Nhà văn Trần Trà My - Ảnh: TỰ TRUNG
21h đêm 31-3
Trước giờ bắt đầu cách ly xã hội trong hai tuần, một người anh đã nhắn tin hỏi tôi: "Rồi thức ăn, gạo... My đã chuẩn bị hết chưa?".
Tôi trả lời cho anh ấy hay rằng: "Dạ, gạo và thức ăn em còn một ít. Với lại em có mua sẵn ít khoai tây, khoai lang để ăn thay cơm được anh ạ". Rồi tự nhiên tôi nhắn thêm: "Tại dân miền Trung khổ quen rồi".
Bất giác ký ức ngày bé trong tôi hiện về, nhà tôi ở quê xa chợ, có những đợt mưa gió cả tháng trời, nhà tôi chỉ có thể đi chợ mỗi tháng một lần. Khó khăn vậy nhưng mọi người vẫn vượt qua đó thôi.
Ngày 1-4
Tôi thức dậy lúc 4h sáng. Tôi muốn viết một cái gì đó để ghi lại những cảm xúc của mình vào ngày đặc biệt này.
Một tháng trước, khi Vũ Hán đang bị phong tỏa, đọc loạt bài về nhật ký của nhà văn Phương Phương ghi lại những tháng ngày mọi người không ra khỏi nhà, tôi đã thầm cảm ơn đất trời khi đất nước mình vẫn đang tạm bình yên.
Bất giác tôi nhớ đến hình ảnh một người phụ nữ bán vé số cứ chạy tất tưởi vào ngày 30-3, trước khi tạm ngưng phát hành vé số. Tôi gặp chị trước hẻm nhà trọ, thoáng thấy ánh mắt lo âu của chị dù lúc đó mới chỉ là 9h sáng, chứ không phải 15h chiều.
Và rồi may quá khi lướt Facebook và các trang báo chính thống tôi thấy được những tấm lòng sẻ chia, những địa chỉ phát cơm miễn phí cho những người bán vé số và những người vô gia cư. Những điều tốt đẹp này giúp tôi cảm thấy ổn hơn, tạm quên đi những cảm xúc tiêu cực.
Tôi nấu cơm và làm sẵn một hũ cải thảo muối để ăn trong những ngày tới, chuẩn bị sẵn tâm lý cho hai tuần này nếu không thể nhờ ai đi siêu thị hay đi chợ. Tôi không lo quá về việc tích trữ thực phẩm.
Ngày 2-4
Tôi vẫn thức giấc lúc 4h sáng, dậy tắm rửa và luộc khoai ăn sáng. Tự nhiên tôi nghĩ mình nên ra ngoài một chút, dù có thể bán kính của tôi không thoát khỏi con hẻm.
Tôi sống tự lập trong một hình hài khác biệt, thành ra tôi đã quen với gian khó. Nhưng trước đại dịch, có những lúc tôi cũng thấy mình hoang mang và lo sợ.
Tuy là bị khuyết tật, nhưng công việc của tôi đã quen với sự di chuyển từ tỉnh thành này qua tỉnh thành khác.
Nhưng hệ hô hấp của tôi rất yếu và tôi mắc chứng bệnh viêm họng mãn tính, vậy nên biện pháp tự giác cách ly là an toàn nhất đối với tôi lúc này.
Tôi tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc tự cách ly từ ngày 27-2 tới giờ, mọi nhu yếu phẩm tôi đành phải nhờ người mua giùm hoặc mua đồ online.
Những ngày đặc biệt này, tôi hiểu thêm được vì sao Nhà nước mình phải đưa ra những biện pháp quyết liệt như vậy. Bởi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn và nghèo khổ. Thành ra khẩu hiệu "Chống dịch như chống giặc" đang được toàn dân đồng lòng hô vang.
Tôi đọc trên Tuổi Trẻ những bài báo nói về sự hi sinh của những "siêu nhân xanh", những bài viết nói về những việc tử tế mà dân tộc ta đang làm trong những ngày đại dịch này. Tôi bật khóc khi đọc đến cả những phần bình luận của độc giả động viên nhau: "Việt Nam cố lên!".
Tinh thần đoàn kết dân tộc đủ sức làm thay đổi ý thức chấp hành các quy định phòng dịch.
Chiều 3-4
Một chị bạn kho một nồi cá gửi cho tôi. Đang ăn cơm, nhận được bức ảnh chụp một anh chàng chăn vịt đã gửi 1.000 quả trứng để ủng hộ cho khu cách ly.
Nếu anh chàng chăn vịt kia ủng hộ được 1.000 quả trứng vịt, tại sao tôi và bạn không ủng hộ chiến dịch chống Covid này bằng cách này cách khác để động viên nhau và cùng cổ vũ tinh thần cho hàng ngàn y bác sĩ, chiến sĩ đang chiến đấu với con virus kia?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận