28/01/2019 20:45 GMT+7

Nhiễm khuẩn tái diễn - nguy cơ suy giảm miễn dịch

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)

Có rất nhiều thể suy giảm miễn dịch được biết đến như suy giảm miễn dịch thể dịch, suy giảm miễn dịch tế bào, suy giảm chức năng bạch cầu đa nhân, bổ thể,…

Nhiễm khuẩn tái diễn - nguy cơ suy giảm miễn dịch - Ảnh 1.

Trên 8 lần viêm tai giữa/năm là dấu hiệu nghi ngờ suy giảm miễn dịch bẩm sinh Ảnh: kinderling.com.au

Từ khi chào đời chúng ta đã sống trong một biển vi trùng, vi khuẩn. Ai ai ít nhất cũng một vài lần bị viêm nhiễm. Hầu hết mọi người đều khỏi bệnh nhưng một số người lại bị bệnh tái diễn và tình trạng viêm nhiễm nặng, kéo dài bất thường. Nguyên nhân bất thường này do hệ miễn dịch của họ không đảm nhiễm được chức năng bảo vệ cơ thể.

Bình thường, hệ miễn dịch của chúng ta có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi viêm nhiễm bằng nhận biết tác nhân gây bệnh, đào thải chúng ra khỏi cơ thể trước khi chúng gây bệnh. Hàng rào miễn dịch đầu tiên chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh là toàn bộ bề mặt của cơ thể, nơi tiếp xúc với thế giới bên ngoài như da, niêm mạc đường hô hấp, niêm mạc đường tiêu hóa, đường tiết niệu, sinh dục. Khi hàng rào bảo vệ cơ thể đầu tiên bị tổn thương (rách da, xước niêm mạc) thì khả năng xâm nhập của các mầm bệnh vào cơ thể tăng lên.

Có rất nhiều thể suy giảm miễn dịch được biết đến như suy giảm miễn dịch thể dịch (hay gặp nhất, có nghĩa là hệ miễn dịch không có khả năng sản xuất ra kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh), suy giảm miễn dịch tế bào, suy giảm chức năng bạch cầu đa nhân, bổ thể… Có những thể bệnh rất nặng nguy hiểm đến tính mạng (trẻ thường chết trước 1-2 tuổi), có thể nhẹ nhưng là nguyên nhân rất quan trọng gây nên tình trạng nhiễm trùng tái diễn và diễn biến nặng ở trẻ.

10 dấu hiệu nghi ngờ suy giảm miễn dịch bẩm sinh

- Trên 8 lần viêm tai giữa/năm;

- Trên 4 lần viêm xoang nặng/năm;

- 2-3 tháng dùng kháng sinh và đáp ứng kém với kháng sinh;

- Trên 2 lần viêm phổi nặng/năm;

- Chậm lên cân (suy dinh dưỡng, đi tiêu kéo dài);

- Apxe cơ hoặc các cơ quan sâu (apxe gan, áp xe phổi) tái diễn;

- Nấm miệng dai dẳng hoặc nấm da, nhiễm trùng vi khuẩn cơ hội;

- Phải dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch mới làm sạch được vi khuẩn;

- Trên 2 ổ nhiễm trùng sâu (viêm màng não, cốt tủy viêm, nhiễm trùng huyết);

- Tiểu sử gia đình có người bị bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc có anh chị em chết sớm do nhiễm khuẩn nặng, không rõ nguyên nhân.

Nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ trên, hãy cho trẻ đến khám khoa miễn dịch - dị ứng. Bác sĩ chuyên khoa sẽ khai thác tiền sử của trẻ và gia đình làm một số xét nghiệm đặc hiệu để đánh giá tình trạng miễn dịch của trẻ. Nếu phát hiện tình trạng suy giảm miễn dịch, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hướng điều trị dự phòng sớm cho từng trường hợp cụ thể.

Điều trị suy giảm miễn dịch

Phụ thuộc vào thể bệnh, mức độ suy giảm miễn dịch của từng bệnh nhân mà phác đồ điều trị và chiến lược phòng tránh viêm nhiễm khác nhau. Nguyên tắc điều trị chung là:

- Điều trị miễn dịch thay thế: truyền immunoglobuline;

- Điều trị chống nhiễm khuẩn là vấn đề quan trọng;

- Các phương pháp phòng tránh nhiễm trùng (dinh dưỡng, môi trường sống, văcxin, tăng cường hệ miễn dịch…);

- Ghép tủy trong một số trường hợp nặng;

- Tư vấn di truyền.

Bác sĩ miễn dịch - dị ứng có thể cung cấp cho bạn nhiều thông tin cập nhật hơn về vấn đề nhiễm trùng tái diễn và suy giảm miễn dịch. Bác sĩ sẽ là người đồng hành với bạn trong việc phát hiện bệnh, điều trị và quản lý bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh.


Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp