Chiến đấu cơ F-35 lắp ráp tại Nhật Bản được Mitsubishi Heavy Industries giới thiệu hồi đầu tháng 6-2017 - Ảnh: Reuters |
Tờ Yomiuri Shimbun ngày 27-6 dẫn các nguồn tin cho biết chính phủ dự kiến đưa kế hoạch trên vào ngân sách quốc phòng 2018.
“Mục đích chính là nhằm chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp trên các đảo xa của Nhật Bản dù một số chuyên gia tin rằng chính phủ cũng muốn có khả năng tấn công các mục tiêu như căn cứ của đối thủ nhằm bảo vệ đất nước” - tờ báo của Nhật nhận định.
Tờ South China Morning Post trong khi đó đưa tin loại tên lửa Tokyo sẽ trang cấp là loại tấn công liên hợp tối tân do nhà thầu quốc phòng Kongsberg Defence Systems của Na Uy phát triển.
“Nhật Bản chưa từng có thứ gì như vậy” - tờ báo của Hong Kong dẫn lời nhà phân tích Lance Gatling của Nexial Research nhận định.
Với tầm tấn công hiệu quả khoảng 300 km, loại tên lửa này không chỉ bổ sung khả năng không đối đất cho Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) mà còn có thể sử dụng chống tàu chiến.
Trong khi đó các máy bay tàng hình F-35 sẽ cho phép phi công tiến gần hơn đến mục tiêu cần tấn công.
Theo truyền thông Nhật, ASDF sẽ thay chiến đấu cơ F-35 đời mới cho loại F-4 đang được sử dụng và dự kiến triển khai 42 chiếc F-35 cho căn cứ không quân Misawa ở tình Aomori từ tài khoá năm sau.
Hiến pháp Nhật Bản không cấm lực lượng phòng vệ nước này tấn công tiêu diệt các mục tiêu quân sự nước ngoài nhưng chỉ là trên lý thuyết với các chính sách của Tokyo trước nay chỉ chủ trương phòng vệ.
Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua được cho là nguyên nhân khiến Tokyo mạnh dạn củng cố năng lực quốc phòng.
Trước đó, bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã tập trung củng cố hệ thống phòng thủ để bảo vệ các hòn đảo xa.
Ngoài việc triển khai máy bay vận tải Osprey cho lực lượng phòng vệ mặt đất, bộ này cũng có kế hoạch thành lập một lực lượng đổ bộ nhanh, tương tự như lính thủy đánh bộ của các nước khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận