26/08/2019 06:40 GMT+7

Nhật ký của một thiên thần

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - "Con được về nhà rồi, con cảm thấy rất vui. Ước gì con được ở nhà luôn, không phải đi bệnh viện nữa. Con không thích đi bệnh viện đâu, buồn lắm, đau lắm, con sợ lắm...".

Nhật ký của một thiên thần - Ảnh 1.

Đôi mắt long lanh của Phương ẩn chứa sức chiến đấu bệnh tật - Ảnh: TRẦN MAI

Hôm nay bác sĩ đến cho mình thuốc giảm đau, mình khỏe lại nhanh chóng và vẽ được. Mình vừa vẽ xong bức tranh về công việc của mình, đó là trở thành bác sĩ đi khám bệnh như cô bác sĩ thường khám cho mình.

Trích nhật ký Diễm Phương

Cô bé Nguyễn Thị Diễm Phương viết tiếp: "Con sẽ cố gắng để mau khỏe lại, được đi học như các bạn, để mẹ không phải buồn và khóc nữa. Con sẽ đi học nấu ăn để nấu cho mẹ ăn. Sau này mẹ già, con sẽ nuôi mẹ, sẽ chăm sóc mẹ, mẹ sẽ không phải làm gì hết. Con yêu mẹ nhiều".

Ngày vui hôm nay

Dòng nhật ký của cô bé Nguyễn Thị Diễm Phương (10 tuổi, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) trong những tháng ngày chống chọi với ung thư. Cô bé xinh như một thiên thần và mạnh mẽ như chiến binh trước bạo bệnh.

Tháng 7, Tây Nguyên vào mùa mưa, các tuyến đường đất đỏ bazan lầy lội những lằn xe buộc xích. Cạnh nhà thờ xã Quảng Khê, con dốc nhỏ trải tầm mắt xuống thung lũng cà phê. Một cô bé tóc ngắn đang chạy xe đạp quanh sân - đó là Diễm Phương. Nhìn cô bé vui tươi, thật khó hình dung đó là bệnh nhân ung thư.

Phương lễ phép chào, rồi lao nhanh vào nhà: "Mẹ ơi, chú gì tới nè". Giọng Phương vọng dài như khẳng định mình rất ổn. Chị Phạm Thị Hiền (29 tuổi) - mẹ Phương - ra vui mừng chào tôi. Trước khi lên Đắk Nông, tôi và Hiền đã nhắn tin với nhau ròng rã một năm trời. Đó là những ngày người mẹ điêu đứng trước số mệnh khắc nghiệt và đau đớn nhìn con tàn tạ mỗi ngày.

Một năm ấy, gần như là mỗi lần đều có tin nhắn "em không chịu nổi nữa rồi". Những ngày trước tết cổ truyền năm 2019, Hiền nhắn: "Cả đêm qua cháu tiêm morphine đến ba lần anh ạ. Đỡ một chút lại đau, morphine cũng không có tác dụng nhiều với cháu".

Có lần, Hiền nhắn "con khỏe". Tôi đến thấy Diễm Phương đi sang động viên bạn đang đau. "Cố lên, mình cũng đau như bạn, giờ mình khỏe rồi nè". Lời thơ ngây của trẻ lại có sức mạnh hơn cả cha mẹ vỗ về. Lần khác, tôi đến lúc bé đang lúi húi dưới gầm giường, tô vẽ tranh. Diễm Phương tay cầm tranh, tay kéo hai bình dịch truyền trên giá đỡ qua cười khoe với bạn.

"Anh nhà báo ơi, con em khỏe rồi, bác sĩ bảo là quá thần kỳ anh ạ. Em mừng quá, ít ra thời gian này con em sẽ không nằm viện nữa. Tóc con mọc lại rồi, nhìn cưng lắm" - tin nhắn ấy đưa tôi lên Tây Nguyên.

Nhật ký của một thiên thần - Ảnh 3.

Trang nhật ký xúc động của Diễm Phương - Ảnh: gia đình cung cấp

Nhật ký yêu thương và đau bệnh

Diễm Phương có đến ba cuốn nhật ký. Cuốn sổ cô bé đang viết màu hồng, được khóa kín. Bí mật của em nằm trong đó. Mỗi lần lén đọc nhật ký của con, Hiền lại khóc. Đó là lý do Diễm Phương khóa lại, giữ cho riêng mình.

Mẹ năn nỉ mãi, cô bé mới cho xem với điều kiện "chỉ được xem trang đầu". Chiếc chìa khóa bật ra vỏn vẹn một đoạn ngắn: "Con không muốn mẹ đọc nhật ký của con. Vì mỗi lần mẹ đọc, mẹ lại khóc, con không muốn thấy mẹ khóc. Con sẽ khỏe lại, mẹ phải vui, con mới khỏe nhanh được". Diễm Phương ôm lấy mẹ, còn khóe mắt Hiền rỉ những giọt lệ. "Từ ngày bị ốm, con bé lớn hơn em nghĩ, nó có nhiều suy tư mà người lớn đôi khi không thấu hết" - Hiền trầm giọng tâm sự.

Hai cuốn nhật ký trước, Hiền đọc không sót một chữ và cô "bị ám ảnh". Mỗi lần con quằn quại đau đớn, những dòng chữ ấy lại hiện về. Người mẹ khổ đau chờ con thiếp đi sau liều morphine, rồi quỳ rạp trước tượng Chúa mà cầu xin một phép mầu, xin được gánh chịu bệnh tật cho con!

Nhật ký của một thiên thần - Ảnh 4.

Diễm Phương và mẹ mở cuốn nhật ký của cô bé - Ảnh: TRẦN MAI

Tôi hỏi Diễm Phương: "Bây giờ con còn ước làm bác sĩ nữa không?". "Còn chứ, con nghĩ là con khỏe rồi, bác sĩ cũng bảo vậy. Con sẽ đi học trở lại và học thật giỏi cho mẹ vui. Hôm trước bạn con ghé chơi, tụi nó bảo sẽ học dốt để ở lại lớp, chờ con học xong lớp 3 để năm sau cùng học lớp 4" - tạm qua cơn bệnh tật, cô bé lại thấy màu hồng phía trước.

Những cơn gió rì rào qua triền cà phê kéo ký ức trở về, Hiền nhớ ngày Phương nhận giấy khen học sinh giỏi và chịu cơn đau đầu tiên kèm sốt. Mẹ đưa con qua trạm y tế xã rồi lên bệnh viện huyện đều không phát hiện bất thường. Phương được về nhà.

Mấy ngày sau, Phương quỵ ngã nơi sân khi chơi đồ hàng, Hiền chuyển con lên Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông, bác sĩ phát hiện Phương bị vẹo cột sống bẩm sinh rất nặng. Bác sĩ tư vấn nên mổ nắn lại cột sống, nhưng biến chứng có thể liệt vĩnh viễn, thậm chí bại não. Hiền dẫn con về nhà, cô sợ điều tồi tệ nhất!

Cơn đau có tính chu kỳ lại đến, Diễm Phương ngất xỉu, Hiền quyết định đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM. Bác sĩ phát hiện khối u nằm trong tử cung, đặc biệt khối u chính nặng hơn 1kg ở buồng trứng. Khối u tử cung chỉ là di căn kèm hoại tử...

Nhất định con sẽ tặng những điểm 10

Tạm biệt mẹ con Diễm Phương, tôi tặng cô bé bộ truyện tranh, còn bé tặng tôi con gấu bông màu xanh. Diễm Phương bảo được tặng từ cô chú báo Tuổi Trẻ lúc ở bệnh viện. "Nhất định con sẽ gửi tặng cô chú những điểm 10 trong năm học này" - Diễm Phương cười nói.

"Cuộc chiến đấu" của thiên thần

Từ Bệnh viện Nhi Đồng, cô bé được chuyển qua Bệnh viện Ung bướu. Diễm Phương phải cắt tóc chuẩn bị "chiến đấu với số mệnh". Bốn tháng hóa trị đầu tiên, hai mẹ con không về nhà. Bác sĩ tính toán "điểm vàng" để mổ bỏ khối u. "Hồi cắt tóc con buồn lắm, con xấu đi nhiều!" - cô bé tâm sự.

Hiền vẫn nhớ trước ca mổ, bác sĩ thông báo phải cắt bàng quang, cả đời còn lại cô bé sẽ đi vệ sinh bằng đường ống. Xót thương con, người mẹ cầu xin bác sĩ giữ lại bàng quang, cô sợ cơ thể con có thêm dị khuyết. Lời hứa "sẽ cố gắng" của bác sĩ tạm trấn an Hiền thấp thỏm đợi chờ.

Ca mổ thành công, bàng quang được giữ lại như một phép mầu. Nhưng những đợt hóa trị sau đó đưa cả hai mẹ con rơi vào khủng hoảng thật sự. Vết mổ chưa lành khiến cơn nôn ra máu kèm theo đau đớn. Diễm Phương chẳng biết ôm bụng hay giữ lấy chiếc thau nôn làm điểm tựa.

Nhật ký của một thiên thần - Ảnh 6.

Diễm Phương vui tươi bên em gái - Ảnh: TRẦN MAI

Người mẹ như cũng đau theo và cầu xin được gánh chịu thay con. Trời vẫn cao xanh, nhưng lời nguyện cầu ấy không thể thành sự thật! Cơn đau đến nhiều hơn! Morphine cũng không giảm đau được quá hai giờ! "Mỗi lần nôn, vết thương khiến con đau lắm nhưng luôn cố tỏ ra ổn. Con càng chịu đựng, em càng đau" - Hiền trải lòng mình với tôi. Diễm Phương nhanh nhảu cắt lời: "Con đã nói sẽ khỏe lại mà, giờ con khỏe rồi nè".

Diễm Phương là bệnh nhân nặng nhất trong phòng bệnh, đã xuất hiện tế bào hoại tử có nghĩa di căn không dừng lại, ngày cuối cùng có thể đến nhanh. Nhưng cô bé vẫn ở đó, tiễn đưa những người bạn cùng phòng. Tháng 6 vừa rồi, những chuyến xe yêu thương của báo Tuổi Trẻ đưa các bệnh nhi ung thư "về nhà" lần cuối, Hiền giúp đỡ gia đình các bé. Còn Diễm Phương từ trên tầng cao nhìn theo, cô bé thấy mình may mắn khi còn đứng tiễn bạn. "Lúc các bạn về, con đều tặng gấu bông. Từ lúc con vào viện, giờ chỉ còn có ba bạn thôi, các bạn khác lên trời hết rồi" - cô bé kể với tôi.

Hai ngày sau đợt tiễn đưa ấy, mẹ con Diễm Phương nhận được tin tốt lành: tế bào ung thư được ngăn chặn, cô bé được xuất viện. Chuyến xe về nhà ngập tràn hạnh phúc, Diễm Phương lấy bút chì màu viết những dòng lạc quan rồi ngủ thiếp đi: "Con khỏe rồi, bạn bệnh và con sẽ sống hòa bình với nhau". Hiền đọc rồi ôm giữ giấc ngủ bình yên cho con.

Trăng sao lung linh trên trời rọi sáng gương mặt thánh thiện của cô bé...

Lạc quan lên, đừng đầu hàng

thien than chien dau ung thu nhat ky (8) 4(read-only)

Khỏe lại, đạp xe là trò chơi hằng ngày của cô bé - Ảnh: TRẦN MAI

Diễm Phương rất lạc quan, cô bé chưa lúc nào đầu hàng bệnh tật. Có lần Diễm Phương viết: "Mình và bạn sẽ sống cùng nhau, bạn là bệnh trong người mình, chúng ta cùng đồng hành với nhau. Đừng làm mình đau nữa nha!".

Có lần khác, cơn đau kết thúc, cô bé viết: "Bạn đã không làm mình đau thêm, rồi sau này mình khỏe mình sẽ đưa bạn đi học". Cứ thế trang nhật ký lạc quan thay dần cho những câu chuyện đau đớn. Diễm Phương cũng không quên viết về những bạn mình, kể cả những bạn đã mất. Phương nói: "Mấy cô chú nói chết là sẽ được lên trời, ai cũng vậy. Con chỉ sợ mình lên trời không còn đi học, không được gặp em và mẹ nữa".

Còn với Hiền, nhìn con chơi đùa là niềm hạnh phúc vô bờ. Lần tái khám gần nhất, bác sĩ bớt thuốc giảm đau. Cơ thể Diễm Phương có một "chiến binh" cực mạnh của ý chí và lạc quan, không có dấu hiệu tế bào ung thư phát triển. Diễm Phương rạng rỡ khoe cây đậu cô bé vừa trồng. Chồi đã lên xanh, cô bé sẽ tự tay mình chăm sóc, không như những cây đậu trước phải nhờ em gái chăm hộ.

Hành trình chiến thắng ung thư của người phụ nữ cụt một chân Hành trình chiến thắng ung thư của người phụ nữ cụt một chân

TTO - Hành trình chiến đấu với ung thư của chị Nguyễn Thị Ngọc (TP Hải Phòng) bắt đầu từ 11 năm trước - khi con gái chị học lớp 6, con trai học lớp 2. Khi đó, chị chỉ mơ sống được đến lúc con gái vào THPT và giờ con gái chị đã tốt nghiệp, đi làm.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp