Các du học sinh sinh hoạt bình thường tại khu cách ly ở Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên tỉnh Hậu Giang - Ảnh: K.XUÂN
Ngày 21-2. Tôi tham gia khóa tập huấn cùng 30 người. Ban tổ chức nhắn nhủ mọi người chuẩn bị khẩu trang. Từ cửa ra vào, ban quản lý tòa nhà đã đo thân nhiệt cho từng người.
Ngày 2-3. Tôi tham gia một chương trình tập trung ở Đà Lạt cùng 50 người. Chúng tôi tham gia huấn luyện, cùng ăn trưa. Nước diệt khuẩn, khẩu trang được chuẩn bị đầy đủ nhưng không ai đeo khẩu trang vì sự bất tiện, khó chịu lẫn cảm giác không hòa đồng.
Ngày thứ 3, trong đoàn có một bạn vừa ho, vừa sốt lại tiêu chảy. Mọi người bắt đầu lo lắng. Ơn trời! Cuối cùng bạn ấy chỉ ho sốt vì thay đổi thời tiết và tiêu chảy vì thức ăn lạ bụng.
Tôi vốn có thói quen không dùng muỗng, đũa của mình gắp thức ăn khi ngồi chung mâm với người khác. Tuy nhiên, phần đông người Việt không có thói quen này.
Ngày 7-3. Tôi rời Đà Lạt. Sân bay Đơn Dương vắng khách. Nhiều người đeo khẩu trang nhưng kéo xuống tận cằm. Tiếp viên đeo găng tay nilông suốt chuyến bay và giúp hành khách nâng hành lý để lên khoang.
Tôi dùng cồn lau chứng minh thư, tai nghe và sát trùng đôi tay trước khi chợp mắt một lát. Khăn tay vải tôi dùng cầm nắm đồ vật phải dùng chung với người khác, tôi để vào ngăn riêng và giặt ngay khi về nhà.
Tôi tự cách ly từ đó. Tôi biết di chuyển dù là ra khỏi nhà thôi cũng có thể mang đến sự xáo trộn cho cộng đồng. Vì thế, tôi ở yên trong nhà một tuần sau đó và chỉ rời nhà để mua thêm gạo.
Ngày 14-3. Tôi quyết định hủy vé chuyến bay từ TP.HCM về nhà ở Quảng Nam, vì không biết chắc cơ thể mình có chứa virus trong những lần tham gia các hoạt động tập thể trên không? Chuyến bay đi Hàn Quốc vào ngày 18-3 của tôi đã hủy từ khi nước bạn bùng phát dịch bệnh.
Ngày 20-3. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến những người chuyển phát, nhân viên siêu thị vẫn đang căng mình phục vụ khách. Dù đang đi làm, ở nhà hay đang cách ly, mọi người đều cần thức ăn, nước uống. Cùng với các y bác sĩ, tình nguyện viên các khu cách ly, bệnh viện, tiếp viên trên các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam, họ là nhóm đối tượng có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh hơn cả.
Ngày 28-3. Giao thông bắt buộc giảm tần suất giữa các tỉnh với thành phố lớn. Tôi đã hạn chế sử dụng tiền mặt kể từ đầu dịch. Dường như rất ít người chú trọng làm việc này, nhiều người chủ quan chưa rửa tay đều đặn hoặc giả họ không nhận thức được bàn tay chạm vào đủ mọi thứ của mình chính là nơi ẩn chứa nhiều mầm bệnh.
Ngày 31-3. Thủ tướng chỉ thị cách ly toàn xã hội. Xe buýt TP.HCM cũng sẽ ngừng chạy 2 tuần. Cả nước cùng chấp nhận không ít những thiệt thòi và thiệt hại trước mắt để quyết chiến với dịch bệnh. Nhưng tại TP.HCM, tôi thấy hầu hết mọi người vẫn bình tâm chuẩn bị cho những ngày sẽ sống và làm việc rất đặc biệt. Hơn lúc nào hết, bình tĩnh và sáng suốt được yêu cầu trước nhất để phòng chống dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận