20/06/2011 07:30 GMT+7

Nhếch nhác chợ tự phát

BẢO ÂN
BẢO ÂN

TT - Người bán luôn sẵn sàng ôm hàng bỏ chạy khi cơ quan chức năng xuất hiện, nhưng chạy xong thì... quay về bán tiếp.

IYAWIVMu.jpgPhóng to
Chợ tự phát tràn ra đường trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: B.Ân

Nhiều bạn đọc cho rằng chợ tự phát đã trở thành căn bệnh kinh niên của TP.HCM nhiều năm qua, trong khi các địa phương vẫn dừng lại với biện pháp “truyền thống” là đẩy đuổi. Nhiều đoạn đường trong khu vực dân cư đông đúc hay trước các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) là địa điểm lý tưởng để chợ tự phát mọc lên.

Tự biến lòng đường, lề đường thành chợ...

Cứ mỗi chiều, vào giờ tan ca là đoạn quốc lộ 1A trước cổng KCX Linh Trung (Q.Thủ Đức) lại trở thành nơi bán thực phẩm cho công nhân. Người bán vô tư bày biện hàng hóa dưới lòng đường. Mật độ xe tải, xe container, xe buýt lưu thông qua tuyến đường này rất đông. Thế nhưng bất chấp nguy hiểm, kẻ bán người mua vẫn lấn chiếm nửa lòng đường. Giờ cao điểm, khi cả ngàn công nhân ra về tranh thủ mua đồ ăn thì giao thông tại đây bị ùn tắc. Người dân xung quanh phản ảnh khu vực này thường xuyên xảy ra va quẹt, tai nạn giao thông.

Tương tự, xung quanh KCX Tân Thuận, dọc tuyến đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) có không ít điểm mua bán tự phát. Nhiều người cứ đậu xe dưới lòng đường mua thức ăn. Đoạn đường chạy qua KCN Tân Tạo (H.Bình Chánh và Q.Bình Tân) bị biến thành chợ bán thịt cá, rau quả... gây cản trở giao thông.

Không chỉ gần các KCX, KCN hay các quận vùng ven thì chợ tự phát mới trỗi dậy. Ngay trong nội thành chợ tự phát vẫn “sống khỏe” trên các tuyến đường nằm trong khu dân cư đông đúc. Vì buôn bán lấn chiếm lòng đường nên một số điểm trên tuyến đường Lê Văn Thọ, Lê Đức Thọ, Thống Nhất, Dương Quảng Hàm... (Q.Gò Vấp) thường xuyên bị kẹt xe vào 7-8g và 17-19g.

Tuy được hình thành từ lâu nhưng chợ tạm Trần Nhân Tôn (P.2, Q.10) đang gây phiền toái cho người dân. Do nằm trong đường nội viên của các lô chung cư cũ nên điều kiện mua bán chật chội. Lối đi lại trong chợ hẹp, nước thải từ các quầy hàng thực phẩm tươi sống như tôm cá chảy khắp nơi đen ngòm. Người dân tại các lô chung cư phải sống chung với tình trạng ồn ào, dơ bẩn như thế suốt nhiều năm qua. Ngay trong hẻm 214 Lê Hồng Phong (Q.10) đang tồn tại một điểm buôn bán tự phát. Người bán bày các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thậm chí cả gà, vịt sống và giết mổ tại chỗ. Điều đó khiến con hẻm vốn nhỏ và tối càng trở nên dơ bẩn.

Bên cạnh vấn đề gây cản trở giao thông, chợ tự phát còn là nơi cung cấp thực phẩm không đảm bảo nguồn gốc, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài ra còn gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh. Vì không có ban quản lý và tất cả đều mang tính chất lưu động nên người bán không có ý thức dọn dẹp sau mỗi buổi họp chợ. Cứ bán hết hàng thì mạnh ai nấy về. Kết quả để lại sau mỗi buổi họp chợ tự phát là rác rến và nước thải từ thực phẩm tươi sống chảy tràn lan hôi hám khắp nơi. Người dân xung quanh khổ sở khi sống chung với tình trạng này.

Chợ tự phát vẫn tồn tại, vì sao?

Ông Lê Văn Chiến (trưởng Phòng kinh tế Q.Thủ Đức) nhận định về nguyên nhân khiến chợ tự phát vẫn tồn tại dai dẳng trên địa bàn TP.HCM: “Địa bàn Q.Thủ Đức và một số quận, huyện vùng ngoại thành như Q.7, Q.12, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh... là khu vực tập trung nhiều KCX, KCN, các trường đại học lớn nên thời gian qua số lượng dân nhập cư gia tăng với tốc độ cao.

Điều này khiến hệ thống cung ứng hàng hóa chính thống là chợ, trung tâm thương mại, siêu thị không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm thiết yếu hằng ngày của người dân. Trong khi đó, các KCX, KCN cũng không chú trọng tính toán phương án giải quyết vấn đề ăn ở cho công nhân. Kể cả các dự án khu dân cư, nhà đầu tư chỉ lo xây nhà để bán chứ không quan tâm tới vấn đề người dân sẽ mua sắm ở đâu. Vấn đề ăn uống hằng ngày là thiết yếu, vì thế có cầu ắt có cung. Hiện nay, phần lớn thu nhập của công nhân, người lao động vẫn thấp nên có cảnh báo thực phẩm bày bán tại chợ tự phát không đảm bảo an toàn thì họ vẫn phải mua vì giá rẻ”.

Bí thư - chủ tịch UBND P.2, Q.10 Võ Ngọc Thanh cho rằng các khu vực trong nội thành có hệ thống chợ lớn, siêu thị phân bố tương đối đồng đều. Tuy nhiên, bộ phận người lao động nghèo chưa thể tiếp cận được vì sự chênh lệch giá cả vẫn cao. Đó là lý do mà chợ tạm Trần Nhân Tôn nằm trong đường nội bộ khu chung cư vẫn chưa thể di dời ngay được dù đã có kế hoạch từ năm 2003 do chợ này chủ yếu phục vụ người dân thu nhập thấp xung quanh khu vực P.2, P.3 (Q.10) và các phường lân cận của Q.5. Lộ trình đến năm 2015, các lô chung cư cũ tại đây được giải tỏa sẽ di dời chợ.

Cần giải pháp mạnh tay, đồng bộ

Ông Lê Văn Chiến nêu ra những giải pháp tạm thời và lâu dài để có thể xóa bỏ chợ tự phát. Phường, xã phong tỏa các chợ tự phát đang tồn tại và không cho phát sinh các điểm mới. Không cấp phép kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm tươi sống xung quanh khu vực chợ được công nhận để tránh tình trạng chợ tự phát ăn theo bên ngoài.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị. Đồng thời đưa mô hình cửa hàng văn minh tiện lợi (diện tích 100-200m2) len lỏi vào các khu dân cư bị hạn chế quỹ đất. Các cửa hàng này cung cấp những mặt hàng cơ bản cho bữa ăn hằng ngày.

Sở Công thương TP.HCM cho biết đến cuối năm 2010, toàn TP có khoảng 254 chợ và chủ trương của TP thời gian tới sẽ không phát triển thêm hệ thống chợ mà tập trung xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị. Đồng thời cải tạo, nâng cấp các chợ đang tồn tại để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, phối hợp với nhiều ban ngành mạnh tay dẹp bỏ hoàn toàn chợ tự phát.

BẢO ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp