Câu chuyện 3 người bỏ dở chén trà, mua 1,5 tấn gạo tặng người nghèo ở Long An khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng - Ảnh: SƠN LÂM
Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), mỗi sáng thức dậy, tôi đều vào đọc báo để cập nhật tình hình, thông tin. Chưa khi nào tôi theo dõi báo chí nghiêm túc như thế.
Nỗi hoang mang càng tăng lên khi dịch bùng phát khắp toàn cầu và số lượng người tử vong ngày càng lớn… Từ hoang mang, lo lắng, tôi biết chọn lọc thông tin một cách thông minh, chừng mực, tự nhắc nhớ bản thân phải làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biết rằng "ở nhà là tự cứu mình". Tôi và các con cùng đọc để giảm căng thẳng, tích lũy vốn sống.
Thực tế, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, ở cơ quan, ra chợ đâu đâu cũng có thông tin, những câu chuyện xung quanh COVID-19. Đọc báo, lướt mạng xã hội cũng phủ sóng dày đặc những đồn đoán, thông tin gây hoang mang, fake news (tin giả).
Để nỗi hoang mang không làm cho cuộc sống trở nên nặng nề, tôi đọc và nghiền ngẫm những câu chuyện đẹp trên báo Tuổi Trẻ, để gia đình mình không bị xáo trộn, để làm chủ cảm xúc, tinh thần của chính mình.
Như bao người dân khác, tôi thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn, sát trùng tay, đeo khẩu trang…, giữ cho mình và giữ cho người thân của mình. Tôi cũng không muốn gieo vào lòng các con nỗi sợ hãi ngay từ thuở nhỏ. Tôi chỉ muốn nhân đây để dạy thêm cho các con những kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình, sống có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình trước khi nói đến cộng đồng. Trên facebook, tôi nhiệt tình chia sẻ những câu chuyện đẹp từ báo Tuổi Trẻ và tôi biết việc chia sẻ có trách nhiệm của mình cũng giúp ích được nhiều người.
Cảm ơn Tuổi Trẻ, nơi tôi học được nhiều điều, rằng rửa tay, đeo khẩu trang không chỉ trong dịch bệnh này, mà thiết lập lối sống tích cực hơn trong tương lai. Tôi học được cách tự bảo vệ mình trong bài "Bạn đã đeo khẩu trang y tế phòng vius corona đúng cách chưa?" (ngày 31-1-2020).
Đặc biệt, bài viết "Cách ly toàn xã hội: Người dân có cần tích trữ hàng hóa?" (ngày 31-3-2020) giúp tôi không bị quá hoang mang, không đổ xô đi siêu thị hay các chợ dân sinh để tích trữ đồ ăn.
Tôi không chỉ dõi theo những nội dung, tuyến bài phản ánh, cập nhật tình hình COVID, tôi luôn chờ đợi và đón đọc những câu chuyện cảm động, bình dị, đời thường nhưng đáng suy ngẫm. Đó là bài "Bà cụ ủng hộ bông tai, tiền chống COVID-19: Chết tiền không mang theo được", "Anh cứ yên tâm chống dịch nơi biên ải".
Đó có thể là sự ấm áp, tình người giữa "bão dịch" trong bài "Ấm lòng từng quả bí, chục trứng, mớ rau… bà con gửi vào khu cách ly", "3 người bỏ dở chén trà, mua 1,5 tấn gạo chia cho người nghèo trước giờ cách ly", "Cụ bà 84 tuổi năm ngoái xin thoát nghèo, nay góp 2 triệu chống dịch COVID-19", "Hai học sinh đập heo đất ủng hộ 200 triệu phòng chống COVID-19", "CSGT TP.HCM 'xuống đường' tặng mì gói, nước mắm... bà con khó khăn", "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19 - Quà của bạn đọc đến tay bác sĩ"…
Tôi cũng cảm thấy lạc quan hơn, có niềm tin vào sự sáng suốt của Đảng, Nhà nước, tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19. Xúc động trước tâm sự của nữ bệnh nhân người Anh cảm ơn bác sĩ Việt Nam trong bài "Các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống chúng tôi…".
Còn bao câu chuyện làm ấm lòng người, tích cực, mang giá trị nhân bản cao mà tôi cũng như nhiều độc giả khác được may mắn đọc trên báo Tuổi Trẻ. Tôi trộm nghĩ, nếu như không được đọc những bài viết ấy, nếu như đâu đâu cũng chỉ có chết chóc, những đồn đoán vô căn cứ, thì dù không ốm cũng dễ khiến mình trầm cảm, tiêu cực.
Thực sự, những bài viết trên báo đem lại nhiều giá trị cho độc giả như tôi. Tôi biết tự trân quý những ngày tháng bên con, bên gia đình thay vì mải miết kiếm tiền như trước đây. Tôi cũng tự cảm thấy mình phải có trách nhiệm trong cuộc chiến "chống dịch như chống giặc" này.
Có thể nói, những câu chuyện cảm động xen kẽ, khiến tôi không bị ngộp thở trong những thông tin gây sốc về số lượng người nhiễm tăng lên khắp toàn cầu.
Cảm ơn những câu chuyện đẹp trên Tuổi Trẻ, nhắc nhớ tôi biết trân trọng những gì mình đang có, giúp tôi sống có trách nhiệm hơn, biết chia sẻ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận