12/09/2011 07:47 GMT+7

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 8: Tình đồng đội

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Cuối tháng 5-1988, những trận dông bão lăm le tràn vào biển Đông cũng là lúc trung tá Phạm Văn Hưng quay lại Cô Lin, trở lại với con tàu HQ 505. Anh chỉ huy một đội tám chiến sĩ hải quân thay cho đội mười người của đại tá, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã kiên cường bám trụ trên con tàu“thành đồng Tổ quốc” ở Cô Lin suốt gần ba tháng.

ZCmP0K38.jpgPhóng to

Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (thứ hai hàng đầu từ trái qua) cùng đồng đội - Ảnh tư liệu

Ký ức hào hùng

Cùng trở lại với trung tá Hưng trong chuyến thay ca đặc biệt này còn có hai chiến sĩ Hoàng Tất Thắng và Lê Đức Thắng. Năm chiến sĩ hải quân còn lại được điều động từ đảo Sinh Tồn sang. Đến giờ 23 năm đã trôi qua, nhưng trung tá Hưng vẫn nhớ cảm giác xúc động khi chiếc thuyền máy trung chuyển chở anh trở lại con tàu HQ 505 đang nằm sừng sững trên đảo chìm Cô Lin. Những dấu vết đạn pháo vẫn còn hằn rõ trên con tàu đã bạc màu vì sóng gió đại dương. Nhưng xúc động nhất là lá cờ Tổ quốc thiêng liêng mà anh và đồng đội đã chiến đấu để giữ vững vẫn phần phật tung bay giữa biển trời xanh biếc, như sự khẳng định chủ quyền của Tổ quốc không thể lay chuyển...

Lúc chia tay những đồng đội mới ra thay ca, đại tá, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ siết chặt tay từng người ở lại. Ông nhắn nhủ: “Tổ quốc là trên hết. Chiến sĩ còn thì đảo còn. Bằng mọi giá phải giữ vững được chủ quyền của Tổ quốc”. Trung tá Phạm Văn Hưng thay mặt tám chiến sĩ mới ra thay ca rưng rưng hứa sẵn sàng bảo vệ tàu HQ 505 và Cô Lin đến người cuối cùng. Lúc chuẩn bị xuống xuồng máy để trung chuyển lên tàu về đất liền, nhiều chiến sĩ trong đội mười người của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vẫn tình nguyện được ở lại để tiếp tục bảo vệ tàu, bảo vệ đảo cùng đồng đội mới ra.

Biển Đông, cuối tháng 5, mưa bão đầu mùa đã tràn về. Đội của trung tá Phạm Văn Hưng vẫn ở trên con tàu HQ 505 vì công trình trên đảo chưa được xây dựng. Mỗi khi dông bão ập đến, con tàu cứ nảy lên rồi vặn vẹo răng rắc như chực gãy đến nơi. Có nhiều lúc trung tá Hưng đã cùng anh em chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tàu bị đánh vỡ. Họ lấy những vạt giường trên tàu néo vào phao cứu sinh như một chiếc bè, rồi chuẩn bị lương khô, nước uống và vũ khí, để trong tình huống xấu nhất vẫn có thể bám trụ bảo vệ được đảo Cô Lin.

Mưa xuống, tình trạng nước ngọt không có trên đảo san hô chìm được cải thiện phần nào. Các chiến sĩ lấy tất cả vật dụng gì có thể trữ nước được để hứng nước mưa trên boong tàu. Đó cũng là lúc hiếm hoi các chiến sĩ được tắm thoải mái, mà có lính trẻ đã đùa tếu phòng tắm của mình... rộng cả đại dương, còn vòi sen lớn bằng bầu trời. Gạo trên tàu vẫn còn nhưng rau xanh là thứ chỉ có thể mơ ước. Chiến sĩ xin xuống tàu bắt cá. Họ soi đèn tìm những chú cá kẹt trong các vũng san hô khi thủy triều rút. Trong đó, Võ Minh là người lớn tuổi nhất trong tám anh em. Anh quê Quảng Ngãi, có nhiều kinh nghiệm bắt cá. Thi thoảng cải thiện được bữa ăn tươi, chiến sĩ trẻ trêu đùa đặt biệt danh từng người theo các loại cá là Thắng “chình”, Minh “hồng”. Riêng Hưng được anh em đặt tên là Hưng “Cô Lin”.

jrtgeyxA.jpgPhóng to
Đảo Cô Lin hôm nay - Ảnh: L.Đ.D.

Nhiệm vụ vẫn tiếp diễn

Ở trên tàu HQ 505 suốt từ cuối tháng 5 đến tháng 8, ngày nào đội của trung tá Hưng cũng luyện tập chiến đấu. Hỏa lực pháo trên tàu đã bị hư hỏng sau trận hải chiến ngày 14-3. Các chiến sĩ tập luyện chủ yếu bằng súng hỏa lực của bộ binh như DKZ, B40, B41 để chống xâm nhập tàu, đổ bộ lên đảo. Và họ tập cả với lưỡi lê súng AK để sẵn sàng cho tình huống phải hi sinh đến người cuối cùng. Nhiều trận cuồng phong dữ dội ập đến, biển Đông dậy sóng, nhưng lá cờ Tổ quốc trên đảo Cô Lin chưa một giây phút nào vắng bóng. Tất cả trái tim tám người lính đều hiểu sâu sắc rằng lá quốc kỳ chính là hình ảnh chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, và họ sẵn sàng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để giương cao ngọn cờ này...

Về sau, công binh ra xây dựng một nhà gỗ “cao cẳng” trên đảo Cô Lin, rồi kiên cố hóa bằng công trình bêtông. Tàu HQ 505 mang nhiều vết thương đạn pháo được kéo về đất liền và bị gãy vỡ trên đường đi. Những chiến sĩ đã kiên cường ở lại bảo vệ tàu, giữ gìn chủ quyền đất nước tiếp tục đi các đảo làm nhiệm vụ người lính hải quân với Tổ quốc. Trung tá Phạm Văn Hưng về đi học và tiếp tục xuống tàu đảm trách các nhiệm vụ thuyền phó, rồi thuyền trưởng của lực lượng hải quân VN. Anh từng đạt nhiều kỷ lục đi biển như 237 ngày đêm trên biển trong năm 2009. Chính con tàu do anh chỉ huy đã nhiều lần xông pha bão tố cứu sống chiến sĩ gặp nạn trên nhà giàn, ngư dân, thủy thủ bị đắm tàu.

Gần đây là tháng 5-2010, tàu HQ 957 do trung tá Hưng làm thuyền trưởng đã cứu sống chín thủy thủ Malaysia, Indonesia, Myanmar trên tàu Atlantic bị cướp biển tấn công ở vùng biển Malacca. Bè họ trôi dạt nhiều ngày trên biển và được tàu HQ 957 ở gần đảo Tốc Tan, Trường Sa cứu sống. Chín người nước ngoài đói rét được hải quân Việt Nam tặng áo mặc, cơm ăn và đưa về nước. Khi chia tay, họ đã nắn nót những chữ cảm ơn lên quyển sổ của tàu để tỏ lòng tri ân đến những người lính biển VN.

----------------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:Kỳ 4: Kỳ 5:Kỳ 6:Kỳ 7:

____________________

Trong trận hải chiến giữ chủ quyền Trường Sa ngày 14-3-1988, trung úy anh hùng Trần Văn Phương đã ngã xuống bãi đá Gạc Ma khi đang ôm trong tay lá cờ chủ quyền. 22 năm sau cũng chính trên vùng biển anh đã ngã xuống, một lá đơn xin vào quân ngũ đã được viết từ chính người con gái của anh...

Kỳ tới: Lá cờ của cha, lá đơncủa con

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp