16/09/2016 10:44 GMT+7

Nhiệm vụ cuối cùng: Sống để kể lại

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Trong khi chờ đợi cuộc gặp mặt những người sống sót, ông Lân tiếp tục làm nhiệm vụ cuối cùng của đời mình ở một kênh khác.

Ông Nguyễn Tấn Lân (thứ ba từ trái) và bà Nguyễn Thị Thanh (bìa phải, hàng đầu) trong chuyến sang Hàn Quốc năm ngoái để kể chuyện thảm sát -  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ông Nguyễn Tấn Lân (thứ ba từ trái) và bà Nguyễn Thị Thanh (bìa phải, hàng đầu) trong chuyến sang Hàn Quốc năm ngoái để kể chuyện thảm sát - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngồi bệt trước hè nhà mình, ông Nguyễn Tấn Lân, người sống sót trong vụ thảm sát Bình An (Tây Sơn, Bình Định) cách đây 50 năm, nhấp một ngụm bia lạnh rồi nói: “Tôi năm nay 65 tuổi rồi, việc ghi nhớ và kể lại câu chuyện ngày đó là nhiệm vụ cuối cùng của cuộc đời tôi”.

 

Khi các chứng nhân cùng thế hệ trong những cuộc thảm sát của lính Đại Hàn năm xưa khuất núi thì liệu còn mấy ai kể lại chuyện này!

Bà NGUYỄN THỊ THANH

Ký ức đau đớn

Ông Lân từng đi bộ đội, làm bí thư đảng ủy xã nên ông cho rằng đó là nhiệm vụ. Còn với những người sống sót khác, việc thuật lại chuyện xưa như là nhu cầu bên trong thôi thúc. Bà Trương Thị Thú kể cách đây nhiều năm có một đoàn khách nước ngoài đến quê bà để nghe những người sống sót trong vụ thảm sát Hà My (Điện Bàn, Quảng Nam) trình bày câu chuyện.

Bà đã đứng lên nói từ đầu tới cuối, vừa nói vừa khóc hơn một tiếng. Có người đứng sau ngắt lời bảo bà nói ít thôi. Bà đáp lại nếu tính cả đại gia đình vợ chồng bà thì có 12 người chết trong vụ thảm sát này, vì vậy phải để bà nói cho thoải mái. “Chứ không cho tui nói thì tui về”, bà Thú dứt khoát.

Ông Lân và bà Nguyễn Thị Thanh (vụ thảm sát Cây Đa Dù, Điện Bàn, Quảng Nam) đã có dịp hoàn thành một phần nhiệm vụ khi đi Hàn Quốc năm ngoái, bước lên một số diễn đàn “kể lại câu chuyện ngày đó”.

Những người còn lại mỗi khi có ai đến hỏi họ đều tuôn ra chuyện cũ, dù có khi trong đau đớn. Bà Trịnh Thị Năm, 75 tuổi (vụ thảm sát Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, Bình Định) mỗi khi nhắc chuyện cũ thường đau buốt óc. Tuy vậy, bà nói mình vẫn kể vì nhớ con bị giết trong vụ thảm sát, vì tức tối trong lòng.

Người kiệm lời như ông Đoàn Đức (vụ thảm sát Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) khi được hỏi cũng thuật lại mạch lạc, đầy đủ tình tiết của chuyện thảm sát. Ông khẳng định: “Tôi nhớ miết không bao giờ quên, nó giống như một đoạn phim trong đầu”.

Mong muốn kết nối

Mỗi người như ông Đức đang giữ một đoạn phim trong đầu, chưa có dịp chắp nối với nhau thành một bộ phim vì những người sống sót ở miền Trung chưa có dịp gặp nhau. Có chăng họ chỉ gặp người sống sót trong cùng vụ thảm sát. Ngoại trừ ông Lân - bà Thanh, bà Thanh - ông Kim - ông Đức vừa gặp nhau do sự sắp xếp của người khác, đã 50 năm trôi qua những người sống sót trong những vụ thảm sát khác nhau chưa hề biết mặt nhau. Thậm chí nhiều người không biết ở huyện giáp ranh với huyện mình cũng xảy ra vụ thảm sát tương tự.

Vậy nên khi có người nêu ý tưởng tổ chức gặp mặt những người sống sót trong các vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra, ông Lân ủng hộ ngay. Ông nói rất muốn đi thăm nhà những người cùng cảnh ngộ, muốn biết họ làm ăn, sinh sống ra sao. Nhiều phụ nữ sống sót bảo họ mong có cuộc gặp để chia sẻ với nhau nhiều điều... Muốn vậy nhưng không ai trong họ đủ khả năng tổ chức cuộc gặp như vậy.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VT-TT&DL Quảng Ngãi, bảo rằng tổ chức cho những người sống sót gặp nhau là một việc ý nghĩa để mọi người hồi cố câu chuyện của cuộc đời và có thêm cứ liệu lịch sử về những vụ thảm sát chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy nhiên, hiện nay việc tập hợp cũng như xác định chính xác những người sống sót còn nhiều khó khăn, vì vậy nên có sự phối hợp của các tỉnh và các sở ngành ở các địa phương. Nếu các tỉnh tập hợp được thông tin những người sống sót thì có thể tổ chức một buổi gặp mặt trong năm nay, năm tròn 50 năm xảy ra nhiều vụ thảm sát.

“Nếu gặp gỡ thì một vài người đại diện trong từng vụ thảm sát ở các tỉnh tập hợp trước, sau đó mới có thể tập hợp số lượng đông. Chưa thể mời toàn bộ bởi hiện tại vẫn chưa có số liệu thống kê số người còn sống sau các vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra” - ông Vũ gợi ý.

Ông Nguyễn Tấn Lân (phải) nói với khách rằng kể lại chuyện thảm sát là nhiệm vụ cuối cùng của đời ông - Ảnh: TĂNG QUỲNH
Ông Nguyễn Tấn Lân (phải) nói với khách rằng kể lại chuyện thảm sát là nhiệm vụ cuối cùng của đời ông - Ảnh: TĂNG QUỲNH

Kiến nghị của người sống sót

Trong khi chờ đợi cuộc gặp mặt những người sống sót, ông Lân tiếp tục làm nhiệm vụ cuối cùng của đời mình ở một kênh khác.

Bà Văn Thị Kim Nhung - phó trưởng Ban thường trực ban dân vận Huyện ủy Tây Sơn, đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này - cho biết năm ngoái bà cùng các đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri tại xã Tây Vinh (huyện Tây Sơn).

Tại đây, ông Nguyễn Tấn Lân đã đề nghị tỉnh kiến nghị Chính phủ Việt Nam để yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc ba nội dung liên quan đến vụ thảm sát Bình An: xin lỗi về việc đã gây ra tại Việt Nam, có trách nhiệm với những nạn nhân còn sống sót, có trách nhiệm với gia đình nạn nhân của các vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra.

“Với kiến nghị này, chúng tôi ghi nhận đầy đủ và đã tổng hợp, kiến nghị lên kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định diễn ra từ ngày 8 đến 10-7 năm ngoái” - bà Nhung nói. Thường trực HĐND tỉnh Bình Định xác nhận đã tổng hợp ý kiến trên gửi các ngành liên quan và UBND tỉnh để kiến nghị lên cấp trên.

Sự việc dừng ở đó nhưng tuổi tác của những người sống sót không dừng lại, họ đang bước qua tuổi xế chiều với nỗi lo được bà Nguyễn Thị Thanh nói hộ: “Khi các chứng nhân cùng thế hệ trong những cuộc thảm sát của lính Đại Hàn năm xưa khuất núi thì liệu còn mấy ai kể lại chuyện này!”.

Những tội ác không rửa được

Kim Jin Sun đến huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định vào tháng 12-1969 với quân hàm đại úy lục quân Đại Hàn. Sau khi rời quân đội, ông được phong hàm đại tướng quân dự bị. Trong cuốn sách Ký ức chiến tranh, ông đã viết:

“Những chiến hữu cùng vào sinh ra tử với tôi trong chiến tranh Việt Nam đã lập ra “hội Mãnh hổ” và gặp nhau định kỳ một năm hai lần... Mỗi khi chúng tôi gặp nhau là chuyện chiến tranh lại tuôn ra tưởng không bao giờ ngừng. Những cánh rừng rậm rạp, những khoảnh khắc chết người, những chuyện đã nói năm ngoái năm nay được kể lại, nhưng dù có nghe lại cũng không bao giờ chán cả.

Mỗi khi nhắc đến những câu chuyện có liên quan tới tôi, mọi người lại tranh nhau kể rất hào hứng nhưng riêng tôi lại ngồi im lặng, tôi còn phải kìm nén nỗi đau sâu thẳm trong lòng. Bởi vì còn đó ký ức đau buồn về chiến tranh, về những tội ác không rửa được”.

_________________________________

Kỳ cuối: Thành thật xin lỗi Việt Nam!

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp