23/05/2021 15:44 GMT+7

Nhật ký dạy ôn thi trực tuyến trong khu cách ly

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Nhật ký của cô L.T.N.Q., một trong bốn giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) là F1 phải cách ly tập trung, kể các cô giáo vẫn khắc phục khó khăn để dạy ôn thi trực tuyến cho học sinh lớp 12, vì không muốn học trò thất vọng.

Nhật ký dạy ôn thi trực tuyến trong khu cách ly - Ảnh 1.

Để laptop lên cửa sổ làm bàn để dạy trực tuyến cho học sinh từ khu cách ly tập trung - Ảnh: NVCC

Trong nhật ký, cô L.T.N.Q. kể bản thân các cô dù rất muốn ở cùng nhau nhưng đã chủ động tách riêng để tập trung tối đa dạy trực tuyến cho những học sinh cuối cấp sắp bước vào kỳ thi. Vì dù cách ly do dịch bệnh, cô không thể để trò hoang mang, thất vọng.

Viết nhật ký vì muốn ghi lại cho riêng mình những ngày không quên, nhưng cô Q. đồng ý chia sẻ nhật ký của mình cho Tuổi Trẻ Online vì muốn nói với mọi người, với học trò là mình và các đồng nghiệp vẫn khỏe, tinh thần vững vàng, hợp tác, tuân thủ phòng chống dịch và vẫn hết lòng vì học sinh thân yêu.

Dưới đây là những trích dẫn từ dòng nhật ký của cô Q.

"Chờ tí nhé cô vào đây!"

Trong nhật ký ngày 19-5 của cô Q. có đoạn viết: "Đây là ngày thứ hai ở khu cách ly. Đã gần 7 giờ sáng. Giờ này mọi khi mình đi làm lâu rồi. Ánh mặt trời soi vào tận mặt và không gian thoáng đãng yên tĩnh. Cuộc sống thường nhật và những âm thanh náo nhiệt của thành phố Cảng đã ở nơi xa, rất xa, chỉ còn khoảng trống vắng lặng ngoài song cửa.

Mà thôi, phải dậy nhanh còn ăn sáng và online, hẹn với học trò từ hôm qua rồi. Mình phải cố gắng để bọn trẻ không thất vọng và lo lắng. Từ hôm qua đến giờ mọi người, nhất là phụ huynh và học trò nhắn tin động viên và lo cho mình nhiều quá: "Cô ơi, cô đã ăn cơm chưa? Cô cố lên cô nhá! Cô nhớ ăn uống nhiều nhiều, nghỉ ngơi nhiều nhiều nữa. Cô cố lên, cố lên, cố lên", "Cô nhớ giữ sức khỏe trong đó cô nhá... để còn dạy bọn e nx cô ạ!"...

Mình biết là lúc này sự có mặt của mình trong giờ học online có ý nghĩa như thế nào? Mình chỉ muốn nói rằng cô vẫn ổn, vẫn khỏe, vẫn ở bên các em, vững vàng và tập trung hơn bao giờ hết trong hành trình về đích cuối mười hai năm học của các em. Cô trò mình xa nhau ít ngày để cuộc sống bình yên trở lại với quê hương đất nước, nhưng sẽ gắn bó với nhau trong từng bài giảng dù on hay off các nhóc nhỉ?

Cái giường bệnh viện rộng ngang 80cm, dài 2m vừa đủ để kê va li quần áo sách vở lên và laptop ngự trên đó thế là có bàn làm việc rồi. Quan trọng nhất là wifi đủ mạnh để dạy trôi không bị nghẽn, nghe bọn trên tầng hai bảo trên đó wifi khỏe hơn. Lạy trời kết nối của mình đang khá ổn. Lại còn mật khẩu Team nữa, đăng nhập vào không phải lúc nào cũng trơn tru, vừa bị lỗi mật khẩu cũ, lại mất thêm 10 phút để đổi sang mật khẩu mới.

"Chờ tí nhé cô vào đây!". Các đồng nghiệp của mình ở phòng khác cũng đã vào "phòng" dạy cả rồi. Ừ nhỉ ? Cách li chứ không cách lòng, chúng mình tạm rời bục giảng chứ nhất định vẫn quyết tâm không xa rời mục tiêu phấn đấu của thầy và trò trong mùa thi kì lạ và cam go này".

Cô L.T.N.Q. kể có vào khu cách ly tập trung mới thấy các nhân viên, y bác sĩ làm việc không kể ngày đêm. Không thể hiểu họ lấy đâu ra năng lượng để làm việc quần quật, dưới cái nắng nóng. Cũng với thế, các cô giáo cũng phải cố gắng làm công việc của mình. Để một ngày bình thường trôi đi trong khu cách ly có ích.

Nhật ký ngày 20-5 viết: Từ sáng đến giờ, học trò nhắn tin liên tục: đứa thì lỗi mật khẩu không đăng nhập vào MT được, đứa thì làm hồ sơ nghẽn mạng chưa lấy được mẫu đơn đăng kí, có đứa thì đơn giản là "đi học muộn"... Lại nhắn tin "Cô nhớ đọc bài xem em viết thế đã được chưa? Cô chữa cho em với nhé". Không có cả thời gian để Zalo hay Facebook đâu, thỉnh thoảng cũng lướt chút những thông tin quan trọng, trả lời những cuộc gọi hay tin nhắn cần thiết.

Vậy mà từ sáng đến 12h đêm mình làm không hết việc. Mình làm chậm quá, hay thời gian trôi nhanh quá?. Các bạn đồng nghiệp của mình cũng miệt mài soạn giảng, dạy dỗ, cô bạn cùng phòng sáng kiến kê hai chồng giấy vệ sinh để kê laptop dạy cho đỡ mỏi lưng để dạy. Sáng kiến có một không hai".

Dạy trực tuyến là công việc giáo viên đã quen thuộc, nhưng với những giáo viên dạy học từ khu cách ly tập trung thì phải rất nhiều thứ khắc phục. Từ việc phải kê máy ở cửa sổ để bắt wifi cho tốt, đến chỗ để kê máy cho ngay ngắn học sinh nhìn được rõ.

"Một ngày mới nữa... Mình lại hối hả dậy từ sáng sớm, hôm nay thứ bảy, thời khóa biểu của mình có hai ca A12 và A10. Phải bật máy sớm 15 phút chứ, kẻo nhỡ trục trặc gì mất thời gian ôn bài của học sinh. Các thủ tục phải ngắn gọn nhanh chóng như bộ đội thời chiến. Nào laptop, điện thoại, sách giáo khoa, khẩu trang chai nước uống... Lại có hai học sinh vào học muộn, còn vài tuần thôi nhé, khẩn trương đi, cố lên nào các con", cô Q viết trong nhật ký ngày 22-5.

"Đừng đồn đoán, kỳ thị, mỗi người hãy làm việc của mình"

Nhật ký ngày 23-5: Hôm nay là ngày toàn dân đi bầu cử. Từ trong khu cách ly, chúng tôi đón chờ sự kiện này với rất nhiều tâm trạng. Chưa bao giờ mình lại hình dung đến hoàn cảnh đặc biệt này. Cô bạn đồng nghiệp nói chuyện, phụ huynh nhắn tin hỏi: "Gia đình em đang là F2 thì có được đi bầu cử không?". Lại phải giải thích cho bác ấy: cách ly tại nhà chứ có phải bị tước quyền công dân đâu?. Từ hôm trước, tài liệu bầu cử đã được chuyển vào từng phòng trong khu cách ly để mọi người tha hồ nghiên cứu, lựa chọn. Sáng hôm nay, đầu giờ sáng nhân viên y tế đã vào phát phiếu, còn ân cần hỏi: "Chị có bút chưa?".

Đúng 8 giờ sáng, thùng phiếu đỏ chót đã được các nhân viên y tế đưa vào từng cửa phòng để mọi người thực hiện quyền công dân của mình. Nhìn các bạn ấy lút người trong bộ bảo hộ y tế, liên tục di chuyển trong khu cách ly mới thấy họ bền bỉ, kiên cường như thế nào? Trời nắng mà trong đây không có điều hòa đâu nhé, họ phải tắm mình trong mồ hôi, trong không khí căng thẳng phòng dịch biết bao ngày.

Trong lúc đợi lớp trưởng điểm danh vào học online, mình nhìn ra cửa sổ, bóng các nhân viên y tế đang lúi húi sắp xếp thu dọn ở bên dưới sân. Còn các chiến sĩ bảo vệ canh gác, các y bác sĩ điều trị, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nữa chứ... Mình có hai mốt ngày, họ bao nhiêu ngày ở đây? Nguy cơ lây nhiễm rất cao, thật cảm phục cho sự bền bỉ thầm lặng mỗi ngày của họ.

Ở đây, mọi giá trị "chìm", "nổi" ở ngoài kia chả có ý nghĩa gì hết. Nhưng mình muốn mọi người hiểu đúng thực trạng của vấn đề, đừng cường điệu lên với màu sắc bi thương, hay kì thị, trách móc đủ kiểu. Điều này sẽ làm gia tăng tâm lí trốn tránh khai báo y tế khi có tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm.

Ở trong này, chúng tôi vẫn làm việc, công việc đòi hỏi chúng tôi phải tập trung cao độ hết mình. Vậy mọi người đừng tưởng tượng và đồn đoán gì cả, hãy theo dõi những thông tin y tế ở những nguồn đáng tin cậy. Cũng đừng phân biệt đối xử với người nhiễm hay nghi nhiễm vì hôm nay bạn gọi chúng tôi là "họ" nhưng biết đâu chính bạn cũng có thể trở thành "chúng tôi"?

Mình cũng đã từng là các bạn, có lúc nghĩ như các bạn, nhưng cơ hội được trải nghiệm, sống và tiếp xúc với mọi người ở đây khiến mình thay đổi rất nhiều. Biết trân quý cuộc sống hơn, yêu thương mọi người nhiều hơn, nhất là không thể lơ là chủ quan với dịch bệnh được.

61 thầy cô, học sinh cách ly tập trung, thầy hiệu trưởng gửi tâm thư: 61 thầy cô, học sinh cách ly tập trung, thầy hiệu trưởng gửi tâm thư: 'Hãy vịn vai nhau để đi'

TTO - Tâm thư của thầy Nguyễn Văn Đằng - hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh, Nam Định) - được gửi đi khi 61 thầy, cô và học sinh phải cách ly tập trung vì liên quan một ca dương tính COVID-19.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp