Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - Ảnh: REUTERS
Trong bài phát biểu kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc (LHQ), Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho rằng đã tới lúc nên mở rộng Hội đồng Bảo an. Theo ông Motegi, việc tăng số lượng thành viên thường trực là để cơ quan này hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện hơn, đúng với bối cảnh quốc tế thế kỷ 21.
Hội đồng Bảo an hiện có 15 nước gồm 5 nước thường trực Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc cùng 10 nước không thường trực nhiệm kỳ 2 năm.
“Nhật Bản đã sẵn sàng hoàn thành các trách nhiệm của một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an nhằm góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định của thế giới", ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh trong bài phát biểu được phát tại trụ sở LHQ.
Ông Motegi kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ "không nên tự mãn với hiện trạng" và cần phải tiến hành "các bước đi nghiêm túc" để cải tổ Hội đồng Bảo an hậu COVID-19. “Tôi tin rằng các quốc gia thành viên có đủ năng lực và sẵn sàng đảm nhận các trách nhiệm lớn nên có ghế trong Hội đồng Bảo an mở rộng".
Do đại dịch diễn biến phức tạp nên lễ kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ đã diễn ra rất đặc biệt. Lãnh đạo các quốc gia thành viên được đề nghị ghi hình phát biểu và gửi tới LHQ thay vì đích thân tới trụ sở nằm ở New York (Mỹ).
Các cường quốc hạng trung hoặc mới nổi như Ấn Độ, Brazil đã tìm cách mở rộng Hội đồng Bảo an và lập luận rằng việc cơ quan quyền lực bậc nhất LHQ chỉ có 5 nước thường trực chỉ phản ánh cấu trúc quyền lực ngay sau Thế chiến thứ hai.
Theo tạp chí Nikkei Asian Review, ngoại trưởng Nhật, Đức, Ấn Độ và Brazil sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến vào ngày 23-9 để bàn về việc cải cách LHQ, trong đó có Hội đồng Bảo an. Các quan chức ngoại giao Nhật Bản tiết lộ 4 ngoại trưởng sẽ nhấn mạnh lại một lần nữa các cam kết nếu trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an mở rộng.
Trước đó, theo Hãng thông tấn PTI của Ấn Độ, quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông V. Muraleedharan ngày 21-9 tiết lộ hiện tại đã có 4/5 nước thường trực Hội đồng Bảo an ủng hộ New Delhi giữ ghế thường trực của cơ quan này. Ông V. Muraleedharan không nói rõ các nước ủng hộ cũng như chưa ủng hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận