"Sau khi phân tích sâu hơn về các vật thể bay hình dạng khinh khí cầu được phát hiện trong không phận Nhật Bản trước đây, bao gồm tháng 11-2019, tháng 6-2020 và tháng 9-2021, chúng tôi kết luận rằng chúng rất có thể là khinh khí cầu do thám không người lái do Trung Quốc điều khiển", Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông tin vào cuối ngày 14-2.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã "yêu cầu Chính phủ Trung Quốc xác nhận sự thật" và để "tình huống tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai".
"Việc vi phạm không phận bằng khinh khí cầu do thám không người lái của nước ngoài và các phương tiện khác là hoàn toàn không thể chấp nhận được", Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định.
Hiện Trung Quốc chưa lên tiếng về cáo buộc trên của Nhật Bản.
Ngày 15-2, truyền thông Nhật Bản cho biết các quan chức chính phủ nước này đang cân nhắc nới lỏng các quy định về bắn hạ vật thể bay xâm phạm không phận.
Theo Hãng tin Kyodo, hiện tại Chính phủ Nhật chỉ có thể sử dụng vũ khí trong trường hợp nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu.
"Tôi nghĩ vụ việc làm dấy lên lo ngại rằng có lỗ hổng lớn trong phòng thủ của Nhật Bản", ông Itsunori Onodera, cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, nói trong cuộc họp sáng 15-2.
Tuần trước Nhật Bản thông báo họ đang phân tích lại một loạt vụ việc liên quan đến vật thể bay không xác định, sau vụ khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc bị bắn hạ vì bay qua lãnh thổ Mỹ.
Trong tháng 2-2023, chỉ trong thời gian ngắn, có 4 vật thể đã bị bắn hạ ở khu vực Bắc Mỹ, gồm: khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi ngoài khơi bang South Carolina của Mỹ (ngày 4-2), vật thể thứ hai bị bắn rơi ngoài khơi bang Alaska của Mỹ (10-2), vật thể thứ ba bị bắn hạ trên bầu trời vùng Yukon của Canada (11-2), vật thể thứ tư bị bắn rơi trên bầu trời hồ Huron ở bang Michigan của Mỹ (12-2).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận