24/10/2018 11:08 GMT+7

Nhật - Trung xích lại gần nhau

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Các chính sách bảo hộ thương mại cùng tư tưởng nước Mỹ trên hết của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang giúp những nước đã từng hục hặc như Nhật Bản và Trung Quốc “tạm gác quá khứ, hướng tới tương lai”.

Nhật - Trung xích lại gần nhau - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc gặp bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông tháng 9-2018 ở Nga - Ảnh: AFP

Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày mai (25-10), chuyến thăm chính thức đầu tiên của một thủ tướng Nhật tới Bắc Kinh trong 7 năm qua, mang theo nhiều thông điệp quan trọng.

Chúng tôi muốn tận dụng cơ hội này để tạo động lực cho cả hai nước cùng vạch ra và thúc đẩy liên lạc, hợp tác chung trong nhiều lĩnh vực, nâng quan hệ Nhật - Trung lên tầm cao mới.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga

Chất xúc tác Donald Trump

Nhật Bản và Trung Quốc từ lâu đã là các đối thủ cạnh tranh nhau không chỉ tại khu vực Đông Á mà còn trong các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu. Mối quan hệ giữa hai nước vẫn bị ám ảnh bởi các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.

Mọi thứ có thể sẽ được tạm gác sang một bên trong bối cảnh hiện tại, khi cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đều cảm thấy họ cần sự hỗ trợ từ phía còn lại trong sự bất an trước các chính sách đối ngoại của Mỹ.

Kể từ năm ngoái, hai người khổng lồ của châu Á đã bắt đầu các nỗ lực ngoại giao nhằm làm nồng ấm mối quan hệ vốn đã bị đóng băng sau năm 2012 vì tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Bắc Kinh hi vọng những cuộc tiếp xúc với Tokyo có thể khiến Nhật Bản suy nghĩ lại nếu có ý định đứng cùng Mỹ cô lập Trung Quốc cũng như tìm đường đi mới, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động. 

Trong khi đó, những lo ngại về sự suy giảm vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á đã thúc đẩy Nhật Bản điều chỉnh lại cách tiếp cận với các nước khu vực, trong đó có Trung Quốc. Việc đề ra 

"Chiến lược khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do" một phần nào đó cho thấy tham vọng của Nhật Bản trong việc thay thế hoặc khỏa lấp khoảng trống vai trò của Mỹ tại khu vực.

"Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày một leo thang, tăng cường quan hệ kinh tế với Nhật Bản đang trở thành ưu tiên cấp thiết với Trung Quốc" - giáo sư Noriyuki Kawamura, chuyên nghiên cứu về quan hệ Nhật - Trung tại Đại học Quan hệ quốc tế Nagoya, nhận xét với báo Japan Times.

Ở chiều ngược lại, kinh nghiệm của Nhật Bản trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ những năm 1980, dù thất bại, đang được mổ xẻ bởi truyền thông Trung Quốc như một bài học sắp tới cho Bắc Kinh.

Bắt tay tại "các quốc gia thứ ba"

Chuyến thăm chính thức 3 ngày của Thủ tướng Abe sẽ được tô đậm bởi một diễn đàn kinh doanh có sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp và quan chức hai nước. Đó là trên bình diện công khai, còn theo giới chuyên gia, hai nhà lãnh đạo sẽ không thể bỏ qua vấn đề nhạy cảm nhất là tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. 

Tuy nhiên, cả ông Abe lẫn ông Tập đều hiểu đây không phải là lúc nên đẩy mạnh chuyện này, nhất là trong giai đoạn kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị song phương.

Cốt lõi của các cuộc gặp sẽ là việc thảo luận về khả năng hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong các dự án cơ sở hạ tầng tại "các quốc gia thứ ba", chẳng hạn như dự án đường sắt cao tốc ở Thái Lan. 

Việc sử dụng cụm từ này xuất phát từ thực tế Tokyo không muốn bị xem là một phần trong chiến lược "Vành đai, con đường" của Bắc Kinh hay gián tiếp quảng bá nó giúp Trung Quốc, theo các chuyên gia. Tuy nhiên, Nhật Bản dù không lên tiếng ủng hộ, cũng chưa bao giờ chỉ trích mạnh mẽ sáng kiến của Bắc Kinh.

Điều này sẽ tạo ra bầu không khí dễ chịu đôi chút khi ông Abe tới Trung Quốc và thảo luận về các dự án chung tại các quốc gia nằm trong "Vành đai, con đường". 

Sự chủ động của Nhật Bản có thể gây khó chịu cho Mỹ nhưng lại là bước đi phù hợp đáp ứng nhu cầu và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật, vốn đã từ lâu xem sáng kiến của Bắc Kinh là một cơ hội làm ăn sinh lời quý giá.

Chính phủ của Thủ tướng Abe liên tục khẳng định rằng chất lượng chứ không phải số lượng đầu tư - cùng với cam kết về một môi trường bền vững và không tạo ra gánh nặng nợ nần mất kiểm soát của các quốc gia mục tiêu - mới là mối quan tâm hàng đầu của Tokyo. 

Sự nhấn mạnh đó rõ ràng là nhằm điều chỉnh cách tiếp cận của Trung Quốc trong sáng kiến "Vành đai - con đường", vốn đang bị chỉ trích vì dễ tạo thành bẫy nợ ngoại giao cho các quốc gia mục tiêu.

Báo Japan Times ngày 20-10 dẫn một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Genron NPO của Nhật Bản và Tập đoàn xuất bản quốc tế Trung Quốc tiến hành cho thấy 42,2% người Trung Quốc được hỏi đã trả lời “có cảm tình” với Nhật Bản, mức cao nhất kể từ năm 2005 khi cuộc khảo sát lần đầu tiên được thực hiện. 74% người Trung Quốc cho rằng mối quan hệ Nhật - Trung là “quan trọng”, tăng từ mức 68,7% của năm ngoái.
Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác không quân với ASEAN

TTO - Nhật Bản thông báo sẽ mời sĩ quan không quân của các quốc gia thành viên ASEAN tham gia quan sát hoạt động huấn luyện của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) của Nhật.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp