Ông Lê Văn Dư kiểm tra gà giống trước khi xuất bán - Ảnh: NGUYỄN HUÂN
Ông chỉ nuôi gà mà được tôn vinh nhà khoa học của nhà nông, được phong tặng Anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ...
"Tui thích cái tên Dư "gà" vì nó... đúng. Cuộc đời tui gắn bó với con gà, không có gà thì không ra Dư "gà" như bây giờ" - ông Dư xởi lởi nói khi gặp chúng tôi ngay sau hôm ông trở về từ Hà Nội cùng giải thưởng Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
Thật khó để có thể nghĩ ra một người mới chỉ học hết lớp 9 đã phải nghỉ học vì nhà quá nghèo nhưng giờ là chủ doanh nghiệp gà ta lớn nhất Việt Nam mà vô số bằng khen danh hiệu cao quý từ cấp tỉnh đến trung ương như một sự ghi nhận sống động.
"Cha đẻ" các giống gà nổi tiếng
Ông Dư tâm tình cha mẹ ông là nông dân ở xã Phước Nghĩa, đông con mà tài sản chỉ có mấy sào ruộng nên luôn chật vật. Tiền bạc "thút mút" (thiếu thốn) nên các anh chị của ông Dư đều được cha mẹ cho đi học "có mức độ", sau đó phải nghỉ học để làm việc giúp đỡ gia đình.
"Tui không nhớ chính xác mình bắt đầu mê con gà từ khi nào, có lẽ là từ khi mới biết ném nắm thóc cho lũ gà trong sân. Học hết cấp II tức là "có mức độ", khi bạn học đồng trang lứa vào trung học thì tui cũng xác định dồn hết tâm, trí, lực của mình vào con gà để khởi nghiệp" - ông Dư kể.
Ông Dư nói hồi ấy giống gà ta của mình nhỏ con, nuôi lâu lớn, nguồn giống khan hiếm, lai tạp quá nhiều và sức đề kháng kém nên khi có dịch bệnh lăn đùng ra chết hàng loạt, hiệu quả chăn nuôi thấp. Rồi nông dân quay lưng với gà ta, chuyển sang nuôi các loại gà công nghiệp quy mô lớn dù loại này thịt không ngon.
Làm sao để có giống gà ta thịt ngon, nuôi ngắn ngày, cân nặng hơn, sức đề kháng tốt để cạnh tranh với gà công nghiệp? Đó là câu hỏi ám ảnh tôi suốt quãng đời tuổi trẻ, kể cả những lúc ngả lưng nằm nghỉ" - ông Dư chia sẻ.
Những ngày đầu khởi nghiệp, ông Dư dành dụm tiền bạc đi nhiều tỉnh thành để thu thập hàng ngàn con gà ta có ngoại hình đẹp, được cho là có thịt thơm ngon mang đặc trưng của từng vùng miền mang về nuôi dưỡng, chọn lọc, lưu giữ nguồn gene.
"Nghe chỗ nào có giống gà ta tốt là mình lân la tìm đến mua và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc. Nhiều lúc sạch túi vì mua gà về nhân giống. Cái tên Dư "gà" có từ thời ấy, từ mấy chục năm trước" - ông Dư nhớ lại.
Táo bạo và quyết tâm hơn là ông Dư cũng đã đi khắp các trại gà giống trong nước nghiên cứu tìm hiểu, thậm chí đi một số nước có ngành chăn nuôi gà tiên tiến học hỏi kinh nghiệm cách làm gà giống.
Sau hơn 20 năm thu thập, nghiên cứu và chọn tạo, ông Dư đã thành công khi 3 tổ hợp các giống gà nội MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3.BĐ được bà con chăn nuôi cả nước ủng hộ cao và được nuôi phổ biến nhất ở nước ta hiện nay.
"Gà ta bình thường nuôi 6 tháng mới xuất chuồng, còn các giống gà của Công ty Minh Dư thì chỉ nuôi 3 tháng, phát triển đồng đều, thịt săn chắc, thơm ngon, chống chọi dịch bệnh tốt" - ông Dư tự hào giới thiệu về các giống gà nổi tiếng đã khiến ông thành danh. 3 giống gà MD1.BĐ, MD2.BĐ, MD3.BĐ đã được Bộ NN&PTNT công nhận "Tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới" từ năm 2017.
Khao khát vươn tầm
Từ là chủ một trang trại chăn nuôi gà hộ gia đình ban đầu, giờ ông Dư là tổng giám đốc Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư bề thế, nổi tiếng cả nước. Hiện công ty của ông là doanh nghiệp cung ứng giống gà ta lớn nhất Việt Nam với thị phần chiếm gần 30%.
Tổng đàn gà giống gần 1,3 triệu con của 3 phẩm cấp giống: cụ kỵ, ông bà và bố mẹ, năng lực sản xuất gần 150 triệu con giống mỗi năm.
"Giờ bận nhiều việc nhưng mình vẫn dành 50% quỹ thời gian cho việc nghiên cứu công tác làm gà giống. Làm nghề gì cũng vậy, phải liên tục tiến về phía trước chứ nếu dừng lại, "ngủ quên trên chiến thắng", tự bằng lòng với mình thì coi như tụt hậu, bị xã hội bỏ lại" - ông Dư tâm sự.
Song song với việc tiếp tục nâng cao chất lượng 3 giống gà MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3.BĐ, ông Dư nghiên cứu thêm các giống khác để tăng thêm lợi nhuận cho bà con chăn nuôi.
Ông Dư cho hay vừa đưa ra thị trường các giống gà đặc sản cho các vùng miền như gà mía cho các tỉnh thành phía Bắc, gà nòi Bến Tre cho các tỉnh thành Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ...
Ông Dư tâm sự rằng mình là nông dân, nhà nghèo nên thấu hiểu hết nỗi khó khăn, cơ cực của người nông dân ở quê. Niềm đam mê duy nhất là con gà nên ông cố gắng suy nghĩ, tìm hiểu, chọn tạo ra các giống gà có chất lượng, trước tiên để thỏa lòng đam mê, sau đó là giúp người nuôi đạt hiệu quả cao nhất trong chăn nuôi.
"Nuôi loại gà có chi phí thấp, lợi nhuận cao, đời sống của bà con sẽ được cải thiện. Người chăn nuôi là điểm đến cho mọi nỗ lực của tôi trong nghiên cứu con gà để đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng, uy tín chớ không vì muốn đoạt giải thưởng này, danh hiệu kia.
Nhưng được khen thưởng thì mình cũng rất vui, là chất xúc tác quan trọng để mình tiếp tục phấn đấu thêm" - ông Dư thật thà nói.
Nói vậy nhưng với một người nông dân nuôi gà mà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 2020, được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2021, giải Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu toàn quốc năm 2022 và hàng chục huân chương, huy chương, bằng khen, giấy chứng nhận cao quý khác... thì chắc không cần phải bàn về sự về sự bền bỉ và những thành quả lao động của ông Dư "gà" nữa.
Gà giống Minh Dư không chỉ cung ứng cho người chăn nuôi Việt Nam mà nhiều năm qua đã xuất khẩu ra thị trường Lào và Campuchia.
Ông Dư cho hay ông cũng đã làm việc với một số đối tác khác ở châu Á, châu Âu và có kế hoạch xuất khẩu gà giống Minh Dư sang các quốc gia này trong thời gian gần tới đây.
Một tấm gương nông dân xuất sắc
Ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - trao chứng nhận Trí thức khoa học công nghệ Bình Định 2022 cho ông Lê Văn Dư - Ảnh: DUY THANH
Ông Hồ Quốc Dũng, bí thư Tỉnh ủy Bình Định, kể cuối tuần trước ông đưa Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, tiếp đó ngày 26-7 thì đưa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đến tham quan công nghệ sản xuất gà giống Minh Dư. Cả hai bộ trưởng đều có lời khen ngợi đối với ông Lê Văn Dư, một nông dân chân đất nhưng say mê nghiên cứu khoa học và đã thành công như hôm nay.
Ông là người duy nhất ở Bình Định vừa là Anh hùng lao động vừa được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Thành công của ông Dư cho thấy nếu sáng tạo, say mê, tâm huyết thì người nông dân có thể làm được bất kỳ điều gì. Bình Định tự hào về tấm gương nông dân xuất sắc Lê Văn Dư.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thì chia sẻ với dòng gà nội, cơ sở sản xuất gà giống Minh Dư hiện nay được đánh giá là lớn nhất Việt Nam. Gà giống Minh Dư có độ đồng đều rất cao, sạch bệnh, năng suất ổn định khi gà bố mẹ thì được nuôi theo phương thức an toàn sinh học đẳng cấp châu Âu.
"Cả nước hiện nay chỉ có Công ty Minh Dư có đàn giống chất lượng tốt như thế, có tên tuổi ngang ngửa với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Chúng ta cần có những doanh nghiệp nội địa mạnh như thế để có thể cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới" - ông Tiến nói.
Cải tiến để bán giống gà thị trường cần
Nhiều người thắc mắc vì sao có đến 3 giống gà Minh Dư? Ông Dư giải thích từ việc chọn tạo rất nhiều giống, cuối cùng ông đưa ra thị trường giống gà MD1.BĐ đầu tiên. "Trong công tác giống, tôi luôn tìm hiểu thị trường.
Từ nhu cầu của thị trường tôi lại tiếp tục thay đổi, cải tiến thêm để tạo nên giống gà ưu việt hơn theo thị hiếu. Ví dụ có vùng người ta ưa con gà cân nặng vừa vừa nhưng có vùng lại thích gà cân nặng hơn. Mình làm giống thì phải đáp ứng nhu cầu thị trường" - ông Dư bộc bạch.
Nếu những cơ sở sản xuất gà giống khác chỉ chọn giống gà bố mẹ tốt để làm giống và cho sinh sản, cung ứng gà giống 1 ngày tuổi ra thị trường, thì cách làm của ông Dư rất khác biệt.
Đó là hình thành hệ thống sản xuất giống hình tháp: cao nhất là giống cụ kỵ, tiếp đó đến giống ông bà, rồi giống bố mẹ, cuối cùng mới ra gà giống thương phẩm cung ứng ra thị trường. Chính vì vậy mà giống gà Minh Dư luôn giữ được chất lượng tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận