Trong phát biểu bằng văn bản trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Washington của Mỹ trong tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ lo ngại về vai trò của Trung Quốc trong xung đột giữa Nga và Ukraine.
"An ninh của khu vực châu Âu - Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là không thể tách rời. Việc Nga tấn công Ukraine và hợp tác quân sự sâu rộng với Triều Tiên là những lời nhắc nhở mạnh mẽ về điều đó", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Kishida. "Nhật Bản quyết tâm tăng cường hợp tác với NATO và các đối tác".
Ông Kishida Fumio cũng kêu gọi hợp tác để đối phó với các mối đe dọa an ninh mới vượt qua biên giới địa lý, chẳng hạn như tấn công mạng và xung đột trong không gian.
Hàn Quốc, Úc và New Zealand, cùng với Nhật Bản được gọi là Bộ tứ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IP4), sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 10 và 11-7.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết tại thượng đỉnh NATO ở Washington, ông dự định thảo luận về mối đe dọa Bình Nhưỡng gây ra cho châu Âu khi tăng cường quan hệ với Nga.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ký cam kết phòng thủ chung với Nga vào tháng trước, trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Vladimir Putin tới Bình Nhưỡng sau 24 năm.
Ông Kim Jong Un cũng nhấn mạnh ông "hỗ trợ hoàn toàn" cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Mỹ cùng các đồng minh đã cáo buộc Bình Nhưỡng cung cấp tên lửa đạn đạo và đạn pháo mà Nga đã sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine và lo ngại rằng Matxcơva có thể hỗ trợ Triều Tiên phát triển tên lửa hạt nhân.
Washington cũng cáo buộc Trung Quốc đang cung cấp công nghệ drone và tên lửa, hình ảnh vệ tinh và công cụ máy móc cho Nga. Đây đều không phải là vũ khí sát thương nhưng đang giúp Matxcơva xây dựng lực lượng quân sự để duy trì cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào.
Thủ tướng Nhật Bản không nêu tên Trung Quốc, nhưng nói rằng "một số quốc gia" bị cáo buộc đã chuyển giao hàng hóa dân sự - quân sự cho Nga, đóng vai trò "cứu cánh" cho cuộc chiến của nước này ở Ukraine.
Do bị ràng buộc bởi hàng thập kỷ theo chủ nghĩa hòa bình, Nhật Bản đã ngần ngại cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine. Nhưng Tokyo đã cung cấp viện trợ tài chính cho Kiev, dẫn đầu các nỗ lực chuẩn bị cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Ngoài ra, nước này cũng đã đóng góp vào quỹ của NATO để cung cấp thiết bị không sát thương cho Ukraine, như hệ thống phát hiện drone chống máy bay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận