Nhiều tòa nhà văn phòng ở Nhật vẫn sáng đèn dù trời đã tối - Ảnh: Getty Images |
Cuối tháng 2 năm nay, chính phủ Nhật bản phát động sáng kiến Premium Friday kêu gọi người dân tan ca sớm vào mỗi chiều thứ Sáu cuối cùng của tháng, nhằm giảm bớt tình trạng làm việc quá sức.
Theo đó, vào ngày Premium Friday, những người đi làm được khuyến khích về sớm vào lúc 15h chiều, đài BBC đưa tin.
Cuối tháng 3, báo chí Nhật cũng đưa tin Thủ tướng Shinzo Abe rời văn phòng lúc 15g chiều ngày thứ Sáu, lần đầu tiên kể từ sau kỳ nghỉ của ông hồi tháng 8, như một động thái ủng hộ ngày Premium Friday.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy chính phủ Nhật phải hành động là vì văn hóa chăm làm ở nước này hiện đang biến thành khủng hoảng, khi mà nhiều cái chết liên tục xảy ra vì làm việc đến kiệt sức.
Những cái chết đó, tiếng Nhật gọi là karōshi.
Một trong những vụ tử vong gây xôn xao dư luận nhất là khi Matsuri Takahashi, một nhân viên quảng cáo 24 tuổi tự vẫn năm 2015.
Cô Takahashi tìm đến cái chết sau khi làm việc ngoài giờ hơn 100 giờ trong một tháng.
Trước khi quyên sinh, cô để lại cho mẹ cô một mảnh giấy, trong đó viết rằng “Tại sao mọi chuyện lại phải khó khăn vậy hả mẹ ơi?”.
Câu hỏi nhói lòng đó khiến nhiều người Nhật phải tự vấn lại những gì đang diễn ra trong xã hội.
Takahashi là 1 trong số 2.159 ca tử vong (gồm cả tự tử) trong năm 2015 có liên quan đến làm việc quá sức.
Tháng 10-2015, một thông báo của chính quyền cho thấy 1/4 số công ty ở nước này có nhân viên làm việc ngoài giờ 80 giờ hoặc hơn mỗi tháng, và như vậy, những người này được xác định là có nguy cơ “karōshi”.
Nhiều người Nhật làm việc12-14 tiếng/ngày và rời chỗ làm lúc phố đã lên đèn - Ảnh: Getty Images |
Không mấy mặn mà
Tuy nhiên, sáng kiến tưởng chừng ai nghe cũng sẽ hưởng ứng nhiệt liệt này lại bị thờ ơ một cách lạnh lùng ở Nhật.
Nguyên nhân là gì? Chẳng ai muốn tan ca sớm cả.
“Chuyện này không giống phong cách của người Nhật”, ông Ryuta Hattori - trưởng phòng quan hệ quốc tế của công ty Sunny Side Up ở Tokyo, giải thích. “Trong văn hóa làm việc của người Nhật, chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, làm nhiều giờ và không ai về sớm cả”.
Công ty của ông, một trong những nơi hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, thậm chí phải thưởng khoảng 3.200 yen (hơn 650.000 đồng VN) cho nhân viên nào về sớm vào ngày Premium Friday.
Một nhóm nhân viên tận hưởng ngày Premium Friday hồi tháng 2 - Ảnh: Getty Images |
Tuy nhiên, nhiều công ty khác vẫn còn rất chần chừ về chiến dịch ngưng làm sớm. Tính đến nay, chỉ có khoảng 130 công ty đăng ký Premium Friday, dù tháng trước, ngày này rơi vào dịp hoa anh đào nở rộ - thời điểm mà nhiều người thích đi du lịch ngắm cảnh.
Bên cạnh đó, nhiều nhân viên cho biết nếu sếp họ về sớm, có khả năng họ sẽ về nhưng cho đến khi chuyện đó xảy ra, sẽ không ai dám đứng lên đi về trước cả.
Đồng nghiệp của bạn còn ngồi làm, bạn sẽ không về, đó cũng là cách nhiều người Nhật vẫn nghĩ.
Những quán mì ven đường là lựa chọn của nhiều nhân viên muốn tìm kiếm bữa ăn nhanh chóng rồi quay lại làm việc - Ảnh: Getty Image |
Theo nhận định của cô Parissa Haghirian, giảng viên Văn hóa trường Đại học Sophia ở Tokyo, đây là “diện mạo” điển hình của Nhật, một đất nước nơi mà người đi làm miệt mài làm ngoài giờ (có lương hoặc không lương) ngày này qua ngày khác.
Phần lớn nguyên nhân là do thiếu lực lượng lao động, cô Parissa Haghirian phân tích.
“Trong một công ty thiếu người, bạn không thế nào cứ nói là mọi người nên về sớm vì nếu vậy bạn sẽ không đủ người để hoàn thành công việc”, cô chỉ rõ.
Thậm chí, dù Premium Friday là sáng kiến của chính phủ Nhật, nhưng ngay tại các cơ quan của nhà nước, nó vẫn chưa được áp dụng nhiều!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận