18/07/2015 07:38 GMT+7

Nhật tuyên bố tuần tra ở Biển Đông

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - 70 năm sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đang tiến gần hơn đến việc cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài sau khi Hạ viện thông qua hai dự luật quan trọng nhằm sửa đổi luật an ninh quốc gia.

Người dân Nhật biểu tình chống dự luật cho phép quân đội mở rộng phạm vi hoạt động trước tòa nhà quốc hội ở Tokyo, ngày 16-7 - Ảnh: Reuters
Người dân Nhật biểu tình chống dự luật cho phép quân đội mở rộng phạm vi hoạt động trước tòa nhà quốc hội ở Tokyo, ngày 16-7 - Ảnh: Reuters

Nhật đã tỏ rõ ý muốn trở thành một thành phần không thể thiếu của an ninh khu vực.

Hôm qua, đô đốc Katsutoshi Kawano, tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đang có mặt tại Washington, đã lên tiếng bác bỏ ngay lập tức các chỉ trích của Bắc Kinh liên quan việc Hạ viện Nhật bỏ phiếu thông qua dự luật về an ninh. Theo ông Kawano, các dự luật an ninh “không nhằm giải phóng Nhật Bản về mặt quân sự mà củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật”.

Thể hiện bằng hành động

Tổng tham mưu trưởng Kawano cũng tuyên bố Tokyo có thể tham gia tuần tra trên Biển Đông trong thời gian tới. Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, ông Kawano đã có các cuộc “nói chuyện” về việc Nhật Bản tiến hành tuần tra ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động chống tàu ngầm. “Chúng tôi coi đây như một vấn đề tiềm năng trong tương lai” - Reuters dẫn lời ông Kawano.

Theo vị chỉ huy quân sự của Nhật Bản, Biển Đông là một tuyến hàng hải quan trọng đối với Tokyo và động thái cải tạo đảo để giành chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực này là “mối lo ngại lớn”.

Đáng lo ngại hơn, ông Kawano cho rằng tham vọng của Trung Quốc chưa dừng lại tại đó. “Nhận định của tôi cho thấy xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai và Trung Quốc sẽ đi xa hơn chuỗi các đảo ở Thái Bình Dương. Tôi tin rằng tình hình sẽ còn tệ hơn” - ông lý giải.

Theo ông Kawano, số máy bay Nhật tham gia phản ứng các vụ xâm nhập lãnh thổ trong năm ngoái tương đương thời chiến tranh lạnh vì một trong các lý do chính là các hoạt động của Trung Quốc.

Hạ viện đồng ý

Bất chấp sự phản đối mạnh của các đảng đối lập cũng như dư luận, Đảng Dân chủ tự do và Đảng liên minh Công minh mới đã thúc đẩy thông qua hai dự luật an ninh tại Hạ viện, nơi liên minh cầm quyền chiếm thế đa số 2/3.

Các dự luật dự kiến cũng sẽ được Thượng viện thông qua để chính thức có hiệu lực từ ngày 27-9, thời điểm kết thúc kỳ họp Quốc hội được kéo dài. Nhưng dù Thượng viện không thể bỏ phiếu trong 60 ngày, thì liên minh của ông Abe ở Hạ viện vẫn có thể kích hoạt các đạo luật này.

“Tình hình an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng khắc nghiệt. Các dự luật là cần thiết nhằm bảo vệ mạng sống người dân Nhật Bản cũng như ngăn chặn chiến tranh” - Thủ tướng Shinzo Abe giải thích sau khi bước ra khỏi cuộc bỏ phiếu trong tiếng phản đối của hàng ngàn người xung quanh tòa nhà quốc hội. Tỉ lệ ủng hộ ông đã tuột xuống dưới 40% do vấn đề này.

Theo các dự luật mới, Nhật Bản có thể triển khai quân ở nước ngoài trong trường hợp Nhật Bản hoặc các đồng minh bị tấn công, để bảo vệ mạng sống công dân Nhật Bản.

Các chính trị gia đối lập cho rằng động thái này có thể đẩy Nhật vào cuộc chiến của các đồng minh và đe dọa mạng sống các binh lính và công dân Nhật. Họ cũng nhắc lại sự việc các nhà báo nước này bị chặt đầu vì Tokyo cam kết giúp đỡ khối liên minh chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

“Như đã nói từ trước, Mỹ hoan nghênh các nỗ lực của Nhật Bản nhằm củng cố quan hệ đồng minh và đóng một vai trò chủ động hơn trong các hoạt động an ninh khu vực và quốc tế” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, bước thách thức thật sự là việc đào tạo, phát triển chuyên môn và khả năng của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản - vốn đã quen với các nhiệm vụ phi chiến đấu trong một thời gian dài - nay có thể tham gia các sứ mệnh nguy hiểm “đóng góp cho hòa bình”.

Trung Quốc, Hàn Quốc cảnh báo

Ngay sau khi Hạ viện Nhật thông qua dự luật an ninh, hai quốc gia láng giềng ở Bắc Á đã lên tiếng cảnh báo.

Hôm qua, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho rằng động thái của Nhật Bản sẽ làm “phức tạp sự ảnh hưởng lên ổn định và an ninh khu vực”, theo Tân Hoa xã.

Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Quốc trước đó cho biết đây là một động thái “chưa từng có” của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ hai và đặt ra câu hỏi liệu Tokyo có từ bỏ chính sách chủ trương phòng vệ hay không.

“Chúng tôi hối thúc phía Nhật Bản kiềm chế việc gây nguy hiểm đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc hay làm méo mó hòa bình và ổn định khu vực” - bà Hoa nói.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng lên tiếng kêu gọi Nhật Bản cần minh bạch trong việc thúc đẩy chính sách quốc phòng mới và khẳng định rằng Hàn Quốc sẽ không chấp nhận các hoạt động quân sự của Nhật Bản mà không được Hàn Quốc đồng ý nếu điều đó ảnh hưởng đến an ninh trên bán đảo Triều Tiên hay làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Hàn Quốc, theo Korea Herald.

Còn tờ Nodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên chỉ trích Tokyo tham vọng tái xâm chiếm các nước và điều này “sẽ mang lại thảm họa cho người dân của họ”.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp