Đảo san hô Okinotorishima được gia cố bằng các khối bê tông - Ảnh: Kyodo |
Theo SCMP, chính phủ Nhật Bản sẽ dành 13 tỉ yen (107 triệu USD) cho việc xây dựng lại các công trình hạ tầng trên đảo san hô Okinotorishima cách thủ đô Tokyo 1.740 km về phía nam.
Động thái này sẽ giúp mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên Thái Bình Dương.
Trước nay Trung Quốc là nước luôn lớn tiếng chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản tại đảo san hô Okinotorishima.
Nước này dẫn Công ước Liên hợp quốc về luật biển nói rằng Okinotorishima chỉ là một bãi đá mà người không thể ở được, vì thế Tokyo không thể sử dụng nó để mở rộng vùng thềm lục địa cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Tại thời điểm hiện tại Bắc Kinh chưa có bình luận gì về những kế hoạch mới nhất trong quá trình phát triển đảo Okinotorishima của Nhật Bản, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, đó chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Phó giáo sư Stephen Nagy thuộc khoa chính trị và quan hệ quốc tế Đại học Thiên chúa giáo quốc tế ở Tokyo nói: “Phản ứng của Trung Quốc sẽ thú vị, nhất là khi nhìn vào những gì đang diễn ra tại Biển Đông. Tôi không nghĩ là họ sẽ phớt lờ tuyên bố này của Nhật. Họ sẽ nói đó là một phần trong chiến lược hợp thức hóa tầm nhìn của Nhật Bản về tình trạng của đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), tuy nhiên họ sẽ cố gắng tách biệt nó với những gì Bắc Kinh đang làm ở Biển Đông”.
Giới chuyên gia cho rằng, sẽ thật mỉa mai nếu giờ đây Bắc Kinh cứ khăng khăng trích dẫn những lập luận pháp lý để chứng tỏ vì sao Nhật Bản không được phép phát triển đảo Okinotorishima, trong khi đó lại chính là những gì quốc gia này đang làm trên một số bãi cạn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Một căn cứ được Nhật Bản xây dựng năm 2013 tại đảo san hô Okinotorishima để dùng làm nơi bốc dỡ đồ tiếp tế, nhiên liệu và nước - Ảnh: Asahi Shimbun |
Đảo Okinotorishima có ý nghĩa rất quan trọng với Nhật Bản trong công cuộc tìm kiếm những nguồn tài nguyên mới. Vùng đáy biển xung quanh đảo này được cho là lưu trữ các nguồn tài nguyên có giá trị hàng ngàn tỉ yen. Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới việc phát triển trữ lượng khí methane hydrate, loại khí được xem như một nguồn năng lượng quan trọng của tương lai. Nếu các tài nguyên khoáng sản được khai thác ở quy mô công nghiệp, nó sẽ giúp Nhật Bản giảm đáng kể tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận