Nhật hoàng Naruhito cùng hoàng hậu Masako thực hiện nghi lễ đăng quang trưa 22-10 - Ảnh: Reuters
Trẫm nguyện sẽ hành động theo hiến pháp và vẹn tròn trọng trách là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết của người dân Nhật Bản, luôn nguyện cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, luôn hướng tâm can về nhân dân, vì nhân dân mà phụng sự.
Phát biểu của Nhật hoàng theo bản dịch của Trung tâm biên phiên dịch quốc gia
"Trẫm, tự tâm can, mong đất nước Nhật Bản, với trí tuệ và nỗ lực không ngừng của nhân dân ta, sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần cho hữu nghị hòa bình trên toàn thế giới, cho toàn nhân loại phồn vinh hưng thịnh" - nhà vua đầu tiên của Nhật Bản sinh ra sau Thế chiến thứ II phát biểu trong lễ đăng quang.
Cúi mình nghiêm cẩn sau khi lắng nghe xong bài phát biểu ngắn của nhà vua Naruhito, Thủ tướng Abe Shinzo phát biểu chúc mừng thiên hoàng, bày tỏ cam kết nhân dân Nhật Bản sẽ "tôn trọng đức vua như một biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết của nhân dân". Ông Abe cũng là người lĩnh xướng 3 lần giơ hai tay lên hô vang "Vạn tuế".
Phần lớn thời gian chính của buổi lễ đăng quang trôi qua trong không khí tĩnh lặng. Các thành viên trong hoàng tộc di chuyển qua lại mà không nói gì, thi thoảng mới có một vài tiếng trống và tiếng cồng gióng lên, và sau cùng là tràng đại bác 21 tiếng chúc mừng nhà vua.
Nghi thức truyền thống tỉ mỉ và nghiêm cẩn dường như cũng lan tỏa sang tâm thế của các vị quan khách nước ngoài có mặt thời điểm ấy khi họ chăm chú lắng nghe bài phát biểu của nhà vua.
Lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito ngày 22-10 - Nguồn: iPage/Việt hóa: BÌNH AN, KIM THOA
Do thủ đô Tokyo gần như mưa suốt trong ngày 22-10 nên ngoài một số nhóm người đội mưa chờ đón nhà vua tới hoàng cung tiến hành nghi thức đăng quang, phần lớn người dân Nhật háo hức theo dõi sự kiện này qua tivi.
Bà Tomoko Shirakawa - 51 tuổi, một người dân đang đứng cầm ô chờ đón nhà vua - chia sẻ với Hãng tin Reuters: "Nhà vua còn trẻ, mạnh mẽ và có khả năng lãnh đạo xuất chúng, tôi hi vọng nhà vua sẽ hỗ trợ người dân Nhật Bản khi liên tục phải đối mặt với thiên tai, mưa bão".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, phó giáo sư Takeuchi Ikuo (Đại học Nông công nghiệp Tokyo), cho biết Nhật hoàng Naruhito vốn là người hiền lành và cũng rất lịch sự khi tiếp xúc với người dân Nhật Bản. Vì thế, ông Takeuchi hi vọng rằng từ nay trở đi, Nhật hoàng Naruhito tiếp tục giữ gìn tính cách trên, luôn được tất cả người dân Nhật Bản hết sức yêu mến.
"Tôi hi vọng và mong rằng trong triều đại Lệnh Hòa từ nay trở đi, cả nước Nhật, người dân Nhật sẽ cùng chung tay với Nhật hoàng Naruhito nhanh chóng khắc phục các khó khăn, giúp người dân có một cuộc sống đầy hi vọng" - ông Takeuchi nói.
Hoàng gia Nhật có tình cảm đặc biệt với Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong lãnh đạo nhiều nước tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito, thể hiện sự coi trọng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản.
Nhà vua Naruhito và hoàng gia Nhật Bản có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Nhà vua Naruhito đã từng thăm Việt Nam năm 2009 trên cương vị hoàng thái tử. Thượng hoàng Akihito, cha của nhà vua Naruhito, là nhà vua đầu tiên của Nhật Bản đến thăm Việt Nam năm 2017, và đây cũng là chuyến thăm chính thức nước ngoài cuối cùng của ông trước khi thoái vị ngày 30-4 năm nay.
Theo Cổng thông tin chính phủ, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật dự lễ đăng quang của nhà vua Naruhito, ngày 22-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp ông Yuji Kuroiwa - thống đốc tỉnh Kanagawa và ông Okada Naotosi - chủ tịch, tổng giám đốc báo Nikkei.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã gặp song phương với Thủ tướng Czech Andrei Babis, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Tổng thống Albania Ilir Meta. Thủ tướng đã trao đổi với các nhà lãnh đạo về những biện pháp đưa quan hệ Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với cả 3 nước vào năm 2020.
Cùng ngày, Thủ tướng đã tiếp ông Masayoshi Son - tổng giám đốc Tập đoàn Softbank - tập đoàn đầu tư tài chính lớn nhất Nhật Bản với phạm vi đầu tư, kinh doanh trên toàn thế giới.
Hoan nghênh hoạt động đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng mong muốn Softbank cần mở rộng quy mô đầu tư hơn nữa, tạo dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam bằng những dự án quy mô đặc biệt lớn, phù hợp với tầm vóc tập đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản và tương xứng với mối quan hệ hai nước.
Thủ tướng đề nghị không chỉ dịch vụ tài chính, vận tải công nghệ, Softbank cần hướng đến đầu tư vào Việt Nam trong cả những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, trong đó có dự án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Chính phủ Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận