01/03/2013 07:34 GMT+7

Nhập ngũ mở ra nhiều cơ hội hơn

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Từ ngày 7-3, thí sinh nếu có lệnh gọi nhập ngũ dù đỗ vào ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp nhưng chưa hoàn thành thủ tục nhập học sẽ phải ưu tiên thực hiện nghĩa vụ quân sự.

qJxB7zHN.jpgPhóng to
Đại tá Lê Quang Chính - Ảnh: V.DŨNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ về quy định mới này, đại tá Lê Quang Chính - phó cục trưởng Cục Quân lực- Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam - cho biết:

- Thực tế Luật nghĩa vụ quân sự năm 2005 đã quy định rất rõ tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với công dân đang học ở các trường phổ thông, trường dạy nghề, trường trung học chuyên nghiệp, trường CĐ, ĐH. Song thông tư số 175 ban hành năm 2007 lại cho phép việc tạm hoãn gọi nhập ngũ với đối tượng có giấy gọi nhập học mang tính mở rộng, chưa phù hợp với Luật nghĩa vụ quân sự. Do vậy thông tư sửa đổi lần này làm rõ khái niệm khi công dân mới nhận được giấy báo, chưa làm xong thủ tục nhập học thì chưa phải đang học, phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Thực tế trong những năm qua, do các trường CĐ nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp không phải thi tuyển, chỉ thực hiện xét tuyển, số công dân theo học ngày càng nhiều khiến số tạm hoãn gọi nhập ngũ trong tổng số công dân đến tuổi nhập ngũ chiếm tỉ lệ lớn. Điều này gây khó khăn cho địa phương khi thực hiện và cũng khiến chất lượng tuyển quân bị giảm nhiều. Chưa kể có những thanh niên lợi dụng việc các trường chỉ xét tuyển nên cứ đăng ký để có giấy báo nhập học, sử dụng để được tạm hoãn gọi nhập ngũ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự dù thực tế không theo học.

* Như vậy với công dân nhập ngũ dù trúng tuyển ĐH, CĐ... sẽ được bảo lưu kết quả học tập thế nào, thưa ông?

- Công dân đã nhập ngũ quân đội nếu có giấy báo nhập học trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo lại cho trường mà các em đã trúng tuyển bảo lưu kết quả. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, các em sẽ được nhà trường tiếp nhận trở lại.

* Điều khiến thí sinh sắp thi ĐH tỏ ra lo lắng nhất là các em có thể bị mai một kiến thức khi trở lại trường ĐH. Việc sử dụng giấy báo để được quyền hoãn nghĩa vụ quân sự gặp nhiều ở trường hợp xét tuyển CĐ nghề, trung cấp nghề... nên có đề xuất không nên áp dụng quy định này với người đỗ ĐH chính quy vốn phải qua thi tuyển rất chặt chẽ?

- Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân. Những học sinh có kiến thức vững vàng, đỗ ĐH thì 18 tháng hay hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ cũng không thể mai một được. Mặt khác, việc nhập ngũ không làm các em bị mất cơ hội học tập mà còn mở ra nhiều cơ hội hơn. Môi trường quân đội là một trường học lớn giúp các em rèn luyện ý chí, bản lĩnh, nhân cách, là nơi tạo điều kiện để các em phát triển tài năng nếu thấy phù hợp. Các em đỗ ĐH được trở lại trường học tập sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Ngoài ra, nếu thanh niên đủ một tuổi quân trở lên (vào quân ngũ sau một năm) có thể được đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ quân đội với những ưu tiên cụ thể về điểm trúng tuyển.

* Nhiều thí sinh, phụ huynh băn khoăn quy định này có áp dụng với thí sinh thi đỗ vào các trường thuộc khối quân đội không, thưa ông?

- Nếu các em đỗ vào hệ quân sự các trường thuộc khối quân đội thì khi vào trường các em cũng đã trở thành quân nhân. Các em sẽ học tập ở trường với chế độ rèn luyện của quân đội nên không bị tạm dừng việc học ĐH để đi nhập ngũ như những trường hợp khác nữa. Tuy nhiên, chính sách này cũng chỉ áp dụng với các em thi đỗ vào hệ quân sự, chứ không bao hàm hệ dân sự của trường quân đội.

* Có ý kiến cho rằng khi thực hiện quy định mới, giảng đường có thể sẽ vắng bóng sinh viên nam. Điều này có thật sự đáng lo ngại?

- Trong Luật nghĩa vụ quân sự, nam thanh niên nhập ngũ thời bình tuổi từ 18-25. Nếu tính theo tỉ lệ sinh hằng năm thì số thanh niên nằm trong giới hạn tuổi nhập ngũ rất đông. Tỉ lệ gọi nhập ngũ hằng năm rất ít so với tổng số nam thanh niên đến tuổi nhập ngũ. Do đó hoàn toàn không thể có chuyện vắng bóng sinh viên nam bởi chủ trương này được.

* Nhiều người lo ngại địa phương có thể gọi quân ồ ạt, nảy sinh tiêu cực, nhất là khi đợt tuyển quân lần hai trùng với thời điểm thí sinh nhận giấy báo và nhập học... Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng sẽ triển khai thông tư thế nào để bảo đảm được công bằng?

- Quy định mới chắc chắn hạn chế được nhiều công dân sử dụng giấy báo nhập học để tạm hoãn nhập ngũ, trốn tránh nghĩa vụ quân sự nhưng thực tế không học, bảo đảm công bằng với các công dân có cùng giấy gọi vào học tại các trường. Theo quy định của hiến pháp, quyền phải gắn với nghĩa vụ công dân.

Để bảo đảm công bằng xã hội đối với công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ, do hằng năm số lượng công dân gọi nhập ngũ rất ít, số đủ điều kiện trong độ tuổi nhập ngũ còn lại rất nhiều nên cần có quy định để mọi công dân có thể thực hiện nghĩa vụ của mình trong “thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc”. Về phía địa phương sẽ phải thực hiện đúng thủ tục quy định tuyển gọi nhập ngũ, căn cứ vào số lượng thanh niên ở địa phương để gọi theo tỉ lệ bảo đảm tuyển đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng và chất lượng.

Nam thanh niên được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình gồm:

- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng 1, con của bệnh binh hạng 1

- Một người anh trai hoặc em trai của liệt sĩ

- Một con trai của thương binh hạng 2

- Cán bộ, viên chức, công chức, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội đang cư trú tại địa phương hoặc người địa phương khác được điều động đến làm việc ở vùng sâu vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 trở lên, ở hải đảo có phụ cấp khu vực hệ số 0,3 trở lên (đã phục vụ từ 24 tháng trở lên).

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp