Năm bệnh nhân ngộ độc cá nóc đang được cấp cứu - Ảnh: T. Lũy
Ngày 8-3, thông tin từ khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết nơi này đã tiếp nhận cấp cứu 5 người ngộ độc nặng do ăn cá nóc.
Theo lời người nhà bệnh nhân, trưa 7-3, sau khi đi đồng về, 5 nông dân ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang bắt được con cá nóc nên rủ nhau nấu lẩu cơm mẻ để nhậu.
Sau khi nhậu với món cá nóc khoảng 1 tiếng, cả 5 người bị tê cứng tay chân, hàm đơ cứng, không nói được.
Gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, sau đó được bệnh viện này chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Các bác sĩ cho biết các bệnh nhân tuổi từ 36 - 44 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở, huyết áp khó đo.
Ngay sau đó các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy…
Đến sáng nay, hai bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc được nhưng 3 người còn lại vẫn hôn mê, đang thở máy.
Ba người vẫn đang hôn mê phải thở máy - Ảnh: T. Lũy
Theo bác sĩ Hà Tấn Đức - phó trưởng Khoa hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa Khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết trước đó bệnh viện cũng từng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do ăn cá nóc.
Trong ruột, gan, trứng và tinh hoàn của cá nóc có chứa nhiều độc tố, vì vậy mọi người lưu ý tuyệt đối không nên chế biến thịt cá nóc làm món ăn. Dù làm sạch nhưng có thể độc tố vẫn còn và gây ngộ độc nặng.
Triệu chứng ngộ độc gồm: hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cảm giác tê ở vùng lưỡi…Ngay khi phát hiện, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Theo y văn ghi, chất độc của cá nóc là tetrodotoxin (TTX) C11H17O8N3 là một loại độc tố thần kinh cực độc, không thể làm mất chất độc trong cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thuờng. Vì vậy tuyệt đối không nên chế biến và ăn cá nóc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận