiệm vụ của sĩ quan liên lạc là khi đến trạm gác, mình phải xuống trao đổi với chỉ huy trạm gác, xin thủ tục đi qua. Tùy từng vùng, có chỗ do chính phủ kiểm soát, có chỗ do lực lượng địa phương kiểm soát. Vì tính chất công việc của mình là tiếp xúc, thương lượng để được đi qua nên không được mang theo súng, dễ gây mất cảm tình” - trung tá Trần Nam Ngạn cho biết.

Nhiệm vụ đầu tiên này xem ra rất dễ dàng khi nhóm chỉ đi qua một trạm gác và nhanh chóng được cho đi. Đó là lần duy nhất trung tá Mạc Đức Trọng và trung tá Trần Nam Ngạn đi làm nhiệm vụ cùng nhau suốt một năm ở Nam Sudan.

Không lâu sau đó, trung tá Mạc Đức Trọng và trung tá Trần Nam Ngạn được biên chế vào đội sĩ quan liên lạc tại thủ đô Juba với nhiệm vụ: đi tuần tra các tuyến đường thủ đô.

Trong lần đi tuần tra đầu tiên, hai sĩ quan Việt Nam đã có thể nhìn thấy phần nào hình ảnh một đất nước nội chiến: xác xe tăng cháy nham nhở nằm chết lặng trên dọc cung đường dẫn vào thủ đô.

Sau hai tháng ở Juba, nhận thấy năng lực hai sĩ quan Việt Nam, phái bộ LHQ quyết định chuyển mỗi người đi một vùng khác nhau.

Trung tá Trần Nam Ngạn được cử về thủ phủ Bor - cách thủ đô Juba 200km - làm nhiệm vụ. Còn trung tá Mạc Đức Trọng được phân về một phân khu nhỏ của bang Malaca là Melut, cách thủ đô 1.000km.

Trung tá Mạc Đức Trọng (bìa trái) cùng các đồng nghiệp Thụy Điển và Ấn Độ tại căn cứ Melut - Ảnh: nhân vật cung cấp
Trung tá Mạc Đức Trọng (bìa trái) cùng các đồng nghiệp Thụy Điển và Ấn Độ tại căn cứ Melut - Ảnh: nhân vật cung cấp

Suốt một tuần đầu tiên ở Juba, hai sĩ quan liên lạc người Việt Nam được huấn luyện những công việc cụ thể: cách báo cáo tình hình sau khi đi tuần tra, cách dùng hệ định vị toàn cầu GPS, dùng tời kéo xe, sử dụng thiết bị liên lạc, các đầu mối liên lạc, các mã liên lạc (quân sự, an ninh, cảnh sát...), cách thức liên lạc...

Đi vào vùng hỗn loạn

Ngày 9-7-2011, Nam Sudan tuyên bố độc lập. Hơn hai năm sau cuộc nội chiến bắt đầu, khi giao tranh nổ ra giữa những người lính Dinka và Nuer, xuất phát từ những căng thẳng chính trị giữa Tổng thống Kiir và Phó tổng thống Manchar - người bị cách chức từ tháng 7-2013.

“Ở thủ đô Juba, chúng tôi chưa cảm nhận được hết sự căng thẳng và bầu không khí u ám của một đất nước đang có nội chiến, chết chóc. Khi được cử đến Bor, tôi mới cảm nhận rõ. Tình trạng bắn giết đang diễn ra hằng ngày ở Nam Sudan” - trung tá Trần Nam Ngạn kể.

Thành phố Bor thuộc Jonglei, là bang lớn nhất của Nam Sudan với diện tích gần bằng Việt Nam. Tổng thống Kiir, vốn thuộc nhóm sắc tộc Dinka, chiếm đa số, đã cách chức Phó tổng thống Manchar thuộc sắc tộc Nuer. Để lôi kéo được người dân ở Jonglei, hai ông này luôn tìm cách kích động hai bộ tộc Dinka và Nuer.

Chỉ mấy tháng trước khi trung tá Ngạn đến thành phố Bor, quân đội của Chính phủ Nam Sudan cố gắng giành lại Bor và nơi đây đã chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và quân phe đối lập.

Đến Bor và những vùng đang xảy ra xung đột lúc này là điều rất nguy hiểm với cả nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ. Bằng chứng là hai binh lính gìn giữ hòa bình người Ấn Độ (và ít nhất 11 thường dân) đã thiệt mạng trong một vụ tấn công vào trụ sở LHQ ở Akobo (Jonglei).

Bốn nhân viên quân sự của Mỹ đã bị thương khi máy bay của họ bị bắn, khiến chiến dịch sơ tán của Mỹ ngưng trệ.

Khi những vụ giết chóc diễn ra tại Juba, Phó tổng thống Manchar đã chạy trốn khỏi thủ đô và kêu gọi một cuộc nổi dậy để trả thù người Dinka. Động thái này khiến bạo lực bùng nổ ở các thị trấn như Bor, Malakal và Bentiu. Hàng loạt vụ hãm hiếp, tàn sát... đã xảy ra ở những nơi này.

Theo số liệu của LHQ, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và hơn 2 triệu người khác mất nhà cửa vì cuộc nội chiến ở Nam Sudan.

“Nguy hiểm ở đất nước này không chỉ đến từ các cuộc giao tranh của quân đội chính quy mà còn từ những nhóm thanh niên không thể kiểm soát được. Các vụ hành quyết tập thể ở Bor khiến thành phố này càng trở nên rất bất ổn. Nhiều người dân trốn chạy. Họ sống trong lo sợ và tuyệt vọng.

Chúng tôi rất đau lòng khi nghe họ nói: “Làm ơn cứu tôi”. Có người kể họ đang mua thực phẩm trong chợ thì nhìn thấy binh lính bắn chết người dân ngay trước mặt” - trung tá Trần Nam Ngạn kể.

Trung tá (hiện là thượng tá) Mạc Đức Trọng kể: “Ở đây nhà thì nhà tranh, vách đất nhưng mỗi gia đình dân có... bốn khẩu súng. Căng thẳng đến mức người sắc tộc đa số tìm cách tiêu diệt người thiểu số.

Có những vùng người Dinka chiếm đa số và ngược lại. Họ cứ đánh nhau, giết lẫn nhau. Sự thù địch lớn đến nỗi họ cứ thấy người của tộc đối địch là giết thẳng tay, kể cả dân thường. Cứ thấy khác tộc mình là giết thẳng cánh.

Nơi tôi công tác, toàn bộ người Nuer ở khu vực đó chạy vào xin được LHQ bảo vệ. Người Dinka sống bên ngoài. Khi tôi đến vừa xảy ra chuyện người Nuer thắng trận ở ngoài chiến trường, đánh trống ăn mừng.

Người Dinka ở khu vực đó bị ức chế, bất chấp đó là căn cứ của LHQ, họ xông vào tận trong trại tị nạn của LHQ tấn công, thảm sát ngay tại trại. Hơn 80 người Nuer bị giết!”.

___________

Kỳ tới: Ám ảnh Malakal

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp