Hôm 6-3, Seoul công bố kế hoạch bồi thường cho những người Hàn Quốc bị bắt làm lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên trước khi Thế chiến II kết thúc.
Nỗ lực hàn gắn
Quan hệ Nhật - Hàn đã phức tạp suốt nhiều năm vì câu chuyện quá khứ. Hàng trăm ngàn người Hàn Quốc bị huy động làm việc tại các công ty Nhật cũng như làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ. Nhiều người trong số họ nay đã qua đời hoặc đã ở tuổi 90.
Năm 2018, tòa Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu hai công ty Nhật là Nippon Steel và Mitsubishi Heavy Industries phải trả tiền bồi thường nhưng phía Nhật không chấp nhận. Trong số 15 nạn nhân tham gia phiên tòa năm ấy hiện chỉ ba người còn sống.
Trong cuộc họp báo phát sóng ngày 6-3, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết Hàn Quốc sẽ thay Nhật trả tiền bồi thường cho chính người dân của mình. Số tiền trích từ một quỹ công với sự đóng góp của tư nhân.
Phát biểu cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seuk Yeol bày tỏ hy vọng có thể "bước vào một giai đoạn mới" cùng Nhật Bản thông qua kế hoạch trên. Chính quyền ông Yoon hiện nay quyết tâm hàn gắn quan hệ với Nhật, nước láng giềng lẽ ra đã là một đối tác tốt nếu không có vết thương chiến tranh.
Tuy nhiên đã xuất hiện một số ý kiến phản đối. Kế hoạch của chính quyền ông Yoon bị nhận xét đã thể hiện sự "yếu đuối" trước Nhật Bản. Hàn Quốc phải tự trả tiền, trong khi chưa có yếu tố ràng buộc nào về trách nhiệm của người Nhật được nêu rõ.
Mặc dù vậy, xét từ các phát biểu chính thức có vẻ những vấn đề tồn đọng sẽ được dàn xếp. Báo Asahi (Nhật Bản) nhận định ít nhất ở cấp độ ngoại giao, hai bên đang tiến rất gần tới giải pháp.
Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa, các công ty Nhật không bị yêu cầu trả tiền, nhưng nếu muốn họ vẫn có thể "đóng góp tự nguyện". Thủ tướng Kishida Fumio cũng chào đón đề xuất của phía Hàn và nói sẽ hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Yoon. Các nguồn tin ngoại giao từ hai nước cho biết tổng thống Hàn Quốc sẽ thăm Nhật trong hai ngày 16 và 17-3, đây có thể là lúc các chi tiết sẽ được thông qua.
Bức tranh an ninh thay đổi ở Đông Á
Ông Yoon được nhận định sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản. Trong lúc dư luận còn nhiều ý kiến chỉ trích đề xuất bồi thường của Hàn Quốc, đây là một ván cược cho ông và đảng cầm quyền khi cuộc bầu cử nghị viện 2024 đến gần.
Ngoài ra, dư luận cũng tập trung nhiều vào lợi ích an ninh của Hàn Quốc nếu tìm thấy tiếng nói chung với Nhật Bản. Đầu tiên là an ninh kinh tế. Nhật Bản và Hàn Quốc đang cố gắng hồi sinh quan hệ thương mại trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa.
Báo chí Nhật cho rằng người Hàn đang nhìn thấy tầm quan trọng về hợp tác kinh tế với Mỹ và Nhật, đặc biệt ở chuỗi cung ứng bán dẫn, một trong những động lực của kinh tế Hàn Quốc.
Thứ hai là Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ những thách thức an ninh chung, bao gồm vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chính quyền ông Yoon đã nỗ lực gắn kết với Mỹ và đồng minh của Washington nhằm giải quyết mối lo Triều Tiên cũng như các diễn biến đáng chú ý khác trong tình hình an ninh khu vực. Nói như tờ Nikkei Asian Review, Hàn Quốc đặt an ninh lên trước lịch sử.
Một quan hệ tốt hơn giữa Nhật và Hàn sẽ khiến bức tranh an ninh khu vực Đông Á thay đổi. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi đề xuất của Hàn Quốc, mô tả đây là động thái "đột phá trong chương mới về hợp tác giữa hai trong số những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ".
Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 8-3, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhận định đây là "một diễn biến tuyệt vời". "Mỹ muốn làm việc theo hướng song phương, ba bên, bốn bên... Với tôi càng nhiều đồng minh, đối tác và bạn bè, chúng ta càng xử lý vấn đề tốt hơn. Vì vậy đây là một diễn biến tuyệt vời. Tôi không biết thêm nhiều chi tiết về thỏa thuận (của Nhật và Hàn) nhưng chúng tôi thực sự lạc quan về tương lai", vị này nói.
Mỹ không thay đổi Bộ tứ an ninh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết hiện nay Washington không có kế hoạch thay đổi những gì đang có trong Bộ tứ an ninh (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Thời gian qua Philippines đang thúc đẩy hợp tác quân sự ở Biển Đông, bao gồm ý định tuần tra chung với ba nước Mỹ, Nhật, Úc. Dư luận Philippines thậm chí đề cập việc nước này có thể tham gia các cơ chế hợp tác kiểu QUAD, hoặc lấp vào khoảng trống Ấn Độ.
Nhận định về khả năng này, vị quan chức Mỹ nói trên khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines rất mạnh mẽ, nhưng hiện nay không có thảo luận nào liên quan tới việc thay đổi thành viên QUAD. Trước đây cũng xuất hiện một số ý kiến nhắc đến việc Hàn Quốc tham gia QUAD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận