04/05/2015 17:48 GMT+7

Nhậu cho nhiều, đánh nhau rồi nhập viện!

Xuân Huy
Xuân Huy

TTO - Chuyện số ca nhập viện do tai nạn giao thông và chấn thương do đánh nhau, đâm chém gia tăng trong sáu ngày nghỉ lễ (từ ngày 28-4 đến 3-5) âu cũng do bia rượu mà ra.

Nhậu quá đà dẫn tới mất làm chủ bản thân là nguyên nhân khiến tình trạng nhiều người nhập viện cấp cứu - ảnh tư liệu

Nguyên nhân dẫn đến chuyện đánh nhau, tai nạn giao thông thì có rất nhiều, nhưng ở đây chỉ xin nói về nguyên nhân mà xét ra dễ dẫn đến nhiều kết quả xấu khác: nguyên nhân từ việc uống bia rượu.

Những ngày lễ, tết là dịp để mọi người quây quần bên nhau, hàng xóm, bà con họ hàng có dịp sang thăm nhà nhau hỏi han tình hình công việc, sức khỏe rồi sau đó mở tiệc say sưa chè chén. Đây là điều rất phổ biến trong cuộc sống thường nhật của người dân nước ta.

Lúc nhập tiệc thì cũng có nhiều cấp độ. Tùy theo tửu lượng của người trong cuộc, vui thì vài ly, vài cốc. Hứng lên nữa thì “tới bến” luôn. Khi đã đến ngưỡng thì “rượu nhập tâm như hổ nhập lâm”. 

Trong cơn men có khi ăn nói hơi tùy tiện và sẽ có người khác phản bác lại, rồi dẫn đến “huyết chiến” ngay bàn nhậu.

Nghĩ cũng buồn vì những người gây gổ nhau có khi là bạn bè vô cùng thân thiết, chiến hữu tâm đầu ý hợp nhưng chỉ sau một đêm nhậu có khi mặt lạnh với nhau chỉ vì vài xích mích trên bàn nhậu.

Chúng ta chưa có sự kiềm chế tối thiểu đối với bản thân. Đây là mấu chốt của vấn đề.

Không thể nói rằng cậy được nghỉ nhiều ngày lễ mà cứ tranh thủ bày ra nhậu nhẹt tưng bừng như vậy.

Nếu phải nhập cuộc thì cũng cần biết tiết chế, chẳng những tiết chế trong tửu lượng mà cần phải luyện cái đầu lạnh khi nhỡ xảy ra chuyện. 

Đừng vì sĩ diện hão trong cơn say rượu bia mà buông lời không hay với bạn nhậu. Lỡ bản thân bị bạn nhậu nói xoáy cũng nên lựa lời hóa giải. 

Đằng này toàn cứ thấy có bia rượu vào là quá trớn, là hành động toàn theo bản năng.

Khi bị khích bác nhau thì lớn tiếng chửi nhau, tệ hơn là nổi máu nóng rồi lao vào hỗn chiến bằng tất cả thứ gì vớ được.

Lúc được can ra thì ai cũng sứt đầu mẻ trán, có khi bê bết máu phải đưa đi cấp cứu.

Việc “thi đua” nhau về tửu lượng hoặc vì vui quá mà uống rất nhiệt tình có thể khiến người uống trở nên “mất đường bay”. 

Say đến độ không thể kiểm soát bản thân thử hỏi làm sao điều khiển được xe cộ. Nguy cơ xảy ra tai nạn dẫn đến thương vong là rất cao. Và bệnh viện cũng là đích đến.

Đối với những ai có tiền sử bệnh lý, việc uống quá say có thể gây ra các biến chứng về tim mạch nhiều khả năng cũng phải nhập viện. 

Vậy nên có thể thấy rằng uống bia rượu không kiềm chế là nguyên nhân của rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu đến gia đình, xã hội, tạo ra những gánh nặng không đáng có.

Được nghỉ phép trong những ngày lễ lớn của đất nước, mọi người có thể tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Nhưng song song đó cũng nên biết đi đến nơi về đến chốn. 

Trong các hoạt động có thể không tránh khỏi bia rượu nhưng cần quan niệm rằng đối với bia rượu thì nên uống cho vui chứ không nên uống cho quá say.

Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Xuân Huy. Bạn có đồng tình với lập luận này? Theo bạn, còn nguyên nhân nào dẫn đến sự việc cứ hễ nghỉ lễ, tết là nhiều người nhập viện? Bản thân bạn làm gì để không rơi vào hoàn cảnh này? 

Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết.

 

Xuân Huy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp