27/06/2017 08:16 GMT+7

Nhập nhèm ghi nhãn sữa...

LAN ANH - NHƯ BÌNH
LAN ANH - NHƯ BÌNH

TTO - Bộ Y tế chuẩn bị sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sữa dạng lỏng. Theo đó, khái niệm “sữa tiệt trùng” sẽ bị bãi bỏ và thay thế bằng khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa hỗn hợp”.

Việc quy định lại cách ghi nhãn sữa giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm mà mình muốn chọn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc quy định lại cách ghi nhãn sữa giúp người tiêu dùng mua đúng sản phẩm mà mình muốn chọn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có thể từ tuần tới, thị trường sẽ buộc phải thay thế dần sản phẩm sữa tiệt trùng bằng các tên gọi mới.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sữa tiệt trùng sẽ phải đổi thành sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp.

Sữa tiệt trùng không phải sữa tươi

Theo các chuyên gia, thị trường sữa tươi của VN khá đặc thù. Hiện có 3 loại sữa nước đang được nhiều người tiêu dùng hiểu là “sữa tươi” nhưng được chế biến theo 3 cách, với nguyên liệu rất khác nhau. Sữa tươi 100%, sữa tươi pha với sữa bột và sữa bột pha hoàn toàn. Với loại thứ hai và thứ ba, các nước trên thế giới vẫn gọi là sữa bột hoàn nguyên.

Tuy nhiên, do không quy định rõ tỉ lệ sữa tươi nguyên liệu trên nhãn nên nhiều doanh nghiệp “tận dụng” nhãn hiệu sữa tiệt trùng, trong khi sữa tiệt trùng và sữa thanh trùng hiện nay có nhiều người tiêu dùng không phân biệt được.

Sữa thanh trùng là sữa tươi 100% được thanh trùng và hạn sử dụng ngắn từ 3-4 ngày. Còn sữa tiệt trùng, thành phần bao gồm sữa tươi và thực chất có sữa bột pha lại. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia về thực phẩm cho rằng cách gọi sản phẩm là “sữa tiệt trùng” có thể gây những hiểu lầm, vì cách gọi gần giống như “sữa thanh trùng” - sản phẩm 100% sữa tươi.

Giải thích về việc dự tính bỏ tên sản phẩm “sữa tiệt trùng”, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: quy chuẩn sữa dạng lỏng hiện hành ban hành năm 2010, bảy năm đã qua và cần có những thay đổi để phù hợp quy chuẩn tương tự của quốc tế.

Ông Phong cho hay sau phiên họp với các nhà sản xuất, Hiệp hội Sữa VN, các chuyên gia cuối tuần trước, có thể tuần tới Bộ Y tế sẽ ban hành quy chuẩn VN về sữa dạng lỏng mới, trong đó chia ra sản phẩm sữa tươi là 100% sữa tươi như hiện nay, còn tên gọi sữa tiệt trùng sẽ loại bỏ để thay bằng sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp.

Trong khi đó, theo thống kê năm 2014 của Tổng cục Thống kê, có tới hơn 70% số lượng sữa nước trên thị trường ở VN là sữa hoàn nguyên, phần còn lại là sữa tươi từ các vùng nguyên liệu của các công ty trong nước.

Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội cũng từng cho rằng lượng sữa tươi nguyên liệu còn thiếu, trong khi cách ghi nhãn sản phẩm hiện nay khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn một số sản phẩm sữa hoàn nguyên với sữa tươi, ảnh hưởng đến quyền được minh bạch thông tin, người dùng thiếu cơ sở lựa chọn đúng sản phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Ảnh: LÊ QUÂN
Ông Nguyễn Thanh Phong - Ảnh: LÊ QUÂN
Người tiêu dùng mỗi khi mua sản phẩm sữa nên đọc kỹ thành phần và các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm

Doanh nghiệp chưa thông

Tuy nhiên theo thông tin của Tuổi Trẻ, một nhà sản xuất sản phẩm sữa tươi vẫn chưa đồng thuận với cách phân chia mới của Bộ Y tế.

Thực ra, từ lâu đã có cuộc tranh cãi kéo dài giữa các nhà sản xuất sữa dạng lỏng ở VN. Trong đó có hai phe chính: phe sữa tươi và phe nhập khẩu sữa bột về chế biến thành sữa dạng lỏng.

Bất phân thắng bại nên Bộ Y tế từng có văn bản đề nghị Thủ tướng phân xử. Nhưng đề nghị này đã được hoàn trả về Bộ Y tế vì việc xây dựng quy chuẩn hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Bộ Y tế.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, việc phân chia tên gọi sữa dạng lỏng tới đây phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ người tiêu dùng và phát triển sản xuất.

Người tiêu dùng cần được hiểu đúng về sản phẩm nhưng cũng cần tránh thay tên gọi khiến doanh nghiệp tốn kém và có nguy cơ bị ế hàng vì người tiêu dùng e ngại.

Tuy nhiên, giám đốc kinh doanh một công ty sữa trong nước cho biết nếu quy định này có hiệu lực, doanh nghiệp phải xem như làm lại nhận diện thương hiệu từ đầu cho không ít sản phẩm sữa nước, khá vất vả.

“Việc này cũng giống như đổi tên họ lại cho sản phẩm, doanh nghiệp phải tiến hành công bố lại sản phẩm, in ấn, thiết kế, thậm chí các tên sản phẩm trên trang web cũng phải thay đổi, rất nhọc” - vị này cho biết. Nhưng đáng lo nhất là làm sao thuyết phục được người tiêu dùng.

“Ngày trước, khi cơ quan quản lý bắt buộc sữa bột phải bổ sung thêm từ “thực phẩm bổ sung” trên bao bì, thị trường đã bị chững lại rất nhiều” - ông cho biết thêm.

Sẽ yêu cầu ghi nhãn rõ hơn

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, cùng với việc thay đổi cách gọi một trong những sản phẩm sữa dạng lỏng bán chạy trên thị trường, quy chuẩn mới sẽ yêu cầu các nhà sản xuất ghi rõ thành phần sản phẩm và chỉ tiêu chất lượng chủ yếu lên bao bì.

Theo dự kiến của Bộ Y tế, tới đây sữa tươi sẽ có 4 loại: sữa tươi tiệt trùng nguyên chất, sữa tươi thanh trùng nguyên chất, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng. Với sản phẩm “sữa tiệt trùng” có pha sữa bột, sẽ phải chuyển đổi thành: sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp.

Nhiều nước không có sữa hoàn nguyên

Một chuyên gia nghiên cứu về thị trường sữa của VN cho hay tại các nước có ngành nuôi bò sữa phát triển như Mỹ, Úc, New Zealand hay một số quốc gia châu Âu không có khái niệm sữa hoàn nguyên vì đều sử dụng 100% là sữa tươi. Do vậy, người tiêu dùng chỉ phân biệt sữa tươi được xử lý theo hình thức thanh trùng hay tiệt trùng.

Tại các quốc gia phải nhập khẩu sữa, các công ty có hai lựa chọn là nhập khẩu sữa nước đóng hộp hoặc sữa bột về để hoàn nguyên (pha loãng thành nước, bổ sung thêm các chất để tái tạo chất lượng và hương vị như sữa tươi).

Nhập khẩu sữa tươi nguyên hộp rất đắt đỏ nên các công ty ưu tiên mua sữa bột về pha loãng vì có những thời điểm giá sữa bột trên thế giới giảm rất sâu, từ đó mới có khái niệm sữa tiệt trùng (không nói rõ nguồn gốc là sữa tươi hay sữa bột được hoàn nguyên).

TRẦN MẠNH

LAN ANH - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp