Binh sĩ thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản trong một cuộc tập trận đổ bộ năm 2018 - Ảnh: AFP
Theo Hãng thông tấn AFP, đây là đợt tập trận quy mô lớn đầu tiên trên lãnh thổ Nhật Bản có sự tham gia của bộ binh đến từ 3 nước Nhật Bản, Mỹ và Pháp.
Cuộc tập trận sẽ được tổ chức tại khu huấn luyện Kirishima của JGSDF và Ainoura nằm trên đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản. Một trong các khoa mục diễn tập là đổ bộ sử dụng phương tiện lưỡng cư (hoạt động được cả trên bờ lẫn dưới biển).
Thông tin tập trận được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đưa ra, trong một cuộc họp báo ngày 23-4.
"Bằng cách tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Pháp, chúng tôi muốn cải thiện hơn nữa chiến thuật và kỹ năng của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong việc bảo vệ các vùng lãnh thổ hải đảo xa xôi", ông Kishi khẳng định.
Mặc dù chỉ nói chung chung, giới quan sát nhận định ông Kishi đang ám chỉ việc bảo vệ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Hồi đầu tháng này, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đã báo động khi nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc băng qua eo biển Miyako nằm giữa các hòn đảo do Nhật kiểm soát. Trong một cuộc họp báo sau đó, ông Kishi khẳng định Tokyo luôn theo dõi sát các động tĩnh của quân đội Trung Quốc trong khu vực.
Việc Pháp tham gia tập trận đánh dấu sự can dự ngày càng sâu của Paris vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính quyền Pháp đã khẳng định họ có quyền hiện diện tại khu vực vì có lãnh thổ ở cả Ấn Độ Dương lẫn Thái Bình Dương.
"Pháp chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", Bộ trưởng Kishi nhấn mạnh ngày 23-4.
Một tàu ngầm hạt nhân của Pháp đã bí mật tuần tra Biển Đông vào tháng 2 năm nay, một động thái nhận được sự hoan nghênh của những nhà quan sát quân sự. Hơn một tháng sau đó, ngày 5-4, Pháp tổ chức tập trận với 4 nước Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản trên Ấn Độ Dương.
Mới đây nhất, trong 3 ngày từ 16 đến 19-4, 4 tàu chiến của Pháp và Úc - trong đó có tàu đổ bộ trực thăng Tonnerre - đã phối hợp tuần tra trên Biển Đông. Theo trang Naval News, trong thời gian tuần tra, trực thăng trên tàu chiến của Úc đã cất cánh và đáp xuống tàu Tonnerre của Pháp, thể hiện mức độ hợp tác cao giữa hai lực lượng hải quân.
Theo giới quan sát, việc các nước liên tục "ngoại giao pháo hạm" là một nỗ lực gởi thông điệp tới Trung Quốc. Sự phát triển mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là hải quân, đã khiến nhiều nước lo lắng trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục thúc đẩy các yêu sách hàng hải vô lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận