26/09/2023 15:55 GMT+7

'Nhi vé số' vào đại học

Từ năm 6 tuổi, Nhi đã đen nhẻm trong bộ quần áo cũ mèm rong ruổi khắp nơi bán từng tờ vé số mưu sinh. Năm nay, 'Nhi vé số' đã ghi tên mình trong danh sách tân sinh viên đại học, khởi đầu ước mơ trở thành cô giáo.

Học để trở thành cô giáo là ước mơ Nhi ấp ủ từ bé - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Học để trở thành cô giáo là ước mơ Nhi ấp ủ từ bé - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

"Nhi vé số" là tên mấy tiểu thương ở khu chợ Non Nước (Đà Nẵng) thường gọi Phan Thị Hoài Nhi (18 tuổi).

Ngày nhận tin báo Nhi đậu Đại học Sư phạm Đà Nẵng, mẹ cô đã reo lên vì vui sướng, nước mắt bà tràn ra trong niềm vui khôn tả. Hay tin, mấy người buôn bán ở khu chợ Non Nước (Đà Nẵng) ai cũng mừng lây.

Mẹ không bỏ con, con không bỏ học

Bà Lê Thị Ngọc Hồng (51 tuổi), mẹ của Nhi, gợi lại ký ức đau buồn cách đây 18 năm. Ngày đó, bà mặc chồng kiên quyết thế nào, vẫn ôm lấy chiếc bụng bầu, tháo chạy khỏi phòng khám, quệt dòng nước mắt và từ bỏ ý định bỏ đi giọt máu chưa thành hình hài.

Cũng vì gia cảnh quá nghèo, nên Nhi ra đời sẽ oằn thêm gánh nặng cơm áo lên cả gia đình. Nhưng thương con, bà Hồng quyết giữ lại cô con gái út Hoài Nhi.

Từ ngày đó, chồng rời đi, bà Hồng kiếm lấy cái nghề bán vé số quanh khu chợ Non Nước  nuôi 4 đứa con. Nhi chào đời khi cuộc sống của mấy mẹ con quá cơ cực. Bà Hồng vừa nuôi con, lại phải gồng gánh thêm người cha già và cô em gái nửa tỉnh nửa mê.

Căn nhà bé tí và dột nát tứ bề nằm sâu hút trong con hẻm nhỏ là nơi sinh sống của 7 người. Sau này ba đứa con đầu của bà Hồng nghỉ học sớm, kiếm việc lao động chân tay ở xa, người có chồng con thì cuộc sống cũng chật vật.

Căn nhà của Nhi ngập mùi ẩm mốc, bên trước để mớ giấy các tông và ve chai hai mẹ con lượm nhặt về. Gian thờ đặt di ảnh ngoại vừa qua đời chưa lâu, cũng là chỗ kê chiếc bàn học ọp ẹp của Nhi. Chỗ ngủ của hai mẹ con chỉ rộng vài bước chân đủ kê chiếc nệm và chiếc tủ hư cửa mà bà Hồng xin về.

Hồi nhỏ nó cứ theo mẹ lê lết khắp nơi, lắm bữa học về ăn mì tôm rồi đi bán vé số với mẹ. Nhỏ đến lớn chưa khi nào tui nghe con than vãn. Chỉ có mỗi khi nghe ai nhắc đến chuyện nghỉ học cho mẹ đỡ cực là mắt nó lại rơm rớm.
Bà Hồng, mẹ của Hoài Nhi

Bà Hồng chỉ vào bức vách lỗ chỗ vệt chắp vá xi măng cố che đi mất vết nứt dọc ngang: "Nhà không có đàn ông nên nứt chỗ nào, tui lại mua xi măng về trét lại thành ra nhếch nhác vậy đó".

Từ nhỏ, Nhi đã một buổi đến trường, một buổi theo mẹ bán vé số. Có hôm Nhi bán hàng rong ở quán nhậu, nhặt ve chai dọc các con đường. Nhìn Nhi đen nhẻm nhưng miệng luôn nhoẻn cười, bà con buôn bán ở chợ Non Nước thương lắm.

Nhi phụ mẹ gom ve chai dọc đường đi bán vé số, để kiếm thêm chút tiền trang trải - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Nhi phụ mẹ gom ve chai dọc đường đi bán vé số, để kiếm thêm chút tiền trang trải - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Họ đặt luôn cái tên "Nhi vé số" cho cô. Những năm tháng tuổi thơ, Nhi làm không sót nghề gì, từ phụ bán cơm, bán nhang ở chùa, rửa chén ở đám tiệc... Nhi nhanh nhẹn và chịu khó nên ai gặp cũng thương.

Bà Hồng mắt sáng rực khi nhắc đến chuyện con đậu đại học. "Hồi nhỏ nó cứ theo mẹ lê lết khắp nơi, lắm bữa học về ăn mì tôm rồi đi bán vé số với mẹ. Nhỏ đến lớn chưa khi nào tui nghe con than vãn. Chỉ có mỗi khi nghe ai nhắc đến chuyện nghỉ học cho mẹ đỡ cực là mắt nó lại rơm rớm" - bà Hồng nói.

Không chờ may mắn từ "tấm vé số" đổi đời

Hơn 10 năm đi bán vé số, Nhi bảo rằng mình từng ước ao sẽ một lần trúng vé số để xây lại căn nhà cho mẹ.

"Nhưng mẹ em nói rằng vé số chỉ may mắn với người có duyên. Nhà mình không may mắn thì con đừng có trông chờ vào những tờ vé số. Nó sẽ không giúp cho tương lai của con được, mà chỉ có học mới có thể tự mình thay đổi cuộc sống của mình" - Nhi chia sẻ.

Từ lời dặn của mẹ, Nhi luôn nỗ lực từng ngày, cố gắng học và rèn luyện. Nhi bảo rằng trước đây nhìn bạn bè hạnh phúc, và đủ đầy, Nhi thấy bản thân bất hạnh lắm, nhưng giờ đây cô chỉ cảm thấy mình kém may mắn hơn người khác một chút thôi. Càng khó khăn lại càng là động lực cho cô phấn đấu.

Suốt ba năm học cấp 3, Nhi đều đạt thành tích học sinh giỏi. Riêng năm 2023, Nhi đạt được nhiều giải thưởng như: Học sinh xuất sắc nhất trường, Học sinh xuất sắc toàn diện tiêu biểu cấp thành phố, Học sinh 3 tốt cấp thành phố, Học sinh giỏi văn cấp thành phố… cùng với đó là nhiều giải thưởng sáng tác văn học, và thể thao.

Biết hoàn cảnh của Nhi khó khăn, các thầy cô giáo cũng hết lòng giúp đỡ. Người dạy thêm miễn phí, người kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ cho em. Nhi vui mừng báo tin có nhà hảo tâm kêu gọi tặng em một chiếc xe máy cũ.

Những ngày hè vừa qua, nhờ chiếc xe máy ấy mà ban ngày Nhi nhận mấy suất dạy kèm, xin phục vụ nhà hàng, đám tiệc. Buổi tối, cứ mỗi tuần 2 buổi, em đến dạy kèm miễn phí cho các em nhỏ mồ côi ở Trung tâm bảo trợ Hoa Mai cách nhà chừng 3km.

Giờ đây, Nhi mỗi ngày đều đặn chạy 20km đến trường. Có người bảo cô thuê trọ ở gần trường để việc đi học đỡ vất vả. Nhưng Nhi quyết đi về để ở gần mẹ. Bởi mẹ cô đau ốm triền miên từ sau một vụ tai nạn giao thông. 

Phần vì làm việc quá sức và ăn uống thất thường và kham khổ thời gian dài nên bà mang trong mình nhiều bệnh từ xương khớp, loét dạ dày, sỏi mật. Nhi đi học nhưng luôn thường trực nỗi lo khi có số lạ gọi vào máy báo tin mẹ cô bị ngất dọc đường bán vé số.

Nhi đậu đại học với số điểm 27, ngành sư phạm lịch sử - địa lý. Nhi cho biết chọn ngành này phần vì đỡ nỗi lo học phí, và hơn hết để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo, sẽ giúp các em khó khăn cùng hoàn cảnh như mình.

Cô Lê Đinh Thị Thân, giáo viên chủ nhiệm cấp 3 của Hoài Nhi, cho biết Nhi là một học sinh chăm chỉ học tập và học giỏi đều các môn, tham gia tích cực các phong trào thể dục thể thao và Đoàn trường.

"Mặc dù gia cảnh hết sức khó khăn, nhưng em luôn là học sinh nghị lực, có ý chí vươn lên. Ở lớp, Nhi là một học sinh đầy năng lượng, nhiệt tình, luôn giúp đỡ bạn bè. Tôi thật sự ấn tượng với Hoài Nhi. Em là người có năng lực, trách nhiệm và có tinh thần cầu tiến" - cô Thân cho hay.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

SASCO ủng hộ 150 triệu đồng Tiếp sức đến trườngSASCO ủng hộ 150 triệu đồng Tiếp sức đến trường

Sáng 26-9, Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO) trao 150 triệu đồng ủng hộ chương trình Tiếp sức đến trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp