20/07/2014 04:30 GMT+7

Nhảy múa giữa bầy chim

YẾN TRINH - CAO NGUYÊN
YẾN TRINH - CAO NGUYÊN

TT - “Tháng 12 đến tháng 4 là mùa chim kết bạn sinh sản. Còn lại là mùa nghịch, chim thiên di thì tìm chỗ trú ẩn hoặc quay về chốn cũ”. Tám năm nay người chuyên chụp ảnh chim Tăng A Pẩu đã quen tính thời gian bằng mùa chim như thế.

CukjP459.jpg
Trận thư hùng - một tác phẩm nhiếp ảnh của Tăng A Pẩu chụp sếu đầu đỏ ở Kiên Lương, Kiên Giang

A Pẩu nói cuộc đời mình từ ngày mê ảnh đã chia làm hai: một nửa sống cho đời thường giữa Sài Gòn và một nửa cho rừng thẳm bởi tuần nào ông cũng dành ba ngày vào rừng. Trong các bộ ảnh của ông có cả sếu đầu đỏ - loài chim gần như đã biến mất khỏi Việt Nam. Ông đã chụp gần 500 loài chim trong khoảng 850 loài ở Việt Nam... Cái lạ của người săn ảnh chốn rừng sâu này là ông chẳng bao giờ gửi tác phẩm của mình dự thi, không tham gia hội nhóm nhiếp ảnh nào. Tăng A Pẩu là người đàn ông cô độc luôn nhớ về rừng.

Điểm đặc biệt trong hàng ngàn bức ảnh về các loài chim của Tăng A Pẩu là ảnh tràn khung (không cắt cúp khung hình), mô tả rõ nét từng nhúm lông vệt cánh của chú chim và ánh mắt sinh động của chúng. Vì thế khi xem ảnh, ta tưởng rằng A Pẩu đứng rất gần những chú chim hay bầy chim mà ông đang chụp, nhưng thật ra khoảng cách gần nhất của ông với chúng không dưới 20m vì chim là loài rất thính nhạy và sợ hãi con người. “Tôi yêu thú rừng nhưng rừng giờ thưa vắng thú nên tôi đành tập trung vào các loài chim. Tôi chụp chúng với sự tôn trọng vì chúng là giống loài nhỏ nhoi tồn tại một cách can đảm và mang nhiều xúc cảm như con người” - A Pẩu bộc bạch.

LUAfgo3P.jpg
Tăng A Pẩu đang săn ảnh chim - Ảnh nhân vật cung cấp

Bộ ảnh về sếu đầu đỏ ông chụp ở Kiên Lương (Kiên Giang) trong những chuyến đi từ bảy năm nay là một trong những đóng góp khoa học có ý nghĩa, bởi gần đây loài chim trong sách đỏ này hầu như không còn thấy ở vùng Kiên Lương nữa. Ông cũng có một bộ sưu tập ảnh các loại khướu, từ bình thường đến hiếm quý. Trả giá cho những bộ sưu tập quý báu này là những ngày tháng nằm rừng vất vả của ông. A Pẩu nhớ tên từng loài chim mình chụp, tập tính của chúng, ông biết cách phân biệt các loài với nhau và biết tìm chúng ở vùng rừng nào.

Mỗi khu rừng và những bầy chim có số phận riêng của nó, đó là điều Tăng A Pẩu cảm nhận được khi đi giữa những cánh rừng vắng lặng nên ông cố gắng lột tả một cách tốt nhất các số phận đó trong từng khung ảnh của mình. Càng đi rừng ông càng mê. Mỗi chuyến đi của ông kéo dài ba ngày, đơn độc trên chiếc xe bán tải chở lỉnh kỉnh đồ nghề.

Việc đam mê chụp ảnh các loài chim của ông cũng đến từ cơ duyên hơi lạ lùng. Cách đây 10 năm, khi tuổi đã 50, sau cơn bệnh nặng ông thấy đời mình trống rỗng quá nên đi học một tháng nhiếp ảnh rồi... vào rừng. Từ đó bao nhiêu tiền kiếm được ông dành để đi chụp ảnh. Khác với những nhiếp ảnh gia khác, khi được hỏi có kế hoạch gì với gia tài ảnh của mình chưa, ông đáp: “Không biết nữa, tới đâu hay tới đó nhưng tôi chẳng có tham vọng nổi tiếng hoặc làm giàu từ những tấm hình”.

"Thời gian đẹp nhất ở rừng là từ 5g-8g30. Lúc đó các loài chim mới thức dậy, cất tiếng hót đợi chờ tia nắng đầu tiên. Chúng mải mê rỉa lông cánh ướt và đang đói nên hầu như không chú ý xung quanh. Khi nắng lên, chúng bắt đầu ăn mồi chút ít rồi đồng loạt cất cánh bay. Tôi như quay cuồng giữa cái đẹp, bối rối không biết chụp gì. Lúc đó rừng hiền hòa và cực kỳ xinh đẹp bởi hương hoa, mùi cỏ ướt, lá cây mục và nắng sáng bừng ấm áp. Những ngày có sương mù rừng càng cuốn hút hơn. Có những góc rừng chim vô tình tụ về tạo thành sinh cảnh lạ đẹp mê hồn"

TĂNG A PẨU

YẾN TRINH - CAO NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp