Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto chào nhau trong cuộc gặp “2 + 2” ở Tokyo, Nhật ngày 30-3 - Ảnh: Reuters
Tôi cho rằng Trung Quốc cố gắng chứng minh đá Ba Đầu thuộc về Trung Quốc. Trước tiên, họ sẽ cố gắng kiểm soát nó trên thực tế, rồi tương lai chuyển nó thành sở hữu theo luật với sự công nhận của quốc tế.
GS SETA MAKOTO
Hôm 30-3, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Indonesia đã có cuộc họp "2 + 2", với nội dung được xem như tín hiệu thể hiện sự phản đối dành cho các hoạt động khiêu khích gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông.
Lời đáp cho "tàu cá" Trung Quốc
Tại cuộc họp trên, Nhật Bản và Indonesia tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng với trọng tâm là các cuộc đàm phán về một thỏa thuận cho phép Tokyo xuất khẩu thiết bị quốc phòng cho Jakarta.
Hiện nay Nhật chỉ bán khí tài quân sự cho 9 nước có thỏa thuận về chuyển giao thiết bị và công nghệ. Số quốc gia có thỏa thuận với Nhật gồm Mỹ và hầu hết là các nước châu Âu. Theo Nikkei Asian Review, ở Đông Nam Á có Philippines và Malaysia cũng có thỏa thuận.
Giới quan sát quốc tế hầu hết nhất trí rằng cuộc họp của các quan chức Nhật Bản và Indonesia mang theo thông điệp gửi tới Trung Quốc, xét tới những hành động gần đây của Bắc Kinh mà đặc biệt là sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu. Trung Quốc nói đây là những tàu cá, trong khi Philippines khẳng định đó là lực lượng tàu dân quân biển.
Hôm 28-3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Prabowo Subianto của Indonesia nhất trí duy trì và thúc đẩy một trật tự hàng hải tự do, rộng mở, cũng như tiết lộ về việc sẽ tập trận chung ở Biển Đông. Báo South China Morning Post khẳng định quan chức Nhật - Indonesia đã thống nhất tập trận chung như một lời đáp nhằm vào thông tin tàu Trung Quốc neo ở đá Ba Đầu.
Theo giáo sư luật quốc tế tại Đại học Yokohama (Nhật Bản) Seta Makoto, các cuộc tập trận được Nhật Bản và Indonesia đề cập như trên là cách thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ giữa hai bên.
"Tôi cho rằng cuộc tập trận này nhằm thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ giữa Nhật Bản và Indonesia, đồng thời chứng minh ý chí của họ (không phải nghĩa vụ pháp lý) rằng họ có thể hợp tác với nhau khi một trong hai bên bị tấn công quân sự" - GS Seta nói với Tuổi Trẻ bên lề một cuộc hội thảo trực tuyến về Biển Đông ngày 30-3.
Lối đi riêng của người Nhật
Nhật Bản đã thúc đẩy việc xuất khẩu vũ khí trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, cuộc gặp "2 + 2" với Indonesia lần này có thể xem là ví dụ điển hình cho sự quan tâm ngày càng lớn của Tokyo đối với vấn đề Biển Đông và những hành động của Trung Quốc, cũng như xa hơn là chiến lược tăng cường sức ảnh hưởng của nước này trong bức tranh an ninh khu vực.
Từ sau khi gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc hồi tháng 1 năm nay để phản bác quyền vẽ "đường cơ sở" của Trung Quốc ở Biển Đông, người Nhật đã gia tăng sức ép về pháp lý lên các động thái liên quan của Bắc Kinh, ví dụ luật hải cảnh mới và việc neo đậu hơn 200 tàu tại đá Ba Đầu lần này.
Sự quan tâm của phía Nhật đối với luật pháp quốc tế trên biển được GS Seta thể hiện tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Những vấn đề Biển Đông nhìn từ quan điểm và luật pháp quốc tế - an ninh biển", do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 30-3.
Ông Seta dành phần lớn thời gian phân tích rằng luật hải cảnh mới của Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ xung đột trên biển vì các điều khoản và đối tượng luật này nhắm tới rất rộng và mơ hồ, khác với luật của các nước như Việt Nam hay Nhật Bản.
Nhận xét về quan điểm của Nhật Bản với việc neo đậu của tàu Trung Quốc, GS Seta khẳng định Nhật Bản làm rõ quan điểm của mình rằng phán quyết của trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016 phải được tôn trọng. "Theo tôi thấy tới nay Chính phủ Nhật Bản xem các hành động của Trung Quốc là không tuân thủ phán quyết trên và do đó vi phạm luật pháp quốc tế", ông nói với Tuổi Trẻ.
Trong mắt Trung Quốc, cuộc gặp Nhật Bản - Indonesia cũng nhằm vào việc đối đầu Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) hôm 29-3 nhận xét Nhật Bản ngày càng chủ động hơn trong các vấn đề Biển Đông, đồng thời tố Tokyo muốn nhân đây phục vụ "chiến lược ngoại giao riêng" và rằng "Nhật Bản đang tìm cách trở thành một siêu cường toàn cầu".
Cần cách tiếp cận thống nhất
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Seta ngày 30-3 nhận định rằng việc sử dụng vũ lực, sức mạnh quân sự là điều không được cho phép trong giải quyết tranh chấp quốc tế, tuy nhiên "đôi khi việc thể hiện sức mạnh quân sự rất hữu ích về mặt ngoại giao".
Theo GS Seta, giống như Nhật Bản và Indonesia, việc bày tỏ mối quan hệ hợp tác quân sự là một trong những lựa chọn khả thi mà Nhật Bản và Việt Nam có thể cùng thực hiện. Ngoài ra, khi đối phó với Trung Quốc - một siêu cường về kinh tế và quân sự, việc có một cách tiếp cận thống nhất giữa các nước là điều rất quan trọng.
"Những phản ứng tại Ủy ban về các giới hạn của thềm lục địa (CLCS) là một trong những ví dụ chứng minh rằng việc nhìn nhận của Trung Quốc về luật biển là sai lầm, không hề được ủng hộ.
Không chỉ "Bộ tứ kim cương" mà cả Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng cần có cách tiếp cận thống nhất. Nhật Bản và Việt Nam có thể đi đầu trong một cách tiếp cận thống nhất như vậy" - GS Seta nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận